Những giải pháp thực hiện hiệu quả chính sách phát triển thủy sản
Nghị định 67/2014/NĐ-CP được ban hành là thể hiện quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước, nhằm tạo bước đột phá thúc đẩy ngành khai thác thủy sản phát triển bền vững và góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Có thể nói, chưa bao giờ một chính sách phát triển thủy sản mới ban hành đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng của các bộ, ngành, các địa phương và ngư dân trên cả nước như thế. Điểm mới cốt yếu, quan trọng nhất của Nghị định 67 là quy định đầy đủ, có hệ thống, đồng bộ các chính sách cơ bản nhất cho việc khuyến khích ngư dân đóng tàu công suất lớn, vỏ thép để dần chuyển từ khai thác gần bờ sang khai thác xa bờ có giá trị kinh tế cao hơn, đồng thời góp phần vào bảo vệ vùng biển của nước ta.
Tại Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP vừa qua ở Nha Trang, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho biết: Số lượng tàu đánh bắt xa bờ không vượt qua con số 2.097 tàu và 205 tàu dịch vụ hậu cần cho cả nước. Đồng thời, Bộ cũng phân bổ cụ thể từng địa phương được đóng bao nhiêu tàu cá đánh bắt xa bờ, bao nhiêu tàu dịch vụ hậu cần. Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: Không tăng vô hạn tàu đánh bắt xa bờ và không phải nghề đánh bắt xa bờ nào cũng đẩy mạnh phát triển vì phải đảm bảo phù hợp với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phù hợp với quy hoạch phát triển đội tàu cá đánh bắt xa bờ.
Đến nay, số lượng tàu vỏ thép cần đóng mới của ngư dân các địa phương đăng ký gấp nhiều lần tổng số tàu mà Bộ NNPTNT phân bổ. Điều này đã gây khó khăn cho các địa phương trong xét duyệt đối tượng được hỗ trợ đóng tàu cá và tàu dịch vụ, nhất là đối tượng được đóng tàu dịch vụ hậu cần. Để bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan trong quá trình triển khai thực hiện nghị định, các bộ, ngành cần ban hành ngay các văn bản hướng dẫn, thông tư thực hiện, với mục tiêu đạt hiệu quả kinh tế cao.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho biết, sẽ có hướng dẫn cụ thể hơn về điều kiện cho vay ưu đãi đóng tàu xa bờ để các địa phương căn cứ thực hiện, xây dựng chương trình đào tạo nghề cho ngư dân; trong đó ưu tiên đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng và ngư dân với những kỹ năng đặc thù của mỗi nghề. Bộ NNPTNT cũng cần có hướng dẫn tiêu chí cụ thể giúp các địa phương xác định đúng đối tượng được hỗ trợ đóng tàu cá và tàu hậu cần dịch vụ nghề cá; tạo điều kiện để ngư dân tham gia đóng góp ý kiến vào thiết kế mẫu tàu; tăng số tàu dịch vụ để đáp ứng nhu cầu vận chuyển thủy sản từ biển vào bờ đạt hiệu quả. Các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính ưu tiên cân đối nguồn lực cho chương trình ngay trong năm 2014 và các năm tiếp theo. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại chủ động nguồn vốn để triển khai đúng kế hoạch, cải tiến thủ tục cho vay để ngư dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn. Trước mắt, tập trung ưu tiên hỗ trợ ngư dân đang đánh bắt, có năng lực tài chính bảo đảm và có phương án sản xuất mang lại hiệu quả thiết thực. Các địa phương, trên cơ sở số lượng tàu được phân bổ cần rà soát, xác định đúng đối tượng được hưởng ưu đãi đóng mới tàu, từ đó tổng kết, rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng, tránh tình trạng lợi dụng chính sách để trục lợi cá nhân, gây thiệt hại cho Nhà nước.
Dương Sơn