Những điều chưa ghi trong nhật ký (17/12/2010)
Nhưng tôi hy vọng rằng: Những chi tiết sau đây sẽ bổ sung phần nào cho hai quyển nhật ký mà chị đã viết và bị mất, là thời gian giữa năm 1967, khi bác sĩ về công tác tại xã Phổ Hiệp (nay là xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ). Đây là những những ý kiến của đồng chí Nguyễn Tiến Thu, nguyên là bí thư Đảng uỷ xã lúc bấy giờ.
Tình yêu của chị là tình yêu Tổ quốc, tình yêu đất nước, tình yêu chia sẻ với nhân dân, với đồng đội. Có lần chị phải đối mặt với Mỹ càn vào bệnh xá do chị phụ trách rồi chúng chạy xộc vào nhà bà Rây. Vì quân giải phóng ta vừa đánh vào đồi núi sâu, ta có ba đồng chí bị thương, mãi gần sáng mới được đưa về nhà bà Rây. Thuỳ Trâm kiêm cả cán bộ dân nguyện, chị đang lau dụng cụ thì bất ngờ lính Mỹ càn đến, chúng nó đột nhập thẳng vào nhà bà Rây, lăm le chĩa súng vào 3 thương binh hét to: Vi xi...vi xi.... Thuỳ Trâm bình tĩnh lùa dụng cụ xuống đất, lấy quần áo cũ phủ lên rồi ra đứng chặn cửa, đỡ nòng súng của thằng Mỹ lên và nói: Nô vi xi...nô vi xi. Hai tên lính Mỹ không kịp vào nhà. Nghe tiếng nói, các chị ở gần trong xóm chạy đến bao quanh hai tên lính Mỹ. Lúc đó em Mân 13 tuổi (con bà Rây) dẫn hai thương binh là anh Sơn và anh Lê ra phía sau nhà, đi theo dãy cát dọc bờ biển. Hai tên lính Mỹ thoáng thấy, liền chạy đuổi theo, bắn em Mân bị thương ở chân, không chạy được nữa. Thuỳ Trâm đỡ em Mân dậy và cả bà Rây chạy ra đỡ lên đưa vào mái hiên trong nhà. Không ngờ hai tên lính Mỹ lại quay lại, chúng thấy hai chân em bị thương, chĩa súng vào em, mặt hầm hằm hét: Vi xi...vi xi. Tên lính Mỹ cúi đầu nhìn xuống cùng lúc đó, một tay của Thuỳ Trâm đưa lên nắm cây súng của tên lính Mỹ, từ từ hạ xuống. Các chị phụ nữ đến đây thấy thế đều thở phào. Tên lính Mỹ nhìn chằm chặp Thuỳ Trâm, rồi quay lưng bỏ đi.Các chị phụ nữ xúm lại ôm hôn, vuốt tóc Thuỳ Trâm và nắm tay chị, tỏ lòng khâm phục, một bác sĩ thông minh như Thuỳ Trâm và khen chị đã làm được một việc có một không hai trong đời này. Chị đã dành lại ba thương binh trọn vẹn và uy tín của Thuỳ Trâm đã ăn sâu lòng tin của dân, nhất là giới nữ. Tiếng đồn về một bác sĩ người Hà Nội với nhân dân Phổ Hiệp nói riêng và huyện Đức Phổ nói chung, nên càng động viên nhân dân quyết tâm đánh Mỹ đến cùng.
Có thể nói huyện Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) là một trong những chiến trường ác liệt nhất thời bấy giờ, có cả Lữ đoàn 196 của Mỹ, Sư đoàn dù 101 Mỹ - có thời gian cả Sư anh Cả đỏ Mỹ cũng ra đây, rồi có cả Rồng Xanh - Bạch Mã – Nam Triều Tiên, Sư 2 – Sư 22 – Sư 23 của nguỵ và cả B52 đã dẫm nát một vùng bán sơn địa ngang dọc chỉ vài chục cây số. Thế mà một trạm xá của huyện đã suốt chục năm trời vẫn tồn tại. Mà người chỉ huy trạm xá này lại là một nữ bác sĩ trẻ trung người Hà Nội bám trụ mới là một chuyện hiếm có, và rất dỗi anh hùng. Chiều hôm ấy có chiếc tàu không số, có mười mấy anh em thuỷ thủ đã được vào đến bệnh xá này. Tuy Thuỳ Trâm không nói ra nhưng Thuỳ Trâm biết là những chiến sĩ đường mòn Hồ Chí Minh đang làm nhiệm vụ bí mật trên biển Đông. Bệnh xá, trạm Trưởng Thuỳ Trâm và nhân viên của trạm cũng bị đói, nhưng vẫn lo ăn uống, chăm sóc cho mười mấy thuỷ thủ an toàn. Ở đây đúng một tháng, thì các anh bắt đầu liên lạc, và theo đường dây liên lạc Trường Sơn, mới trở ra Bắc. Một con người như bác sĩ Thuỳ Trâm là luôn luôn lo cho mọi người, mà rất ít nghĩ về mình.
Tháng 8-1967, vùng đất này căng như dây đàn, lính Mỹ đã dở trò bỉ ổi hiếp dâm chị S ở xã Quy Thiện. Nhiều đêm suy nghĩ, anh Nguyễn Tiến Thu (nguyên là Bí thư xã Phổ Hiệp ) đem chuyện đó để bàn với bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm anh nói: “Phụ nữ ở xã này không sợ bị bắt bớ, đánh đập, tù đầy, nhưng lại rất sợ bị bọn lính Mỹ làm nhục. Nếu không có cách ngăn chặn, đối phó kịp thời, họ sợ chạy lánh đi hết thì anh em cán bộ mình cũng phải “phơi lưng” ra chống đỡ không nổi đâu? Thuỳ Trâm nghĩ ra sáng kiến ngay: Sẽ dùng ngay hoá chất gì đó bằng nước, đựng vào lọ nhỏ có vòi, khi lính Mỹ dở trò, chọn thời cơ thích hợp bình tĩnh “bơm” vào mắt chúng nó, rồi thoát thân. Sau đó Thuỳ Trâm bí mật pha 5 lọ để lại 1 lọ để phòng ngừa, còn 4 lọ đưa cho 4 chị em phụ nữ trung niên, cao to (lính Mỹ thường thích phụ nữ cao to). Chị dặn phải tuyệt đối giữ bí mật, nếu bị lộ thì địch sẽ tìm cách đối phó; thì ta sẽ gặp khó khăn. Mấy ngày sau, chị M ở thôn Phước bị lính Mỹ dỡ trò, chị liền áp dụng đúng thời cơ, và đã thành công; chị mừng quá, chạy lên báo ngay cho đồng chí Thu (bí thư xã). Chị nói: “Rất có tác dụng, nhưng ngượng lắm anh Thu ơi!”. Qua kết quả này, Thùy Trâm đã làm thêm nhiều lọ nữa và chọn số phụ nữ cốt cán để giao và xã phát động phong trào phụ nữ yên tâm bám trụ, không sợ lính Mỹ làm nhục nữa: ta có cách trừ chúng nó rồi. Sau này anh Thu mới biết bác sĩ Thuỳ Trâm là chuyên khoa về mắt. Thuỳ Trâm tâm sự : “Khi chiến tranh kết thúc, trở về Hà Nội, em sẽ kể lại về lọ nước này với chị em phụ nữ Thủ đô Hà Nội. Còn nếu không may, em hy sinh thì anh tìm cách nếu được anh nên gửi vào Viện bảo tàng Phụ nữ cho em anh Thu nhé”. Đúng là câu nói để đời sau nhớ mãi.
Sau sự việc ở nhà bà Rây xảy ra, quân Mỹ vẫn tiếp tục càn quét cả ngày lẫn đêm, xã rất lo sợ Mỹ sẽ bắt Thùy Trâm, nên xã quyết định đưa Thuỳ Trâm và em Mân (con bà Rây) bị thương lên ở trong hang đá Bông Dâu, trên núi Dâu. Vết thương của em Mân ở chân mỗi ngày bị lở loét, sinh dòi rất nhiều. Thuỳ Trâm thường xuyên chăm sóc rửa lâu cả tiếng đồng hồ, cần mẫn, gắp từng con dòi ra, rồi mới rửa sạch, làm thuốc. Em Mân cảm động nên ngồi tâm sự với Thuỳ Trâm: “ Chị Trâm ơi! Em chưa có vợ, chị cố gắng chữa cho em, đừng có cưa chân của em chị nhé”. Nghe Mân tâm sự mà nước mắt Thuỳ Trâm chảy quanh mi, chị an ủi Mân: “Chị sẽ cố gắng không để nhiễm trùng, thì chân em sẽ trở lại bình thường như cũ”. Ở hang đá Bông Dâu chưa được bao lâu thì chiều hôm đó xe Tank càn xuống Quy Thiện bắn phá, nhưng may là không trúng miệng hang. Thấy vậy, anh Thu rất lo nên bàn với Thuỳ Trâm là nên về làng ở, có hầm tránh pháo, và có cả hầm bí mật, khi địch càn đến. Thế là đêm ấy chị chuyển lại về làng.
Tháng 10-1967, anh Thu có giấy triệu tập đi Sơn Hà để chuẩn bị cho Tết Mậu Thân năm 1968. Chuyến đi về Phổ Hiệp anh được biết Thuỳ Trâm có lệnh rút về trạm xá Bác Mười hôm 26-10-1967, cũng để chuẩn bị cho Tết Mậu Thân. Và đến năm 1970, anh Thu về công tác tại huyện Đức Phổ thì nghe tin Thuỳ Trâm đã hy sinh tại Dốc Dài. Thuỳ Trâm đã nằm lại vĩnh viễn trong khu rừng xanh hùng vĩ của quê hương Đức Phổ anh hùng.
Thêm một lần nữa, một nữ liệt sĩ anh hùng đã nằm trên mảnh đất Lệ Trung Đình anh dũng của miền Trung thân yên. Kẻ thù có thể bắn chết một người con gái, nhưng không thể nào giết chết được tâm hồn bất khuất, trung hậu, đảm đang của một người phụ nữ anh hùng.
Võ Thành Tuất