Những điều cần biết về vi khuẩn HP dạ dày
Vi khuẩn HP phổ biến ở dạ dày, số lượng người nhiễm rất cao ở các nước đang phát triển. Chúng dễ dàng lây nhiễm từ người bệnh sang người lành với nhiều con đường. Bệnh gây ức chế, khó chịu và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Sự phát triển và hoạt động của chúng làm tổn thương niêm mạc dạ dày, gây viêm loét dạ dày - tá tràng. Nếu không can thiệp sớm, bệnh có thể diễn tiến mạn tính, gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe.
Con đường lây nhiễm
Vi khuẩn lây truyền từ người này sang người khác qua đường miệng do dùng chung bát đũa, cốc uống nước, khi hôn, khi mẹ mớm cơm cho con, khi người lành tiếp xúc với vi khuẩn HP qua nước bọt hoặc dịch tiết đường tiêu hóa của người bệnh… Do đó, nếu có người trong gia đình nhiễm bệnh thì người thân, người tiếp xúc gần có nguy cơ nhiễm rất cao.
Vi khuẩn HP có thể được đào thải qua đường phân gây lây lan ra cộng đồng. Thói quen ăn đồ sống, giữ vệ sinh không sạch sẽ là nguyên nhân lây nhiễm vi khuẩn đường ruột này.
Ngoài ra, vi khuẩn HP có thể lây nhiễm qua các đường khác như: Sử dụng chung các thiết bị y tế mà không được vệ sinh tiệt trùng tốt như ống nội soi, dụng cụ nha khoa…
Cách nhận biết nhiễm vi khuẩn HP
Bất cứ ai cũng có nguy cơ nhiễm khuẩn HP. Môi trường sống, nguồn nước uống, thức ăn không đảm bảo vệ sinh, người bệnh có thói quen chăm sóc và chế độ sinh hoạt không hợp cũng sẽ là nguyên nhân gây nhiễm HP. Một người nhiễm bệnh có thể lây lan cho người thân, kể cả trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh … Triệu chứng do vi khuẩn HP gây ra cũng thầm lặng, khó phát hiện gồm: Đau bụng nhiều lần; buồn nôn và nôn; ợ hơi, có cảm giác no, đầy hơi; giảm cân không rõ nguyên do. Nặng hơn có thể gặp như đi ngoài phân đen, nôn ra máu, đau dạ dày dữ dội, phân có máu tươi…
Lời khuyên của thầy thuốc
Để xác định chính xác có nhiễm vi khuẩn HP dạ dày chúng ta cần thực hiện các xét nghiệm kiểm tra và nội soi. Khi được chẩn đoán dương tính với vi khuẩn HP, người bệnh không nên quá lo lắng, bác sĩ sẽ đưa ra liệu trình điều trị bằng thuốc kháng sinh và thuốc ức chế tiết acid ở dạ dày...
Việc điều trị HP không hề đơn giản, nên người bệnh phải tuyệt đối tuân thủ những chỉ định của bác sĩ trong suốt quá trình điều trị vì vi khuẩn HP rất dễ kháng thuốc. Thông thường, việc sử dụng thuốc kháng sinh điều trị HP cần kéo dài trong ít nhất 2 tuần và có thể điều trị duy trì trong 4-8 tuần sau đó để chữa khỏi hẳn viêm loét dạ dày tá tràng. Sau một đợt điều trị, người bệnh được đánh giá diệt HP thành công hay chưa. Nếu sau khi hoàn thành phác đồ điều trị, người bệnh không chú ý đến lối sống và chế độ ăn uống hằng ngày như: thường xuyên thức khuya, stress, uống nhiều bia rượu... thì quá trình điều trị sẽ kéo dài và tình trạng viêm đau dạ dày vẫn tiếp diễn.
Các chuyên gia y tế khẳng định: Vi khuẩn HP hoàn toàn có thể được chữa khỏi nếu tuân thủ phác đồ điều trị và có lối sống lành mạnh. Người bệnh cần thường xuyên khám sức khỏe định kỳ, sàng lọc khi có triệu chứng nghi ngờ bị nhiễm vi khuẩn HP. Phát hiện bệnh sớm thì thời gian điều trị bệnh sẽ nhanh chóng và đạt hiệu quả tốt hơn. Người bệnh không nên tự đoán bệnh và tự ý dùng kháng sinh mà cần được kiểm tra tìm HP trước khi tiến hành diệt HP.
Thành An