Nguyên nhân
Theo bác sĩ Dương Phước Hưng - Khoa hậu môn trực tràng, Bệnh viện Đại học Y dược T.P Hồ Chí Minh thì có một số nguyên nhân gây nên bệnh trĩ như: tư thế làm việc đứng hoặc ngồi quá lâu hoặc do rối loạn nhu động ruột (táo bón, tiêu chảy, mót rặn), bệnh tăng áp lực tĩnh mạch, bệnh đường sinh dục, tiết niệu, hoặc những thay đổi nội tiết theo chu kỳ sinh dục của phụ nữ như: mang thai, sinh đẻ hoặc trước chu kỳ kinh nguyệt.
Ở NCT do viêm đại tràng mãn tính, nhịn đại tiện thời gian lâu, ngồi nhiều, ít vận động sẽ làm tăng mạnh áp lực đám tĩnh mạch trực tràng sẽ gây nên bệnh trĩ. Những NCT bị các bệnh vùng hậu môn như nứt kẽ hậu môn, rò hậu môn, viêm nhiễm hậu môn, bệnh lỵ mạn tính đi đại tiện khó, đau rát sẽ ngại đi đại tiện và càng nhịn càng có nguy cơ mắc bệnh trĩ. Hoặc một số người bị táo bón do ăn ít rau, chất xơ, hoa quả hoặc uống ít nước sẽ gây táo bón, vì vậy, mỗi lần đi đại tiện càng phải rặn mạnh làm tăng áp lực trong ổ bụng, trong khi đó chức năng sinh lý thành tĩnh mạch của NCT đã bị lão hóa, rất dễ xuất hiện bệnh trĩ.
NCT mang vác nặng trong thời gian dài sẽ làm áp lực ổ bụng tăng gây cho tĩnh mạch trực tràng và hậu môn bị phình, giãn ra bởi chất lượng của tổ chức mô kém cũng rất dễ mắc bệnh trĩ. Ngoài ra, bệnh trĩ gặp ở NCT do bị ho dai dẳng kéo dài (viêm họng mãn tính, giãn phế quản, hen suyễn, COPD, suy tim...) cũng có khả năng gây tăng áp lực ổ bụng, kéo theo tăng áp lực trực tràng sẽ gây nên bệnh trĩ.

Dấu hiệu nhận biết bệnh trĩ
Cũng theo bác sĩ Hưng có hai triệu chứng điển hình của bệnh trĩ, đó là chảy máu lúc đi đại tiện và sa búi trĩ ra ngoài khi rặn mạnh hoặc lúc đi đại tiện. Chảy máu là triệu chứng có sớm nhất và thường gặp nhất. Lúc đầu chảy máu rất kín đáo, tình cờ khi nhìn vào giấy lau vệ sinh sau khi đi đại tiện hoặc nhìn vào phân thấy vài vệt máu nhỏ dính vào thỏi phân rắn. Càng về sau, mỗi lần đi ngoài người bệnh phải rặn nhiều do táo bón, máu bám vào phân càng nhiều, thậm chí máu chảy thành giọt hay thành tia. Đôi khi đi đại tiện thấy một số cục máu là do máu từ búi trĩ chảy ra đọng lại trong lòng trực tràng. Khi bệnh đã nặng, máu chảy ra ở hậu môn không chỉ lúc đi đại tiện mà mỗi khi đi lại nhiều, hoặc ngồi xổm.
Dấu hiệu sa búi trĩ ra ngoài mỗi lần mang vác nặng, lao động gắng sức hoặc lúc đi đại tiện gặp ở hầu hết các trường hợp bị trĩ nội. Lúc đầu, sau mỗi khi đại tiện thấy có máu và một khối nhỏ thòi ra ở hậu môn, khối đó tự tụt vào được (đây là trĩ nội). Càng về sau búi trĩ càng thòi ra, khối lượng cũng to dần lên và không tự tụt vào được sau khi đi đại tiện mà phải can thiệp bằng cách dùng tay nhét vào, đến một lúc nào đó khối búi trĩ đó dần dần nằm ngoài hậu môn không đẩy lên được, nếu cố đẩy sẽ gây đau đớn và có thể chảy máu.
Thông thường trĩ không gây đau, đau chỉ xảy ra khi có biến chứng như: tắc mạch hoặc sa trĩ bị nghẹt hay do các bệnh khác kèm theo ở vùng hậu môn như nứt kẽ hậu môn, áp-xe cạnh hậu môn. Ngoài ra, có thể thấy ngứa quanh lỗ hậu môn do búi trĩ sa ra ngoài và tiết dịch gây viêm da quanh hậu môn làm cho hậu môn lúc nào cũng có cảm giác ướt và ngứa khó chịu.
Khi nhận biết các dấu hiệu của bệnh trĩ, người bệnh nên đi khám để được điều trị ngay từ đầu tránh để bệnh nặng và gây biến chứng.
Thành An