Mồ côi cha từ nhỏ nhưng nhờ bà mẹ đảm đang tần tảo sớm hôm, thờ chồng, nuôi con, nên đồng chí vẫn được theo học chữ Hán tại làng; được thầy giáo đổi tên học sinh thành Lê Văn Duyện; sau đó, được học tiếp hai năm tiếng Pháp. Vì hoàn cảnh gia đình quá nghèo nên năm 16 tuổi, đồng chí đổi tên thành Lê Huy Doãn và xin đi làm công nhân Nhà máy diêm Bến Thủy. Tại đây, hàng ngày Lê Hồng Phong chứng kiến cảnh công nhân làm quần quật vất vả, nặng nhọc, song bọn chủ trả đồng lương “chết đói”, không đủ sống; còn bị đe dọa đánh đập. Trước hiện trạng này, đồng chí vận động công nhân đình công đòi quyền lợi chính đáng. Sau cuộc đấu tranh ấy, Lê Hồng Phong bị chủ đuổi việc.

Từ đó, đồng chí bước vào con đường hoạt động, làm nhà cách mạng chuyên nghiệp. Tháng 1-1924, Lê Hồng Phong cùng 10 thanh niên, trong đó có bạn cùng làng là Phạm Văn Tích, sang Thái Lan rồi qua Quảng Châu, Trung Quốc. Tại đây, đồng chí cùng Lê Hồng Sơn, Lê Quang Đạt gặp Nguyễn Ái Quốc và được kết nạp vào tổ chức cách mạng Tâm Tâm xã, còn gọi là Tân Việt Thanh niên Đoàn. Lê Hồng Phong là một trong chín hội viên nòng cốt của tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội.

Năm 1925, đồng chí cùng Lê Hồng Sơn, Lê Quang Đạt được Nguyễn Ái Quốc giới thiệu vào học Trường quân sự Hoàng Phố. Một năm sau, Lê Hồng Phong được cử sang học ở Trường không quân Quảng Châu. Tại trường này, vào tháng 2-1926, do sự giới thiệu của Nguyễn Ái Quốc, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tháng 8-1927, Lê Hồng Phong cùng nhóm thanh niên tình nguyện Việt Nam theo học tại Trường không quân Quảng Châu, chuyển sang học tiếp tại Trường không quân Liên Xô (cũ).

Nhờ có sức khỏe tốt nên đồng chí là người duy nhất trong nhóm được tiếp tục theo học ở trường này. Và gần 3 năm sau, Lê Hồng Phong còn sang học Trường lý luận quân sự ở Lê-nin-grát, Trường không quân số 2 ở Borisoglebsk và Trường đại học Lao động Cộng sản phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Mát-xcơ-va - Liên Xô (cũ). Sau khi tốt nghiệp, với bí danh Lit-vi-nốp, đồng chí tham gia Hồng quân Liên Xô, phấn đấu với cấp bậc Trung tá.

Tháng 6-1932, Đảng Cộng sản Đông Dương ra bản Chương trình hành động, được Quốc tế Cộng sản công nhận. Dưới sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản, tháng 3-1934, tại Ma Cao, Ban chỉ huy hải ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập, do Lê Hồng Phong làm Thư ký (Bí thư). Trước hiện trạng BCH T.Ư trong nước gần như bị tê liệt nên Ban chỉ huy hải ngoại kiêm BCH T.Ư lâm thời, có nhiệm vụ liên lạc giữa Đảng Cộng sản Đông Dương và Quốc tế Cộng sản, với các đảng cộng sản bạn; tổ chức lại công tác đào tạo cán bộ cho đất nước; ra tạp chí Bôn-sê-vích - cơ quan lý luận của T.Ư Đảng; tập hợp và phục hồi các cơ sở Đảng, chuẩn bị triệu tập Đại hội Đảng lần thứ nhất.

Từ ngày 16 đến ngày 21-6-1934, Hội nghị Ban chỉ huy hải ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương và đại diện các tổ chức Đảng ở trong nước được tổ chức; gồm có các đồng chí: Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Dựt, Nguyễn Văn Tham và Trần Văn Chấn. Hội nghị đã thông qua Nghị quyết Chính trị và Nghị quyết về các vấn đề tổ chức. Nghị quyết về các vấn đề tổ chức quy định cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ của Ban chỉ huy hải ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Cơ cấu Ban chỉ huy hải ngoại có tác dụng như BCH T.Ư ngày nay. Với cương vị Bí thư Ban chỉ huy hải ngoại, trên thực tế, đồng chí Lê Hồng Phong giữ vai trò Tổng bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương.

Tháng 3-1935, tại Đại hội lần thứ nhất của Đảng ở Ma Cao, đồng chí được bầu làm Tổng bí thư. Tháng 7-1935, Lê Hồng Phong dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng ta dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản ở Mát-xcơ-va. Đại hội công nhận Đảng ta là Chi bộ chính thức của Quốc tế Cộng sản và bầu đồng chí Lê Hồng Phong làm Ủy viên Ban Chấp hành của Quốc tế Cộng sản.

Tháng 1-1936, đồng chí đến Trung Quốc triệu tập Hội nghị T.Ư Đảng tại Thượng Hải. Ngày 10-11-1937, với tên mới là La Anh, Lê Hồng Phong về nước hoạt động. Tháng 3-1938, đồng chí dự Hội nghị T.Ư họp tại Hóc Môn (Gia Định), quyết định thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương.

Ngày 22-6-1939, Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt lần thứ nhất tại Sài Gòn và bị chúng kết án 6 tháng tù. Ra tù, đồng chí tiếp tục hoạt động. Thực dân Pháp và bè lũ tay sai ráo riết theo dõi, đàn áp và Lê Hồng Phong bị bắt lần thứ hai ngày 6-2-1940; bị kết án 5 năm tù, đày đi Côn Đảo. Tại địa ngục trần gian này, đồng chí cùng đồng đội tích cực đấu tranh, phản đối chế độ hà khắc, dã man của địch, đòi chúng thực hiện luật pháp quốc tế đối với tù nhân chính trị. Do sự đàn áp tàn bạo của kẻ thù và ăn uống quá kham khổ, đồng chí Lê Hồng Phong đã hi sinh tại nhà tù Côn Đảo vào ngày 6-9-1942.

Trước khi bị bắt tù đày và hi sinh, đồng chí lập gia đình với đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, một nữ đồng chí là yếu nhân của Đảng, cùng học ở Trường đại học phương Đông. Hai người sinh được một con gái là Lê Hồng Minh. Với 40 tuổi đời, 24 năm liên tục hoạt động cách mạng ở nước ngoài và trong nước, gặp bao nhiêu gian khổ, hiểm nguy, đồng chí Lê Hồng Phong đã để lại những dấu son chói lọi qua từng năm tháng; một lòng vì Đảng, vì dân, tin tưởng ở thắng lợi vẻ vang của cách mạng, đem lại độc lập tự do cho Tổ quốc Việt Nam yêu dấu…

Nguyễn Huy Sơn