Những cuộc đấu giá đất làm “nóng” dư luận!

Vừa qua, dư luận xôn xao về việc một doanh nghiệp trả giá 2,4 tỷ đồng/m2 đất tại Thủ Thiêm, T.P Hồ Chí Minh được ví như là một cuộc đấu giá có một không hai, làm “nóng” thị trường bất động sản trong nước; nhưng cũng có cuộc đấu giá đất tại Hà Nội, Thanh Hóa lại khiến cho dư luận hoài nghi về những bất thường từ các cuộc đấu giá đất này.

Nơi đua nhau “đẩy giá”!

Tại phiên đấu giá ngày 10-12-2021, Trung tâm Dịch vụ Bán đấu giá tài sản, Sở Tư pháp, T.P Hồ Chí Minh tổ chức đấu giá 4 lô đất thu về 37.346 tỷ đồng. Lô đất ký hiệu 3-12 có diện tích 10.059m2 có giá khởi điểm là 2.942 tỷ đồng. Trải qua 70 lượt trả giá, cuối cùng Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã trả giá cao nhất với mức 24.500 tỷ đồng để có quyền sử dụng lô đất này, cao gấp 8,3 lần giá khởi điểm. Tính ra, 1m2 tại lô đất này được doanh nghiệp trả giá 2,4 tỷ đồng. Dựa vào đồ án quy hoạch chi tiết, lô đất 3-12 được xây dựng chung cư thì mỗi căn hộ có giá khoảng 42,9 tỷ đồng, tương đương khoảng 363 triệu đồng/m2.

Tại lô đất ký hiệu 3-5 có diện tích 6.446 m2, giá khởi điểm hơn 578 tỷ đồng. Sau 130 lượt trả giá của 21 khách hàng, lô đất 3-5 được Công ty CP Dream Repulic đấu giá thành công với mức 3.820 tỷ đồng, cao gấp 6,6 lần so với giá khởi điểm. Theo quy hoạch, lô đất 3-5 có hệ số sử dụng đất là 2,31 và được phép xây dựng cao 4-6 tầng nổi và 1 tầng hầm. Mật độ xây dựng đa khối là 75% và khối tháp cao 69% diện tích đất.

Lô đất có ký hiệu 3-8 rộng 8.500m2 cũng được đấu giá thành công với giá 4.000 tỷ đồng, tăng 4 lần so với giá khởi điểm. Ở phiên đấu giá này, có đến 10 doanh nghiệp tham gia đấu giá sau 67 lượt trả giá. Sau cùng, Công ty CP Sheen Mega trúng đấu giá lô đất. Khu đất 3-8 có thể xây dựng 4-10 tầng, mật độ xây dựng 54% diện tích đất, khối đế là hơn 72%. Mục đích sử dụng là đất ở tại đô thị, khu nhà ở chung cư, không có chức năng thương mại dịch vụ, với 113 căn hộ, không có diện tích thương mại.

Trong phiên đấu giá lô đất có ký hiệu 3-9 có diện tích 5.009m2 có giá khởi điểm là 728 tỷ đồng, lô đất đã thu hút 14 doanh nghiệp tham gia đấu giá, phiên này có 140 lượt trả giá, các doanh nghiệp giằng co quyết liệt. Cuối phiên đấu giá này, Công ty TNHH Đầu tư phát triển và Thương mại Bình Minh là doanh nghiệp trúng đấu giá 5.026 tỷ đồng, tăng gấp 6,9 lần giá khởi điểm. Mục đích sử dụng lô đất là khu nhà ở chung cư hỗn hợp.

Với mức giá của các lô đất trên được ví như những lô đất đắt đỏ nhất thế giới, cao hơn cả giá đất như ở Hong Kong, Tokyo, Los Angeles... Theo giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phân tích, tại T.P Hồ Chí Minh, chỉ có ở trung tâm quận 1, giá đất mới có thể vượt 1 tỷ đồng/m2. Trong khi Thủ Thiêm mới là khu vực có tiềm năng về phát triển trong tương lai, khó có thể nào đắt gấp đôi nơi đắt nhất thế giới hiện nay.

Nơi “ép giá”... nơi “vây thầu”?

Ngày 29-11-2021, Trung tâm Phát triển quỹ đất Thanh Hóa và Công ty đấu giá Hợp danh Lam Sơn có tổ chức đấu giá khu “đất vàng” thuộc dự án khu dân cư dọc hai bên đường CSEDP Khu đô thị Đông Sơn, T.P Thanh Hóa. Tổng diện tích khu đất đấu giá là 130.395m2, trong đó diện tích đất ở đấu giá quyền sử dụng đất là 55.395m2; diện tích đất xây dựng Nhà văn hóa, cây xanh, giao thông, hạ tầng kỹ thuật, chung cư nhà ở xã hội là 75.357,3m2.

Mục đích, hình thức giao đất, thời hạn sử dụng đất, diện tích đất ở đấu giá quyền sử dụng đất (đất biệt thự, đất chia lô) là 55.395m2. Mục đích sử dụng đất, đất ở tại đô thị (thực hiện dự án khu dân cư). Hình thức giao đất, Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất.

Giá khởi điểm của khu đất đấu giá là 415.586.375.043 đồng (làm tròn 415,5 tỷ đồng). Có 3 công ty tham gia đấu giá là Công ty TNHH Đầu tư Sigma (Công ty Sigma) Công ty CP đầu tư Đại Đông Á (Công ty Đại Đông Á), Công ty TNHH Đầu tư phát triển Vượng Vũ (Công ty Vượng Vũ). Phiên đấu giá được các công ty tham gia đấu giá 4 lượt. Sau cuộc đua ngắn gọn, căn cơ dịch giá, Công ty Sigma (trụ sở số 59, phố Tôn Thất Thuyết, phường Đông Hương, T.P Thanh Hóa) trúng đấu giá là 435 tỷ đồng, tăng khoảng hơn 20 tỷ đồng so với giá khởi điểm.

Với kết quả này, giá trúng đấu giá là khoảng 7,9 triệu đồng/m2, trong khi đó, giá đất thực tế hiện đang giao dịch tại các mặt bằng lân cận là từ hơn 22 đến 32 triệu đồng/m2. Theo thông tin một số nhà đầu tư bất động sản ở tỉnh Thanh Hóa, thì đây là dự án đơn vị trúng đấu giá có thể thu về gần 1.000 tỷ đồng tiền lời.

Dư luận vẫn chưa lắng xuống về vụ việc vây thầu xảy ra tại huyện Đông Anh, T.P Hà Nội. Tháng 11-2021, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an T.P Hà Nội đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 8 bị can liên quan đến việc vây thầu đấu giá khu đất có diện tích 5ha tại thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, T.P Hà Nội. Công ty đấu giá Hợp danh số 5 - Quốc Gia là đơn vị tổ chức đấu giá. Khu đất ban đầu được Công ty CP tư vấn thẩm định giá và đầu tư Hà Nội xác định giá trị bán đấu giá khoảng 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, có sự móc ngoặc của một cán bộ thuộc Ban Quản lý dự án huyện Đông Anh với các doanh nghiệp tham gia đấu giá để tác động cho đơn vị thẩm định giá đã hạ giá chỉ còn khoảng 300 tỷ đồng.

Để hoàn thiện chứng từ thẩm định giá, các đối tượng đã lập khống 12 phiếu khảo sát để đưa vào hồ sơ. Bằng nhiều thủ đoạn, Công ty Thẩm định giá đã hạ giá thẩm định đất xuống còn 17 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá giao dịch tại thời điểm thẩm định có giá từ 60-70 triệu đồng/m2.

Sau khi Hội đồng Thẩm định giá đất duyệt mức giá sàn để tổ chức đấu giá, đối tượng Nguyễn Thị Loan - Chủ tịch  HĐQT Công ty CP Y dược Vimedimex đã thao túng, vây thầu bằng cách đưa 3 công ty vào tham gia đấu giá là Công ty CP bất động sản Thanh Trì, Công ty CP đầu tư bất động sản Mỹ Đình và Công ty CP phát triển nhà ở Bắc Từ Liêm vào tham gia đấu giá để trúng giá rẻ rồi bán ra thị trường với giá cao gấp 5 lần giá trúng đấu giá. Được biết, cả 3 công ty này đều dưới sự quản lý của bà Loan.

Hoàng Thanh