Những công trình “khủng”… chui qua “lỗ kim” ở Thủ đô!

Mặt tiền của Trụ sở Viện Quản lý và Phát triển châu Á được… “hô biến” thành nơi kinh doanh buôn bán ô tô.

Thực trạng một số công trình, dự án xây dựng không tuân thủ quy hoạch, xâm phạm hành lang đê điều, xâm phạm đất trồng rừng - đất nông lâm trường… đã và đang diễn ra là nỗi nhức nhối ở một số địa phương trên địa bàn T.P Hà Nội.

Có thể kể ra, những công trình từ Dự án được cấp có thẩm quyền giao, cho thuê đất như công trình xây dựng trụ sở của Viện Quản lý và Phát triển châu Á (Viện AMDI) tại số 1 Trịnh Văn Bô, phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm được hoàn thiện đưa vào hoạt động vài năm nay, nhưng mặt tiền không hiểu sao lại được dựng lên những công trình, tòa nhà kinh doanh buôn bán xe ô tô?!

Chưa biết giấy phép cho việc hoạt động kinh doanh buôn bán ô tô trên đất của Viện AMDI ra sao, nhưng bất cứ ai đi qua đoạn đường Trịnh Văn Bô sẽ dễ dàng quan sát bên trong những dãy nhà tạm khung sắt ở Viện này là 3 showroom ô tô của các thương hiệu lớn (Kia, Ford, Mazda) bên trong có hoạt động trưng bày, tư vấn và kinh doanh ô tô.

Trước đó, năm 2010, Viện AMDI được UBND T.P Hà Nội giao 22.209m2 đất để thực hiện dự án xây dựng trụ sở theo Quyết định số 1415/QĐ-UBND ngày 30-3-2010. Hứa hẹn sau khi hoàn thiện sẽ là dự án đầu tiên có quy mô lớn đầu tư vào lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam. Và để triển khai Dự án, ngày 13-1-2011, UBND huyện Từ Liêm (khi đó) cấp giấy phép xây dựng số 15/GPXD đối với Viện AMDI để thực hiện xây dựng: Khối nhà ở Công vụ cho chuyên gia (ký hiệu 06), khối nhà đa năng - hội trường (4). Tiếp đó, đến ngày 4-11-2011, Sở Xây dựng Hà Nội cấp Giấy phép xây dựng số 132/GPXD cho Viện AMDI xây dựng 2 hạng mục công trình, bao gồm: Khối Nhà học (2), khối nhà học thực hành - phòng thí nghiệm (3). Chiều cao hai hạng mục này được giới hạn là 28,8m, quy mô 7 tầng.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, Viện AMDI không thực hiện đúng các công trình tại dự án theo GPXD đã được cấp. Cụ thể, Viện AMDI đã dựng các dãy nhà tạm bằng khung thép 2 tầng tại 3 vị trí thuộc khu đất. Gồm: Khu đất xây khối nhà học - thư viện (1A), khu đất xây khối nhà học hiệu bộ (1B), khu đất xây khối nhà Ký túc xá - nhà ăn (5).  

Không chỉ đất dự án được thành phố giao, cho thuê đất như trường hợp của Viện AMDI, một khu đất nằm trong hành lang đê sông Hồng, thuộc phường Cự Khối, quận Long Biên cũng đang được “hô biến” thành Khu du lịch sinh thái mang tên Anh An. Nhìn trên bản đồ Google map, vị trí này nằm sát mép nước sông Hồng và cách UBND phường Cự Khối khoảng 2km.

Tìm hiểu của PV, “Khu du lịch sinh thái mang tên Anh An” đã đi vào hoạt động khoảng 1 năm. Vào dịp 30-4-2022, khu du lịch này đã tổ chức đón hàng trăm khách tham quan.

Đầu tháng 4-2023, khi PV “thực mục sở thị” địa điểm “du lịch” này, hoạt động san gạt đang tiếp tục diễn ra ngay sát mép sông Hồng. Cách đó không xa, Khu du lịch sinh thái Đầm Trành, nằm trên địa bàn phường Thạch Bàn, quận Long Biên cũng mọc lên, đi vào hoạt động từ nhiều năm nay và đang bị cơ quan chức năng thanh kiểm tra, xử lý…

Có thể nói, những kiểu xây dựng không tuân thủ quy định pháp luật từ dưới ven sông đến đồng bằng và miền núi vẫn đang diễn ra rải rác nhiều nơi ở Thủ đô Hà Nội. Tại huyện Ba Vì, những công trình “khủng” xây dựng trong phạm vi đất lâm nghiệp cũng không ngoại lệ. Đầu tiên phải nói đến “quần thể” biệt thự nằm trên địa bàn thôn Quýt, xã Yên Bài. Nơi đây đã từng diễn ra tình trạng xây dựng bất chấp quy định của pháp luật khiến cho “dự án” này bị cơ quan chức năng “sờ gáy”, buộc dỡ bỏ nhưng hiện giờ nó vẫn “trơ gan chùng tuế nguyệt”, đập vào mắt người qua lại; thậm chí còn có dấu hiệu tiếp tục hoàn thiện, đưa người vào ở.

Bênh cạnh quần thể “biệt thự” tại thôn Quýt, một điểm quần thể “biệt thự” mà người dân nơi đây ví nó là “biệt thự triệu đô” cũng được mọc lên dưới cos 100 của Vườn Quốc gia Ba Vì và đang trong giai đoạn hoàn thiện, mà bất cứ ai đi qua cũng đều nhìn thấy màu sơn tòa nhà sáng lóa cả một vùng.

Thông tin cho hay, vị chủ của khu “biệt thự triệu đô” là một doanh nhân tầm cỡ, người này đã từng cho tiến hành xây dựng các căn biệt thự trái phép ven chân đồi đập Đống, xã Vân Hòa; xây dựng trái phép quần thể nhà vườn “Điền Viên Thôn” thuộc khu rừng Mu, thôn Chóng và các căn biệt thự tại khu đồi Đá Bạc, xã Yên Bài…

Còn nhiều nơi khác vẫn đang diễn ra những công trình, dự án kiểu “con voi chui lọt lỗ kim”. Nhưng có thể thấy, sau những công trình xây dựng “khủng” kiểu như trên bị phát lộ, đã có nhiều luồng dư luận khác nhau xì xào bàn tán. Người thì cho rằng, tại sao có những công trình nhà ở nhỏ lẻ sai phạm dù là nhỏ đến mấy cũng bị phát hiện và phải xử lý đến cùng, trong khi những công trình “khủng” xây dựng không phép; hoặc đã được phát hiện, yêu cầu xử lý nhưng vẫn thấy tồn tại và ngang nhiên hoạt động - dù đã bị yêu cầu xử lý từ vài năm trước! Điều này khiến dư luận đặt ra nghi vấn: Phải chăng vẫn còn có gì đó mờ ám phía sau khiến cho những công trình “khủng” vẫn… “chui lọt lỗ kim”?

Bài và ảnh: Chính Nhi