Những “cơn đau” cuối cùng của chính quyền Obama
Thực ra, việc trục xuất quan chức ngoại giao bị buộc tội làm gián điệp là chuyện thường tình trong quan hệ giữa các quốc gia và trong trò chơi tình báo-nhân viên ngoại giao nào mà không làm gián điệp! Vấn đề là với động thái này và vào thời điểm này, chính quyền Obama một lần nữa cho thấy mối thù thâm căn cố đế đối với Nga do Moscow đã “dám” vượt mặt Washington trong nhiều vấn đề nóng bỏng của thế giới và để nuốt hận, Nhà Trắng chỉ còn biết ca lại bài ca cũ rích và ít tác dụng là trừng phạt. Nhất cử lưỡng tiện, ông Obama còn muốn gây khó khăn cho Chính phủ sắp đi vào hoạt động của Tổng thống đắc cử Donald Trump để báo thù cho thất bại của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử vừa qua. Oái oăm thay, trái với thông lệ và thể hiện một tầm cao hơn hẳn trong việc xử lý các vấn đề quốc tế, phía Nga đã không áp dụng biện pháp trả đũa nhằm vào ngành Ngoại giao Mỹ. “Chúng tôi sẽ không gây phiền hà cho các nhà ngoại giao Mỹ. Chúng tôi sẽ không đuổi ai đi. Chúng tôi sẽ không cấm gia đình và con cái họ đi nghỉ ở những địa điểm quen thuộc vào dịp năm mới” -Tổng thống Nga-Vladimir Putin nói. Hành động cao thượng này của Tổng thống Putin được chính ông Trump tán thưởng: “Đây là hành động thật tuyệt vời của ông Putin. Tôi luôn biết ông ấy là người rất thông minh”!
Các biện pháp trả hận được đưa ra trong những ngày cuối cùng nhiệm kỳ Tổng thống của ông Obama đánh dấu “điểm rơi” cuối cùng trong quan hệ vốn đã ở mức rất thấp giữa Mỹ và Nga do các vấn đề liên quan tới Ukraine và Syria. Đúng như Thủ tướng Nga-Dmitry Medvedev đánh giá: “Thật buồn khi chính quyền ông Obama, một chính quyền đã khởi đầu với cam kết khôi phục quan hệ hợp tác với Nga nhưng rồi lại kết thúc trong một cơn đau đớn chống lại Nga. Ra đi thanh thản nhé”! Nhưng có vẻ ông Obama đã không hoàn toàn thanh thản ra đi, do nước Nga vẫn còn đấy và ngày càng hưng thịnh.
Hầu như cùng thời điểm với “cơn đau” ở Washington, chính quyền Obama còn suýt “đột quỵ” khi hay tin Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đạt được thỏa thuận ngừng bắn giữa các bên tại Syria do hai quốc gia này làm trung gian. Trong đó, đề cập đến các cuộc đàm phán giữa Chính phủ và phe đối lập Syria tại Astana, Kazakhstan trước khi nối lại các cuộc đàm phán tại Geneva, Thụy Sĩ vào tháng 2 tới. Hội đồng Bảo an LHQ, với việc Mỹ ngậm bồ hòn làm ngọt không sử dụng quyền phủ quyết, đã thông qua nghị quyết chấp thuận thỏa thuận ngừng bắn mới này, với hy vọng có thể sớm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 6 năm tại Syria. Đây là thỏa thuận ngừng bắn đầu tiên ở Syria không có vai trò của Mỹ hay LHQ.
Thực ra, từ hơn 1 năm nay, không chỉ để mất vai trò trong giải quyết vấn đề Syria, Mỹ hầu như cũng để tuột Thổ Nhĩ Kỳ khỏi vòng ảnh hưởng của mình. Và giống như với Nga, đầu đuôi câu chuyện cũng nằm ở chính sách hai mặt của Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara cáo buộc Mỹ đứng sau vụ đảo chính bất thành mà người chủ mưu được cho là Giáo sĩ Gulen hiện đang sống lưu vong ở Mỹ; tố cáo Mỹ ủng hộ nhóm Bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) và Liên minh dân chủ người Kurd (PYD) vốn là kẻ thù của Ankara. Mới đây, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ-Erdogan còn khẳng định có bằng chứng rõ ràng về việc Mỹ hỗ trợ cho các nhóm khủng bố ở Syria, trong đó có lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Sự ngờ vực là yếu tố then chốt khiến Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ không thể hợp tác, đẩy quan hệ song phương xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua. Hậu quả nhãn tiền là Mỹ có thể mất đi một đồng minh và “rước” thêm một đối thủ qua việc Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng xích lại gần Nga, tăng cường hợp tác với Nga trên nhiều phương diện mà thành tựu mới nhất là kế hoạch ngừng bắn chung trên toàn bộ lãnh thổ Syria.
Nhà Trắng của ông Obama đang trải qua những “cơn đau” cuối cùng. Hi vọng, chứng nan y này sẽ qua dưới thời Donald Trump, nếu nhà tỷ phú này thực hiện đúng cam kết cải thiện quan hệ với Nga-yếu tố quan trọng hàng đầu để bảo đảm cho một thế giới an lành, hội nhập.
Đăng Song