Những chiến binh của Đại đoàn 305 huyền thoại (13/09/2012)

Hòa trong không khí tưng bừng của cả nước, chào mừng kỷ niệm 67 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, ngày 30-8-2012, tại Bảo tàng Quân chủng Phòng không - Không quân đã diễn ra cuộc gặp mặt truyền thống của hơn 400 CCB thuộc nhiều thế hệ. Ai cũng ăn mặc chỉnh tề, huân chương, huy chương đỏ rực trên ngực. Các chiến binh từ nhiều miền quê sau bao năm xa cách nay được cầm tay, ôm vai nhau trò chuyện. Tôi hiểu, sợi dây gắn kết các đồng đội với nhau là Đại đoàn 305 lịch sử.

Thành lập ngày 30-8-1954, đại đoàn gồm 3 trung đoàn chủ lực của Liên khu 5 và Tây Nguyên là 108, 210 và 96 anh hùng, lập nhiều thành tích trong cuộc kháng chiến 9 năm. Sau đó sư đoàn tập kết ra miền Bắc, đứng chân tại các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình, tham gia xây dựng khu công nghiệp Việt Trì (Phú Thọ). Sau đó, theo yêu cầu nhiệm vụ, sư đoàn chuyển từ bộ binh sang lữ đoàn huấn luyện bộ đội dù rồi binh chủng đặc công, viết nên truyền thống “Đặc biệt tinh nhuệ, anh dũng tuyệt vời, mưu trí sáng tạo, đánh hiểm thắng lớn”, với những con người huyền thoại.

Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, hôm nay mặc bộ quân phục màu xanh mới. Trông ông trẻ hơn tuổi 85, tay cầm một chiếc gậy nhỏ và ở đâu cũng có đồng đội sẵn sàng nâng đỡ, như năm xưa ông nâng đỡ từng chiến sĩ tập nhảy dù. Ông nhập ngũ tháng 8-1945, vào Đảng tháng 5-1946, là Bí thư Đảng ủy Tiểu đoàn 19, Trung đoàn 108, Phó chủ nhiệm chính trị Đại đoàn 305, Chính ủy Lữ đoàn dù 305. Ông cho biết: Lúc đầu ta định thành lập đơn vị nhảy dù để vào miền Nam cho nhanh. Nhưng khi Mỹ trực tiếp đổ quân tham chiến thì kế hoạch này không còn phù hợp nữa. Lính dù đòi hỏi phải có sức khỏe tốt, không bệnh tật, khuyết tật. Luyện tập khoảng 5 - 10 ngày thì có thể nhảy ở độ cao từ 450 đến 500m. Có hai điều bắt buộc là khi xuống hai chân cùng tiếp đất, không được chân trước chân sau. Hai là tự gấp dù của mình, không thì phải ngồi xem trực tiếp người khác gấp hộ. Nhảy dù tác chiến khác với nhảy dù thể thao là nhảy dù tác chiến bằng máy bay cánh quạt, mỗi người có một sợi dây riêng để mở dù. Còn nhảy dù thể thao người nhảy sau khi rời máy bay thì rơi tự do và chủ động mở dù của mình. Là chính ủy lữ đoàn, tôi đã gương mẫu nhảy dù đầu tiên cho đơn vị quan sát và nhảy đến lần thứ 25.

Tôi tìm gặp Trung tá, phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Phương khi ông vừa đọc tấu sáo bài “Anh vẫn hành quân” bước xuống. Ông quê ở huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi, học xong lớp kỹ nghệ cơ khí thì vào thiếu sinh quân, làm việc trong xưởng quân giới Trung đoàn 41. Ông kể: Cứ đơn vị đánh ở đâu là chúng tôi theo sau để thu vũ khí, trang bị mang về sửa chữa, sử dụng. Trong trận đánh đèo Măng Đen lần thứ 2, tôi thấy một khẩu 12,7 ly còn mới nguyên. Định lấy thì một thằng da đen giả chết, tay vẫn đặt vào vòng cò mở mắt giật lại. Tôi vội vàng hét lên “Hô-lê-manh!” (giơ tay lên) thì nó mới đầu hàng. Tập kết ra Bắc ông vào học ở Trường đại học Bách khoa, đi Liên Xô học chế tạo máy rồi về làm giảng viên Trường đại học Bách khoa. Vừa giảng dạy ông vừa nghiên cứu khoa học trở thành phó giáo sư, tiến sĩ, trưởng bộ môn Máy cắt kim loại của trường.

Cũng là một “cây văn nghệ” còn có Thiếu úy Bùi Xuân Phước, ở Phước Đồng, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Tập kết ra Bắc rồi ông trở lại miền Nam năm 1968, chiến đấu tại Mặt trận 44 Quảng Đà. Giải phóng miền Nam ông giữ cương vị Giám đốc Bảo tàng tỉnh Phú Khánh, nghỉ hưu năm 1995, hiện là phó ban liên lạc CCB Sư đoàn 305.

Đại tá Lê Văn Trọng năm nay 84 tuổi, tháng 6-1950 là huyện ủy viên huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa ông vào quân đội. Từ năm 1963, ông chuyển sang hoạt động tình báo, chỉ huy một tổ điệp báo lớn tại Đà Nẵng và Sài Gòn. Ông kể, năm 1964, T.Ư giao cho tôi nhiệm vụ trả lời câu hỏi: Mỹ có dùng bộ binh đánh ra miền Bắc không? Tôi xây dựng một mạng lưới gồm các sĩ quan cảnh sát, quân đội và quân tiếp vụ ngụy ở các tỉnh Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế. Cả trưởng ty cảnh sát tỉnh Quảng Trị là Lê Cảnh Thâm cũng nằm trong mạng lưới này. Nghiên cứu ròng rã nhiều tháng; tôi kết luận đế quốc Mỹ không tấn công miền Bắc bằng bộ binh.

Đại úy Mạc Công Minh, hiện ở Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội, có 11 năm ở chiến trường miền Nam. Ông tâm sự: Tôi được đồng đội chết thay nhiều lần lắm. Như tháng 12-1972, trong trận Nông trường 3, Quảng Đà đánh địch lấn chiếm vùng giải phóng, tôi làm mũi trưởng đặc công trên hướng chủ yếu. Địch tràn lên nhảy vào chiến hào, trung đội thương vong nhiều nhưng cũng diệt được hơn 100 tên. Trận chống càn tại Lộc Ninh tháng 7-1974, địch bao vây bốn phía, chúng tôi dốc sức chống đỡ tiêu diệt 46 tên, bắn cháy 10 xe tăng, xe cơ giới, buộc chúng rút lui. Đất nước thống nhất, ông chuyển ngành làm chuyên viên Bộ Giáo dục và Đào tạo, nghỉ hưu năm 1991.

Còn Thiếu tướng, phi công, Anh hùng LLVTND Phạm Ngọc Lan, nguyên Phó cục trưởng Cục Huấn luyện chiến đấu Bộ Tổng tham mưu, quê ở Điện Bàn, Quảng Nam, tham gia cách mạng từ khi 14 tuổi, chiến đấu 10 trận, trưởng thành là cán bộ Trung đoàn 96. Tập kết ra Bắc ông được đi học lái máy bay tại Trường Không quân số 3 (Vân Nam, Trung Quốc). Ngày 3-4-1965, ông cùng biên đội chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa, bắn rơi một máy bay F-8E, trở thành phi công Việt Nam đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ. Trên đường về, ông phát hiện một máy bay địch bay lẻ liền đuổi theo đánh tiếp, máy bay địch bị thương. Máy bay ông hết xăng phải hạ cánh bắt buộc xuống bãi ngô ven sông Đuống.

Mỗi một CCB có một quá khứ riêng, nhưng cùng chung một phẩm chất của Đại đoàn 305 huyền thoại. Đó là bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”.

Bài và ảnh: Tô Kiều Thẩm