Những chặng đường làm kinh tế
CCB Đoàn Minh Tiếp, quê Quỳnh Phụ, Thái Bình, nguyên là lái xe tuyến lửa Trường Sơn, thuộc cung đường 20B tây Quảng Bình. Chiếc xe Giải phóng do anh lái đã cùng đồng đội vượt qua muôn vàn khó khăn ác liệt, đưa hàng trăm chuyến hàng ra tiền tuyến. Đã có biết bao đồng đội là lái xe, TNXP ngã xuống trên các trọng điểm: đèo Đá Đẽo, Khe Do, Cổng Trời. Đến lượt anh, không phải bom vùi, đạn lấp mà vì những quả mìn lá địch rải khắp tuyến đường, đã làm hỏng toàn bộ lốp xe và cắt của anh hai ống chân.
Trở về từ chiến trường, sau khi trải qua hầu hết các viện lớn của quân đội, anh làm nghề cắt tóc, rồi chuyển sang vẽ tranh bán. Tuy không phải họa sĩ, nhưng tranh tĩnh vật, phong cảnh của anh cũng bán được, nhất là các dịp lễ tết. Ở vùng quê không phải lúc nào người ta cũng mua tranh, anh quyết định lên thị trấn Quỳnh Côi mở hiệu chụp ảnh. Nhưng ở thị trấn này, anh lại phát hiện ra cách làm ăn mới, đó là kem. Tổ hợp sản xuất kem có công suất 300 que/mẻ bán cũng chạy, nhưng vốn tính năng động, anh lại lập nhóm sản xuất dép nhựa tái sinh, với 6 công nhân. Đến năm 1984, anh đổi sang gia công hàng sắt, với tên gọi Tổ sản xuất Quang Vinh, với 15 công nhân. Thời điểm ấy Quỳnh Phụ quê anh xây dựng NTLS, anh nhận gia công phần sắt, với một nửa chân trái còn lại và hai tay, anh trèo lên đỉnh tượng đài cao 24m để hàn cột thu lôi, để lại bao sự khâm phục trong nhân dân.
Sau những chặng “hành quân” làm kinh tế như thế, anh đã đi từ tay không trở thành ông chủ, từ một thương binh nặng có người chăm sóc thành người có kinh tế khá giả nhất nhì ở thị trấn Quỳnh Côi. Năm 1995, anh lại chuyển cả gia đình vào Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, và vẫn phát huy tốt sở trường của mình. Tới năm 2013, anh chuyển lên phường 9 (Đà Lạt) sinh sống lúc tuổi già. Trước tình hình Biển Đông dậy sóng, anh lại nảy sinh một nguyện vọng là được góp một chút sức mình cùng cả nước giữ yên biển đảo, rồi anh đã làm và gửi bức phù điêu “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” ra Trường Sa để động viên cán bộ, chiến sĩ giữ yên biển đảo!
Quốc Hoài