Những bức thư đi qua lửa đạn (16/03/2011)
Đại tá Nguyễn Văn Ích, Trung tá Nguyễn Thị Như Hiền thuộc thế hệ những người lính đã đi qua 3 cuộc kháng chiến của dân tộc. Ông nhập ngũ năm 1945, bà nhập ngũ năm 1948, cả hai đều trải qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đến ngày hoà bình thì họ gặp nhau. Ông kể: "Sau chiến dịch Điên Biên Phủ, tôi được điều về Đội điều trị 9 ở thị xã Sơn Tây. Trong quá trình chăm sóc thương bệnh binh nặng, tôi đặc biệt chú ý đến một nữ y tá nhân hậu, nhiệt tình và giàu nghị lực cùng công tác trong đội. Người nữ y tá đó giờ là vợ thảo hiền của tôi."...
Ngay sau ngày hôn lễ 29-1-1956, Đại tá Nguyễn Văn Ích ghi lại đôi dòng tâm sự với vợ: "Anh hiểu rõ em rồi, nhưng tình cảm của em còn yếu ớt, cần phải tự đấu tranh nhiều. Hạnh phúc của chúng ta nằm trong hạnh phúc của dân tộc, nước nhà chưa thống nhất, độc lập kia mà". Hai ngày sau, trung tá Như Hiền đáp lại trong nhật kí: "Điều anh nói làm cho em càng yêu anh nhiều hơn. Hai câu thơ tập thể tặng chúng ta ngày cưới: "Thương chồng quyết thi đua công tác. Nhớ vợ càng gắng sức lập công", em và anh cùng thi đua thực hiện nhé!". Và những trăn trở đó đã thành hiện thực, năm 1962, ông lên đường vào Nam chiến đấu, khi đó họ đã có với nhau ba mặt con.
“Người Bắc - người Nam, sợi dây liên lạc duy nhất của hai vợ chồng chỉ là những bức thư: “Chúng tôi ngầm hiểu cứ nhận được thư thì đồng nghĩa với việc thông báo mình còn sống, mỗi tháng đều đặn chúng tôi viết cho nhau 2-4 lá thư". Và có lẽ những bức thư của ông bà là một trường hợp đặc biệt may mắn khi luôn tìm được đường đến với chủ nhân trong thời đạn bom ác liệt. Thư ông bà thường là những lời động viên tràn đầy lạc quan: "Nhớ em, nhớ các con và gia đình, anh càng quyết tâm vượt mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, bước chân anh càng không sợ núi cao, đèo sâu, sông suối...". Và: “Mỗi lần nhận được thư anh, thấy chữ anh, là nguồn động viên tăng thêm sức mạnh cho em trong công tác, nuôi con... Con Hà đã đi học vỡ lòng, đang tập viết; nó lớn lên giống bố quá, đã giúp mẹ đi lấy cơm về ăn, trông em. Thành bệnh đã khỏi hẳn rồi, còn Hương thì đang tập đi". Cũng có lúc nỗi nhớ đeo bám trong những dòng chữ yếu đuối: "Nhắm mắt ngủ là thấy anh, anh đã về khoẻ mạnh, cùng đi Hà Nội chơi, bừng mắt dậy chỉ là giấc mơ...".
Bà tâm sự: "Một ngày của tôi gần như kín đặc, chăm mẹ già, con nhỏ, công tác, học tập, tối đến khi cả nhà đã đi ngủ thì tôi dành thời gian viết thư cho chồng. Không thể kể hết mọi chuyện, nhưng cũng cần thông báo cho nhà tôi biết qua tình hình". Còn với ông: "Nhiều khi nhớ vợ, nhớ con đến chảy nước mắt, nhưng tôi cũng không muốn để lộ ra điều đó, chỉ làm cho cả hai yếu đuối...". Và ông viết: "Bây giờ không phải chỉ mình em, mà cả miền Bắc trong tình cảnh vợ chồng xa nhau, có người mất, người còn. Riêng anh, anh vẫn còn sống".
Thư thời chiến cũng khó tránh khỏi những lúc bị gián đoạn, nhất là thời gian ông bị thương - năm 1970: "Cả năm trời không nhận được lá thư nào của chồng, có lúc bi quan, tôi đã tưởng tượng ra tình huống xấu nhất. Thật tình, tâm trạng ấy chập chờn suốt 14 năm xa cách".
Ngày hoà bình, ông chiến thắng trở về, bà cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở hậu phương. Từ một y tá, bà trở thành bác sĩ chuyên khoa, các con lớn đều đã vào đại học. Đi qua 3 cuộc kháng chiến, ông bà đã cống hiến “trọn vẹn” với đất nước. Điều họ cảm thấy hạnh phúc khi tuổi già là được chứng kiến con cháu thành đạt, yên ấm. Từ khi về hưu ở khu tập thể Nam Đồng, quận Đống Đa, ông bà tranh thủ thời gian để “sống bù lại tuổi thanh xuân”. Họ bên nhau đi khắp mọi miền đất nước, vừa du lịch, vừa thăm lại bạn bè và chiến trường xưa. Dường như tình yêu qua bao thử thách, giờ đây vẫn vẹn nguyên trong họ!
Khi mang tặng cho cuộc vận động “Những kỷ vật kháng chiến”, vợ chồng Đại tá Nguyễn Văn Ích – Trung tá Nguyễn Thị Như Hiền chỉ tâm niệm: “Chúng tôi đã giữ lại để cho các con cháu tôi và những người quan tâm tìm hiểu về thế hệ chúng tôi đã hy sinh, cống hiến trưởng thành ra sao. Hạnh phúc của thế hệ chúng tôi phải chấp nhận nhiều mất mát, hi sinh, nhưng có lẽ tình yêu nào cũng có cả hi sinh. Yêu thôi chưa đủ, phải thương và có trách nhiệm với cuộc sống xung quanh mình thì hạnh phúc cá nhân mới trọn vẹn”.
BẢO NGÂN