Nhức nhối bất động sản “ma”, bất động sản “lậu”!
The Tropicana Garden 2 đang xây dựng sâu trong một khoảng rừng thuộc xã M’Lá, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng
Thời gian qua, thị trường bất động sản rất sôi động, đầu tư vào đất đai đã đem lại cho nhiều người giàu lên một cách nhanh chóng. Đi đâu cũng thấy mọi người bàn tán dự án này, dự án kia “hót”, có những cuộc đấu giá đất tăng gấp hàng chục lần so với giá khởi điểm và cao hơn giá thực của thị trường rất nhiều. Đồng thời, xuất hiện rất nhiều dự án “ma”, dự án “lậu” để lừa đảo khách hàng và sinh ra nhiều hệ lụy cho xã hội.
Dự án “ma” hoành hành
Vào khoảng tháng 7-2019, tại xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, các cơ quan chức năng thực hiện cưỡng chế công trình vi phạm của ông Nguyễn Ngọc Sự (ngụ ở T.P Hà Nội). Công trình bị cưỡng chế có diện tích 24.500m2. Công trình là khu đất đã được Công ty CP địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba) phân phối đất nền dưới tên dự án Alibaba Tân Thành Center City 1. Mặc dù dự án chưa được các cấp thẩm quyền phê duyệt nhưng Công ty Alibaba tự vẽ quy hoạch 1/500 trên giấy, xây dựng cơ sở hạ tầng như làm đường, vỉa hè, dựng cột điện, đường cống thoát nước rồi phân lô và phân phối được 346 nền thu về với tổng trị giá hơn 102 tỷ đồng.
Vụ việc Công ty Alibaba bị lộ diện là công ty chuyên vẽ các dự án “ma” để bán nền khi buổi cưỡng chế có sự xuất hiện của một số đối tượng là người của Công ty Alibaba ra chống đối đoàn cưỡng chế tại xã Châu Pha. Sau đó vụ việc đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khởi tố.
Công ty Alibaba thành lập tới 22 công ty thành viên do đối tượng Nguyễn Thái Luyện cầm đầu, với thủ đoạn mua gom đất nông nghiệp, đất rừng trồng rồi tự vẽ ra đến 50 dự án bất động sản ở các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Thuận... để lừa hàng nghìn khách hàng và thu hơn 3.000 tỷ đồng bất chính.
Vụ việc của Công ty Alibaba chưa dịu lắng xuống, lại xuất hiện hàng chục vụ án các chủ dự án “ma” lừa đảo đã bị khởi tố và đưa ra xét xử. Vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an T.P Hồ Chí Minh khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Hoàng Mạnh Cường - Tổng giám đốc Công ty bất động sản An Phát Gia có trụ sở tại T.P Hồ Chí Minh cũng đã vẽ ra tới 5 dự án “ma” để lừa đảo. Như dự án khu dân cư Central House đường 4, khu dân cư đường 8, khu dân cư Trường Lưu, khu dân cư Long Phước và khu dân cư Võ Văn Hát.
Đối tượng Cường tự đặt tên dự án, lập bảng quảng cáo, bản vẽ phân thành 193 nền đất để ký hợp đồng đặt cọc hứa chuyển nhượng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất rồi chiếm đoạt gần 100 tỷ đồng của khách hàng.
Tại tỉnh Đồng Nai, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai cũng vừa khởi tố 6 lãnh đạo Công ty CP bất động sản nhà đất Đồng Nai. Bằng thủ đoạn, mua gom đất nông nghiệp, lãnh đạo Công ty BĐS Đồng Nai tự lập dự án, bản vẽ trên giấy để bán, thu về hơn 123 tỷ đồng.
Dự án “lậu” nở rộ
Không chỉ có dự án bất động sản “ma”, mà còn xuất hiện nhiều dự án bất động sản “lậu” trong thời gian qua. Điển hình như dự án không phép The Tropicana Garden 2 rộng hàng héc ta đang xây dựng sâu trong một khoảng rừng thuộc xã M’Lá, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng mà các cơ quan báo chí phản ánh nhiều trong thời gian vừa qua.
Dự án Tropicana Garden 2 có khoảng 80 căn biệt thự nằm trong rừng, chỉ cách thành phố Bảo Lộc gần 50km, thế nhưng nó vẫn ngang nhiên xây dựng một cách rầm rộ mà không bị cơ quan chức năng nào của tỉnh Lâm Đồng phát hiện và ngăn chặn kịp thời.
Theo giới thiệu của nhân viên tư vấn bán hàng cho dự án nghỉ dưỡng này, dự án có hơn 70 lô được phân chia sẵn, hạ tầng đồng bộ với đường nội khu, hồ bơi, công viên... trong nội khu. Toàn bộ khu vực đang xây dựng và sắp được mở rộng, bán cho khách dạng đất nền là 7ha. Nhân viên bán hàng còn cho biết thêm, mỗi lô đất kèm căn biệt thự nghỉ dưỡng “sang chảnh”, có view rừng thông, view đồi núi tuyệt đẹp, muốn sở hữu chỉ cần bỏ ra từ 3 đến 4 tỷ đồng.
Như ở T.P Hải Phòng, nằm bên bờ sông Đa Độ, khu đất nông nghiệp rộng 6ha tại xã Hữu Bằng, huyện Kiến Thụy có cả một đại công trình không phép xây dựng, khu nghỉ dưỡng nằm gần trụ sở UBND huyện Kiến Thụy được xây dựng hoành tráng mà không có bất cứ một cơ quan chức năng nào của T.P Hải Phòng phát hiện. Việc này đang khiến dư luận không khỏi ngạc nhiên.
Hay như dự án Eco Resort Đại Lâm tại thôn Đại Giáp, xã Đại Lâm, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án này chưa được cơ quan thẩm quyền tỉnh Bắc Giang phê duyệt đầy đủ pháp lý. Nhưng dự án vẫn đang triển khai xây dựng và bán hàng rầm rộ. Mọi thông tin pháp lý của dự án Eco Resort Đại Lâm đang rất “mơ hồ” nhưng đã có Công ty New Land Group (có trụ sở tại lô 02, đường Thanh Niên, tổ dân phố Phú Mỹ 2, phường Dĩnh Kế, T.P Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) ký nhận tiền của khách hàng để bán lô dự án lên đến hàng tỷ đồng.
Việc các dự án bất động sản “ma”, bất động sản “lậu” vẫn ngang nhiễn tồn tại và nở rộ thời gian qua đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường bất động sản trong nước, gây ra nhiều hệ lụy xấu cho xã hội. Có lẽ đã đến lúc các cơ quan chức năng cần phải quyết liệt hơn nữa trong việc xử lý nghiêm các dự án “ma”, dự án “lậu” và công khai minh bạch tính pháp lý của từng dự án bất động sản cho người dân biết.
Hoàng Thanh