"Nhuận bút" của lão Khoa thời thơ ấu
**TRẦN ĐĂNG KHOA
**
Chết chưa! Anh không ngờ những bài thơ vụng dại thời trẻ con của anh lại gây cho em bao nhiêu là tai họa. Nếu biết em “bị nạn” vì thơ anh như thế, chắc anh chẳng làm thơ làm gì.
Chẳng ai sống được bằng nhuận bút thơ đâu em ạ. Hồi còn trẻ con, anh làm thơ, NXB không trả nhuận bút bằng tiền. Các cô bác lớn tuổi rất quan tâm chăm lo cho trẻ con, nên sợ trả tiền, anh sẽ hư hỏng và sẽ viết vì tiền chứ không phải vì nghệ thuật, và như thế sẽ mất đi sự hồn nhiên trong sáng. Bởi vậy, thay bằng tiền, các cô bác ở nhà xuất bản trả bằng hiện vật. Hiện vật phần lớn là cặp sách, truyện tranh, và có khi là đồ chơi: Một cái ô tô to bằng nắm tay nhưng chạy được bằng dây cót. Hồi đó nhà anh đói lắm. Quanh năm ăn độn. Nhiều khi không đủ khoai sắn, phải lấy gốc muống già, băm nhỏ rồi phơi khô, trộn lẫn với cơm. Trông bát cơm cứ đen sì như bát... phân trâu. Khi ấy nhuận bút lại rất cao. Một bài thơ in ở tạp chí Văn nghệ quân đội, nhuận bút lên đến 15 đồng, trong khi đó chỉ có 3 hào 1kg gạo.
Năm 1967, anh có hơn mười bài thơ in ở NXB Kim Đồng, sau khi giành giải Nhất cuộc thi thơ thiếu nhi. Giải thưởng cũng trả bằng hiện vật. Nếu nhuận bút phần thơ đó được trả bằng tiền, chắc cả nhà anh đỡ đói đến mấy tháng trời. Nhưng NXB chỉ tặng anh quà thôi. Nhuận bút cũng lại là cái cặp sách để đi học và một con búp bê to bằng cổ tay trẻ con, nhưng có đầy đủ váy áo, giày, tóc vàng rất xinh và đặc biệt là nó biết nhắm mắt, mở mắt. Hồi đó cả huyện, có lẽ chỉ anh mới có con búp bê như thế. Còn cặp sách thì anh nhiều lắm. Anh dùng không hết, phải mang đến lớp, tặng mỗi bạn một cái.
Tập thơ thứ hai của anh với 40 bài, được NXB Kim Đồng tặng cho một cái đài bán dẫn. Cái đài rất xinh, chỉ to bằng bao thuốc lá nhưng chạy đến 9 vôn, nghĩa là phải lắp đến sáu quả pin đại. Pin nặng hơn cả đài. Hồi ấy có đài phải ra công an đăng kí. Có giấy đăng kí mới mua được pin phân phối. Nhưng pin phân phối chỉ dùng được mười ngày là hết. Phải mua pin chui ngoài chợ “đen”. Mẹ anh phải gánh đến năm gánh bèo lên tận chợ huyện bán mới mua đủ được số pin ấy. Thành thử đài chỉ để không cho oai. Khi có pin thì tưng bừng lắm. Cả xóm đến nhà nghe nhờ, nhất là những tối thứ bảy, có “Kể chuyện cảnh giác” và “Sân khấu truyền thanh”. Nhiều anh ở mãi làng bên còn đến mượn đeo đi hỏi vợ. Hồi đó đi hỏi vợ, người ta rất thích đeo đài hoặc đeo... súng lục. Có hai thứ đó thì “hiệu quả”’ lắm. Các cô cứ là mê tít.
TĐK