Như thế là… tàn ác!
Trên mạng xã hội mới đây lan truyền một vụ việc động trời: Một anh shiper giao một đơn hàng có giá trị 200.000 đồng, cho một người đàn ông đặt mua. Khi giao hàng, người đàn ông này không nhận hàng, gọi điện cho chủ hàng bảo không lấy. Anh shiper này yêu cầu ông không lấy thì cũng phải thanh toán cho 30.000 đồng phí vận chuyển để chuyển hàng trở lại, ông khách không chịu trả. Hai bên cãi cọ, ông khách không mua hàng đã cùng vợ dùng tuýp sắt đánh gãy 2 cánh tay của anh shiper này. Anh này đã phải chạy trốn vào một nhà gần đó nhờ che chở và nhờ thông báo gấp cho công an ở đây biết.
Sau sự việc, người đánh anh shiper này đã bị công an gọi lên lấy lời khai. Rồi đây, kẻ đánh người gây thương tích sẽ bị xử lý theo pháp luật vì hành vi hung hãn, tàn ác của mình.
Đặt mua hàng xong, không lấy hàng đã trở thành chuyện khá bình thường trong xã hội. Có người đặt hàng chơi (cho vui), khi người giao hàng mang tới thì không nhận, cãi chày, cãi cối bảo: "Tao không nhận đấy, làm gì được tao!". Có những trường hợp con đặt hàng rồi, anh shiper đưa hàng tới, bà mẹ kêu đắt, không lấy, cũng chẳng trả tiền shiper, rồi cả hai mẹ con xúm vào chửi người giao hàng. Hay có thanh niên đặt cỗ cưới cho vui, chứ có ai ăn đâu!? Khiến chủ hàng hết sức phẫn uất… Tất cả các hành vi trớ trêu này đều mất nhân tính, chà đập lên nồi cơm của biết bao người giao hàng. Đã không đặt thì thôi, đặt hàng thì phải lấy. Không đảm bảo chất lượng, hoặc không vừa ý thì có thể đổi lại, không lấy thì phải trả phí giao hàng. Sao lại làm các việc ác độc như thế!?
Chúng ta phải thừa nhận rằng: Bán hàng online trên mạng là một phương thức rất hiện đại, thuận tiện. Ở nhà, không phải đi xa, ra cửa hàng vẫn có thể mua được hàng. Có quyền lựa chọn các sản phẩm mà mình ưa thích. Không vừa ý thì đổi lại. Nhờ có cách bán hàng này mà nó làm cho việc mua bán, sinh hoạt đời sống của chúng ta phong phú, đơn giản và tiện lợi hơn rất nhiều. Tuy nhiên, cũng phải phê phán những người kinh doanh, buôn bán chưa thật sự giao hàng đúng như những gì đã quảng cáo. Điều này là rất tiếc, mất uy tín trong làm ăn.
Những cơ quan bảo vệ pháp luật, bảo vệ người tiêu dùng cũng cần có hướng xử lý nghiêm những thói lừa đảo trong làm ăn, buôn bán. Những thói chây ì, lừa đảo, đặt hàng nhưng không lấy hàng cần phải được lên án mạnh mẽ; vì nó làm cho xã hội lộn xộn, làm mất thời gian, công sức của người khác. Kẻ coi thường sức khỏe, tính mạng, chà đạp lên cuộc sống của người khác như nêu ở trên, phải được chế tài nghiêm khắc xử lý, để giữ yên kỷ cương, phép nước, không để hung hãn tàn bạo như thế được…
Uyễn Việt Tiến