Trăn trở với chữ “Tâm”
Câu chuyện các cháu Lù Văn Hùng, Lù Seo Lử (người dân tộc Mông) và Vàng Văn Thẻo, Vàng Văn Coi (dân tộc Thu Lao) “nhập hộ khẩu” về Đồn biên phòng Si Ma Cai cho thấy các chú bộ đội biên phòng nơi đây hiểu và chia sẻ khó khăn với người dân miền biên viễn này như thế nào.
Thượng tá Nguyễn Khánh Tùng - Đồn trưởng Đồn biên phòng Si Ma Cai gắn bó với vùng biên cương này chưa lâu, nhưng trong câu chuyện của anh cho thấy từng thớ đất, rừng cây nơi đây và cả phong tục tập quán của bà con anh nắm rất rõ. Anh chia sẻ:

  • Việc nhận các cháu về nuôi ăn, ở, học tập tại đồn không hề đơn giản. Nếu không có tâm, không phải là tình yêu thương, không phải là sự thấu hiểu thì mọi việc chỉ dừng ở hai chữ: Phong trào.
  • Sao lại là phong trào, thưa đồn trưởng? Tôi hỏi.
    Trầm ngâm một lúc, anh Tùng cho biết:
  • Theo chủ trương của phong trào “Nâng bước em tới trường” do BTL Bộ đội Biên phòng phát động thì mỗi đồn biên phòng nhận giúp đỡ 2 cháu là con đồng bào dân tộc vùng biên trong học tập (hỗ trợ mỗi cháu 500.000 đồng/tháng). Nếu cứ khuôn theo phong trào thì việc lựa chọn 2 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn các xã biên giới để thực hiện với chúng tôi rất dễ dàng. Thế nhưng với đồng bào dân tộc ở đây nếu giúp đỡ tiền kiểu ấy thì các cháu mãi mãi không được đến trường. Vì cuộc sống của đồng bào còn nhiều khó khăn, mình hỗ trợ tiền thì bà con sẽ sử dụng vào việc khác.
  • Đưa các cháu về làm “con” của đồn chắc khó khăn lắm?
  • Chăm lo như thế nào để các cháu khỏe mạnh, học tập tiến bộ, chúng tôi phải bàn bạc kỹ lắm. Đến giờ thì đã dần đi vào nền nếp rồi.
    Hôm chúng tôi về thăm gia đình cháu Vàng Văn Thẻo và Vàng Văn Coi ở xã Nàn Sán, huyện Si Ma Cai (Lào Cai) mới thấy hết việc làm ý nghĩa và đầy tính nhân văn của bộ đội Đồn biên phòng Si Ma Cai.
    Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà tuềnh toàng, không có một vật dụng gì đáng giá là bà Cheng Sử Mìn - 78 tuổi, bà nội của 2 cháu. Câu chuyện bên bếp lửa với bà Cheng Sử Mìn chúng tôi hiểu hơn về hoàn cảnh của gia đình.
    Năm 2013, mẹ của 2 cháu sau một thời gian đau ốm triền miên đã trút hơi thở cuối cùng, để lại 2 con nhỏ và người chồng mất sức lao động lại bị câm điếc bẩm sinh.
    Cả nhà 4 miệng ăn chỉ trông vào thu nhập từ sức lao động của bà nội. Là anh lớn trong nhà, Vàng Văn Thẻo buộc phải bỏ học để đi làm thuê kiếm tiền phụ giúp bà và nuôi em ăn học. Việc em Thẻo bỏ học giữa chừng đã khiến không ít thầy cô giáo và bạn bè tiếc nuối. Bởi trong suốt 9 năm học, Thẻo luôn là học sinh giỏi của xã Nàn Sán. Vuốt vội dòng nước mắt lăn dài trên má, bà Cheng Sử Mìn ngậm ngùi:
  • Sức khỏe của tôi mỗi ngày thêm yếu. Việc chăm lo cho các cháu càng khó khăn. Mừng quá, hai cháu được các chú bộ đội biên phòng đón về nuôi.
    Hoàn cảnh của gia đình Lù Văn Hùng và Lù Seo Sử còn khó khăn hơn. Khi vừa được mấy tháng tuổi, bố các em mất. Ngôi nhà nhỏ xiêu vẹo, chênh vênh bên sườn núi vốn đã lạnh lẽo này càng lạnh hơn khi mẹ của 2 cháu đi lấy chồng để lại cho bà nội đã già yếu. Cuộc sống của gia đình 2 cháu ăn không đủ no, áo không đủ mặc nên việc đến trường tìm con chữ là điều gì đó xa vời. Hôm các chú biên phòng về đón 2 cháu, bà nội của các cháu khóc nhiều. Bà hiểu rằng từ nay các cháu sẽ có cuộc sống tốt hơn.
    “Con bộ đội…”
    Từ ngày có 4 cháu “nhập khẩu” về đồn các chú bộ đội vất vả hơn nhiều. Đại úy Thào Phù Páo - Đội trưởng Đội vận động quần chúng được giao phụ trách chăm lo cho 4 cháu.
    Nhiệm vụ được giao là vậy nhưng tất cả cán bộ, chiến sĩ đều coi công việc chăm lo cho các cháu là của mình. Mấy tháng đầu khi các cháu về sinh hoạt tại đồn cả là những tháng ngày đầy khó khăn, vất vả. Đại úy Lý Seo Tỏa - Chính trị viên phó Đồn biên phòng Si Ma Cai tâm sự:
  • Các cháu rất lười tắm, đặc biệt là gội đầu. Cứ đến giờ tắm rửa thì các cháu lại chạy đi trốn. Sau đó chúng tôi phải phân tích, động viên các cháu mới dần quen. Giờ thì các cháu đã quen với giờ nào việc ấy và thực hiện các chế độ trong ngày như quân nhân.
    Mấy ngày chúng tôi lưu lại đồn, cứ đến 7 giờ tối các cháu lại tự giác ngồi vào bàn học. Hai sĩ quan biên phòng được giao giúp đỡ các cháu học. Những giờ phút sát cánh bên bàn học các sĩ quan biên phòng đã giúp các cháu hiểu bài kỹ, sâu hơn.
    Cháu Lù Văn Hùng cho biết:
  • Có những nội dung chưa hiểu hoặc bài tập khó là chúng cháu được các chú giảng lại vì thế chúng cháu hiểu bài sâu hơn và nắm chắc kiến thức hơn.
    Chuyện đưa đón các cháu đến trường cũng để lại cho chúng tôi nhiều cảm xúc. Ngày nắng cũng như mưa, đều đặn đồn có 2 cán bộ chở các cháu đến trường. Đại úy Thào Phù Páo nói vui nhưng rất thật:
  • Chúng tôi chăm các cháu còn hơn chăm con mình. Bộ đội đóng quân xa nhà mấy khi được đưa con đến trường đâu anh. Ở đâu chúng tôi thực hiện công việc này hằng ngày.
    Khi hỏi về kết quả học tập của cháu Vàng Văn Coi, cô giáo Phạm Thị Xuyên - giáo viên chủ nhiệm lớp 4B, Trường Tiểu học số 1 Si Ma Cai nói ngay:
  • Cháu Coi con Bộ đội biên phòng. Chúng tôi thực sự cảm động về sự chăm lo của các chú bộ đội với các cháu. Sự chăm lo ấy đã giúp các cháu hòa nhập nhanh với môi trường học tập mới và ngày càng tiến bộ.
    TM