Như là cổ tích
Được hỏi nguyên nhân, sức mạnh nào giúp một phụ nữ “liễu yếu đào tơ” như chị làm được nhiều việc như vậy, chị trả lời rất dẹ dàng, hồn nhiên. Chính những năm tháng làm người lính Trường Sơn đã giúp chị có được nghị lực, sức mạnh, tình thương yêu…
Quê chị ở Thành Nam-một vùng quê mà phụ nữ nổi tiếng đảm đang, tháo vát. Chị là con thứ tư trong gia đình nghèo có 9 người con. Đang tuổi học trò, nhưng đất nước có chiến tranh, tiếng gọi của tiền tuyến luôn thôi thúc chị, nhất là những buổi tới trường, gặp bộ đội hành quân vào Nam khiến chị càng thêm háo hức trở thành “cô bộ đội”. Rồi cơ may đến, có đoàn văn công về tuyển diễn viên vào phục vụ bộ đội Trường Sơn. Chị trúng tuyển, nhưng không được nhận vì mới 14 tuổi. Không thể cầm lòng bởi nguyện vọng thiết tha của cô học trò bé bỏng, người phụ trách buộc phải nhận và gửi chị vào học lớp múa Đoàn Văn công TCCT.
Cuối năm 1973, tròn 17 tuổi, Vũ Thúy Lành chính thức là chiến sĩ Trường Sơn, là thành viên Đội Tuyên văn Sư đoàn 968 quân tình nguyện Việt Nam ở Hạ Lào. Vượt lên bom đạn khốc liệt, ốm đau, đói khát, Vũ Thúy Lành và những cô bạn của chị hồn nhiên, nhí nhảnh như những bông hoa thắm sắc giữa đại ngàn Trường Sơn, với những lời ca, điệu múa đã tiếp thêm sinh lực, niềm lạc quan yêu đời của người lính.
Trong hàng nghìn ánh mắt của những người lính nơi chiến trường, có một ánh nhìn đầy đam mê, đã thổi bùng trong chị tình yêu mãnh liệt. Trong một chuyến cùng đoàn đi biểu diễn phục vụ đơn vị ở Sa Ra Van (Hạ Lào), Vũ Thúy Lành gặp Thanh Tùng-lính thông tin-người đã cùng chị viết nên một chuyện tình lãng mạn, vượt cả thời gian, xuyên suốt không gian.
Quen, thân rồi yêu nhau, nhưng chị cũng chỉ biết quê anh ở Sơn Tây, còn cụ thể ở xã nào, thôn nào chưa rõ. Tình yêu trong chiến tranh, nơi hòn tên mũi đạn, đâu cần tìm hiểu quá nhiều! Tuổi 18 khát cháy yêu thương, nhưng hơn một năm, tình yêu cháy bỏng giữa hai người vẫn chỉ dừng lại ở những ánh mắt đắm đuối, cái nắm tay luống cuống vội vàng… Với chị, đó chính là nét đẹp nhất của tình yêu người lính Trường Sơn.
Rồi một ngày, đơn vị anh “lật cánh” qua Đông Trường Sơn, về nước tham gia Tổng tiến công mùa xuân 1975. Đêm chia tay, trước cổng doanh trại, hai người trao nhau nụ hôn đầu và lời dặn của anh: Nhà anh ở cạnh sông Hồng. Mai ngày đất nước thống nhất, nếu chúng mình còn duyên, đi tìm nhau, em cứ đi dọc bờ sông Hồng sẽ tới nhà anh…
Chiến tranh kết thúc, do sức khỏe suy giảm, không thể tiếp tục làm diễn viên múa, chị đi học y tá, rồi học kỹ thuật nông nghiệp. Chút “vốn liếng” nhặt nhạnh được ở trường là cơ sở để sau này chị thành lập Công ty Cát Tường.
Năm 1978 chị xuất ngũ, xây dựng gia đình, sinh con, theo học Đại học Ngoại giao. Ra trường đúng vào lúc đất nước “đói nghèo trong rơm rạ”, chị buộc phải đi xuất khẩu lao động để cải thiện đời sống. Nhưng đổi lại những năm bươn chải kiếm sống ở xứ người là sự đổ vỡ của gia đình. Chị trở về, tựa vào sự đùm bọc của người thân và các con, quyết tâm xây dựng cơ nghiệp và trở thành doanh nhân thành đạt.
Khởi đầu là đầu tư tổ chức trang trại-đi lên từ đất, chậm nhưng chắc. Khi dư giật vốn liếng, chị thành lập Công ty Cát Tường sản xuất thức ăn gia súc, có trụ sở chính ở Bình Dương, chi nhánh ở Hưng Yên, giải quyết việc làm cho ngót 1.000 lao động. Chị còn thử sức và cũng khá thành đạt trong kinh doanh nhà hàng, khách sạn.
Khó khăn thiếu thốn đã qua và hạnh phúc gia đình lại mỉm cười với chị. Anh V-người chồng giờ đây của chị là một sĩ quan không quân. Cũng từng mất mát tình cảm gia đình, nên anh chị đến với nhau bằng sự cảm thông, sẻ chia, tôn trọng và thương yêu nhau hết mực. Khi thôi việc quân, anh sắm tròn vai ông chủ trang trại để nữ Giám đốc bươm bả vào Nam ra Bắc. Và bờ vai anh là điểm tựa êm ái, vững vàng của chị sau những khi đắm mình vì công việc.
Có một gia đình hạnh phúc, cơ nghiệp vững chắc, Vũ Thúy Lành cũng có điều kiện hoạt động từ thiện. Chị là một trong những người tích cực đóng góp Quỹ “Nghĩa tình Trường Sơn”. Không tiếc thời gian, tiền bạc, chị đến từng gia đình đồng đội kém may mắn, giúp họ vốn liếng, kiến thức để làm ăn, thoát nghèo.
Là doanh nhân thành đạt, là người vợ, người mẹ, nhưng Trường Sơn luôn là miền ký ức không phai. Vũ Thúy Lành tâm sự cùng chồng về mối tình của chị và Trần Tùng thời ở Trường Sơn. Trong hành trình đi tìm người yêu cũ, người động viên chị nhiều nhất là anh V -chồng chị. Chị tâm sự cùng chồng: “Em đi tìm anh Tùng, nếu anh ấy đã hi sinh, em sẽ thắp cho anh ấy nén hương và thay anh ấy chăm sóc bố mẹ. Nếu anh Tùng còn thì vợ chồng mình có thêm một người bạn…”. Chính tình yêu trong sáng, đạo nghĩa trước sau của chị đã làm cho anh xúc động, tự hào.
25 năm ròng, không biết bao lần từ Hà Đông, chị đã ngược hữu ngạn sông Hồng để tìm về “Xứ Đoài mây trắng”. Rồi một ngày ở bến xe Trung Hà, chị tình cờ gặp một phụ nữ, gia đình cũng có người là bộ đội hi sinh ở Trường Sơn. Qua chuyện trò, xúc động trước chuyện tình của chị, người phụ nữ ấy đã nhờ người đưa chị đi tìm và chị đã tìm được anh Tùng ở làng Cổ Đô, huyện Ba Vì, Hà Nội. Lúc ấy, anh Tùng đã xuất ngũ, lấy vợ, có ba con. Cả gia đình ngỡ ngàng, xúc động khi gặp lại Thúy Lành-cô văn công Trường Sơn mà anh Tùng từng kể cho mọi người nghe và những lá thư của chị nơi tuyến lửa được anh giữ như những kỷ niệm đẹp về mối tính của hai người.
Hơn một năm yêu nhau và 25 năm kiếm tìm, chị đã thực hiện được lời hứa với người yêu. Nhưng gặp lại người xưa rồi mà vẫn thấy nặng lòng bởi gia cảnh của anh Tùng rất khó khăn. Chị bàn với chồng và anh chị đã chu cấp cho ba người con của anh Tùng học hành, có nghề nghiệp. Vợ chồng chị còn trợ giúp vợ chồng anh Tùng xây cất một căn nhà khang trang ở làng Cổ Đô. Đến lúc này chị mới thấy lòng thanh thản, bởi nghĩa tình trước sau trọn vẹn.
Việt Hưng