Nhớ trong ngày vinh dự này…
Người đó là Bùi Quang Thận
Khi tôi viết những dòng này thì Đại tá Bùi Quang Thận đã thành người trong cõi nhớ thương rồi.
Anh qua đời đột ngột sáng ngày 24-6-2012 tại xã Thái Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, khi mới tròn 64 tuổi. Lúc ấy anh là hội viên Hội CCB thôn Phấn Vũ Nam. Năm nào anh cũng được bầu là hội viên tiêu biểu. Tang lễ đã cử hành tại làng quê anh, theo đúng thủ tục của người dân quê. Hai hàng CCB, người đi dày, người đi dép; người mặc lễ phục màu trắng, người mặc lễ phục màu ghi... đứng túc trực anh. Mắt ai cũng nhòa nhòa lệ...
Trước đây, anh cũng đã từng được đề nghị tuyên dương Anh hùng LLVTND. Nhưng theo Bùi Quang Thận, khi làm các thủ tục để xét thì địa phương không đồng ý, vì ông bố anh có biểu hiện mê tín dị đoan. Thực ra, ông cụ chỉ làm nghề thày cúng. Ở các vùng quê ta, hầu như làng nào chả có ông thày cúng. Hồi đó, Huyện đội cũng đã can thiệp nhưng vẫn không xong.
Anh bảo: “Kể thì cũng hơi buồn. Nhưng mình sống được đến giờ cũng là quý lắm, nếu so với những đồng đội của mình còn nằm lại trong các cánh rừng lạnh lẽo mà đến bây giờ cũng vẫn chưa tìm được hài cốt”.
Năm 2000, Bùi Quang Thận về hưu. Anh cười hiền lành: “Mình xa vợ con biền biệt. Bây giờ mới có điều kiện giúp đỡ vợ con”.
Bùi Quang Thận trở về với ruộng đồng. Anh lao động cật lực như một lão nông. Ngoài làm ruộng, anh còn thuê ao, nuôi tôm, thả cá. Rồi vợ chồng anh mở thêm cửa hàng bán ga ở quê. Nhà nào hết ga hay van ga hỏng là anh có mặt thay ga và bảo hành sửa chữa. Anh bảo, thay một van ga hỏng, cái lớn được 5.000, cái nhỏ cũng 500 đồng đấy. “Toàn tiền tươi thóc thật cả!”.
Trông anh thợ ga xởi lởi, thật thà, tận tụy và tốt bụng, không ai nghĩ đó là người anh hùng dù lúc ấy, anh không có trong danh sách những người anh hùng.
Có lẽ trong chúng ta, ai cũng biết Đại đội trưởng xe tăng Bùi Quang Thận, người đã cắm lá cờ trận mạc trên nóc Dinh Độc Lập trưa ngày 30-4-1975. Nhưng xung quanh việc cắm cờ này, còn có khối điều thú vị mà không phải ai cũng có thể biết hết. Chính Bùi Quang Thận cũng không thể ngờ được mình đã làm nên kỳ tích lịch sử chỉ bằng có... hai bàn tay không.
Câu chuyện bắt đầu từ lúc 8 giờ sáng ngày 30-4. Khi đó, trận đánh đã diễn ra căng thẳng và khốc liệt. Lữ đoàn trưởng Nguyễn Tất Tài lệnh cho Đại đội 4 ở phía sau vượt lên, chiếm đầu cầu, rồi chớp thời cơ, chọc thẳng vào mạng sườn địch. Bị cú đánh bất ngờ, địch thoáng chững lại. Đội hình chúng có phần nhốn nháo. Xe tăng ta tiến đến đầu cầu Thị Nghè thì bất ngờ mấy chiếc tăng địch chẳng biết ở đâu lù lù hiện ra.
Hình như chúng muốn chặn ta ở ngay trên cầu. Đại đội trưởng Lê Tiến Hùng, chỉ huy chiếc xe tăng thứ hai bị thương, bắt buộc phải dừng lại. Tình thế khá nguy cấp. Bùi Quang Thận tức tốc cho xe 843 vượt lên, bắn cháy liền một lúc cả hai xe M.41 và M.113 của địch.
Trong xe anh chỉ còn duy nhất 2 viên đạn. Sau này, anh mới biết hai viên đạn thối. Thực tình, lúc đó, chiếc xe đã hết đạn, mà chặng đường còn rất xa, phải vượt qua bao tuyến phòng thủ kiên cố dày đặc của địch mới đến được Dinh Độc Lập.
Vừa qua khỏi cầu Thị Nghè, anh lại đụng phải 3 chiếc xe tăng địch xông ra đánh chặn. May sao, Vũ Đăng Toàn - Chính trị viên Đại đội 4, ngồi trên chiếc tăng 390 đã chỉ huy bắn cháy luôn cả 3 chiếc tăng ấy.
Đạn trong xe địch nổ toang toác. Không gian sặc sụa và tanh khét mùi thép cháy. Bọn địch ngồi lố nhố trên mấy chiếc xe bọc thép gần đấy, thấy thế hoảng hốt nhảy khỏi xe, bỏ chạy tán loạn. Thế là tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch hoàn toàn tan vỡ.
Được sự giúp đỡ chỉ dẫn của nhân dân và biệt động thành, Lữ đoàn tăng 203 đã chia làm 2 mũi, hướng theo đường Hồng Thập Tự tốc thẳng vào Dinh Độc Lập. Lúc 10 giờ 15 phút, chiếc xe tăng 843 của Bùi Quang Thận dẫn đầu đã vượt qua các ổ đề kháng, vượt qua khu Nhà Xanh, vượt qua cả những họng súng đang ngơ ngác của địch, lừng lững tiến thẳng vào cửa Dinh Độc Lập.
Khi thấy toà nhà trắng loá hiện ra trước cửa xe, Bùi Quang Thận cho lắp một viên đạn nã thẳng vào Dinh để thị uy. Đạn thối, không nổ. Anh cho nạp viên cuối cùng. Cũng lại không nổ.
Hú vía cho cái Dinh Thống Nhất bây giờ đã thoát được hai viên đạn của anh. Nếu đạn nổ, tình thế chắc sẽ khác. Nhưng may sao, điều đó không xảy ra.
Bùi Quang Thận cho xe lùi ra, húc vào cánh cổng bên trái của Dinh. Đó là đòn tấn công cuối cùng của chiếc tăng không còn vũ khí. Cùng lúc xe tăng 390 húc đổ cổng chính, tràn vào bên trong.
Cũng thật may cho Bùi Quang Thận và đồng đội anh, một người vô danh nào đó trong Dinh đã kịp cắt cầu dao hàng rào điện tử, nếu không, chỉ chạm vào cổng sắt là chiếc tăng của anh và đồng đội anh sẽ bị nổ tung.
Sau khi Bùi Quang Thận cho xe tốc thẳng vào sân dinh, trước mặt anh, lố nhố những xe tăng, xe bọc thép tuyến phòng ngự cuối cùng của địch bảo vệ Dinh với bao nhiêu súng ống đạn dược tối tân; còn anh, chỉ có hai bàn tay trắng và chiếc xe tăng lổng nhổng vỏ đạn. Bùi Quang Thận giật phắt lá cờ trận mạc cắm trên xe tăng, quay lại bảo lái xe Lữ Văn Hoá, pháo thủ Thái Bá Minh:
- Các cậu ở lại, mình vào Dinh nhé. Nếu không thấy mình quay ra, cũng không thấy lá cờ này nhô lên, thì tức là mình đã chết ở trong Dinh rồi!...
Đấy, anh Thận của chúng ta như thế đấy. Dường như anh ấy không chú ý, cũng không có ý thức về vai trò lịch sử của mình. Sau này, Trung tá Nguyễn Huy Thông - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 203 mà tiền thân là Lữ đoàn 203 bình luận: - Thực tình, chúng ta đã chuẩn bị rất kỹ cho việc cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập. Đơn vị được chọn làm công việc cuối cùng của cuộc kháng chiến cứu nước ấy là một Đơn vị Anh hùng. Người được chọn cắm cờ cũng là người có đầy những kỳ tích, cũng như người bay vào vũ trụ sau này phải là Anh hùng Phạm Tuân, người đã "bắn cháy" B.52, và cái máy bay Mỹ thứ 4.000 cũng phải rơi ngay trên đất Tổ 4.000 năm lịch sử của Vua Hùng.
Nhưng rồi chiếc xe tăng chở lá cờ lớn được chuẩn bị rất kỹ ấy phải đánh nhau rất dữ dội ở mãi ngoài Dinh. Và rồi Giời đã thay người cắm cờ ấy bằng anh lính nông dân Thái Bình - Bùi Quang Thận. Mọi việc anh Thận làm đều rất giản dị. Khi dứt lá cờ của chính quyền Sài Gòn, thoạt đầu anh định ném xuống sân. Nhưng nhìn lại, thấy vứt đi phí quá. Cái cờ chẳng ra quái gì, nhưng vải rất tốt, dày đến mức có thể làm chăn đắp được. Thế là anh cuộn lại, định bụng mang về quê, dùng để lót ổ thay cho rơm rạ hay lá tre khô. Sau này lịch sử cần biết đích xác người cắm cờ. Lúc ấy mới hay là có quá nhiều người cắm cờ. Sự thật thì họ đều cắm cờ cả. Nhưng cắm ở tiền sảnh, ở góc nhà, ở rất nhiều nơi xung quanh Dinh Độc Lập và ở ngay cả chính Dinh Độc Lập. Nhưng ai là người cắm lá cờ trận mạc, lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” trên nóc Dinh kia. "Thì tôi cắm đấy mà" - Bùi Quang Thận trả lời thật giản dị.
Có người hỏi, anh cười hiền lành: "Ôi dào, có gì đâu. Tôi chẳng nghĩ gì khi làm điều đó. Đấy là một việc rất đỗi bình thường của một người lính trận. Anh nào trong hoàn cảnh ấy cũng sẽ làm như tôi. Đơn giản thế thôi. Có gì mà các bố cứ lằng nhằng rắc rối cho nó hóa to chuyện!".
Bây giờ, Bùi Quang Thân đã là người trong cõi nhớ thương rồi. Bây giờ thì Bùi Quang Thận đã chính thức là một người Anh hùng, có tên trong danh sách những người anh hùng thời trận mạc. Và rồi cũng còn rất nhiều những người khác nữa trong đội ngũ chúng ta, kể cả những vị đại biểu vinh dự được chọn về dự Đại hội VI.
Họ rất xứng đáng để chúng ta tưởng nhớ và tri ân trong những ngày vinh dự này...
Trần Đăng Khoa