Nhớ Tết ở chiến trường
Nhớ Tết Nguyên đán năm Quý Sửu (1973), Sư đoàn 470 chúng tôi thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn đứng chân ở bên bờ sông Sa Thầy (Kon Tum, ngã ba biên giới Đông Dương), đang chuẩn bị đón một cái Tết thật tươm tất, rôm rả để mừng thắng lợi của Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam vừa được ký kết.
Các tiêu chuẩn, khẩu phần Tết cho anh em được Phòng Hậu cần sư đoàn chuẩn bị chu đáo, khá hơn mọi năm, được nhà bếp phân về cho các phòng, ban, bộ phận “tự biên, tự diễn” cho có không khí đón Tết cổ truyền của dân tộc. Nào gạo nếp, thịt lợn, đồ hộp, rau quả tươi, đậu xanh để gói bánh chưng…, tuy không nhiều nhưng đều có đủ. Các loại nhu yếu phẩm từ hậu phương miền Bắc chuyển vào có đường, sữa, bánh, kẹo Hải Châu, trà Hồng Đào, thuốc lá Tam Đảo và Thiếp chúc mừng năm mới của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng - Bác Tôn. Chỉ thiếu mỗi pháo đón giao thừa, mà nếu có cũng không dám nổ vì sợ lộ địa điểm đóng quân.
Toàn đơn vị được nghỉ từ chiều 30 Tết để chuẩn bị. Ban Tác chiến chúng tôi có 10 người (2 đồng chí đi công tác xuống cơ sở không kịp về, ăn Tết luôn cùng đơn vị bạn), còn 8 người chia nhau mỗi người mỗi việc chuẩn bị cho kịp đón giao thừa. Anh Đầm - dân Phú Thọ khéo tay nhận gói bánh chưng, bánh tày. Ông Đỉnh bó giò lụa và nấu kẹo miến (loại kẹo làm từ cơm nguội phơi khô, được chưng lên nhào với đường, sữa). Anh Ngọc, chú Ngân đi kiếm lá dong, lạt giang, mộc nhĩ… Ông Chất - Trưởng ban vừa trực ban vừa cuốn hương trầm. Còn tôi và anh Dốc có hoa tay, đảm nhiệm việc cắt dán khẩu hiệu, hái hoa rừng trưng bày lên bàn thờ Bác Hồ. Không khí thật rộn ràng, phấn khởi, làm ai nấy cũng vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê mỗi khi Tết đến xuân về.
Ở rừng đêm xuống nhanh lắm. Mới 5 giờ chiều mà đã nhá nhem tối. Bỗng từ đài quan sát báo về có máy bay trinh sát địch xuất hiện. Nhìn lên bầu trời đã thấy 2 chiếc trinh sát OV10 và 1 chiếc AC130 cường kích lượn vòng theo hình đuôi én, quần đảo trên bầu trời khu vực đơn vị đóng quân. Mọi người liền nhảy xuống hầm trú ấn, bỏ lại các thứ còn ngổn ngang, bề bộn trên mặt đất. Đến vòng thứ ba thì máy bay địch hạ thấp độ cao rồi xả đạn rốc-két và cắt bom bi, bom sát thương vào khu vực doanh trại của Sư đoàn. Và cũng bất ngờ như khi xuất hiện, máy bay địch cắt bom xong là chuồn thẳng. Lệnh báo yên, mọi người chui ra khỏi hầm mới tá hỏa lên là nhà của Ban Hành quân cách nhà Ban Tác chiến chúng tôi không đầy 50m vừa bị trúng bom. Đồng chí trợ lý Nguyễn Ngọc Trìu (người Thái Bình còn trẻ măng) đã hy sinh. Đồng chí Trưởng ban Bùi Đình Chất (quê Hà Tĩnh) bị thương nặng vào bụng cũng hy sinh ngay sau đó. Còn hai người bị thương nhẹ được đưa ngay đi bệnh xá Sư đoàn cấp cứu.
Ngay tối hôm đó, toàn đơn vị được lệnh hành quân về vị trí mới, địa điểm dự phòng để tránh địch đánh tiếp. Mọi người vừa khẩn trương mai táng đồng đội, vừa lặng lẽ chuẩn bị chuyển quân. Nhìn các thứ thực phẩm ngổn ngang dính đầy đất đá, ai cũng ngao ngán, buồn vì thương tiếc đồng đội và thầm nghĩ lại mất đứt một cái Tết nữa ở chiến trường, mà chỉ còn hai ngày nữa là Hiệp định Pa-ri có hiệu lực thi hành.
Suốt 7 năm trời làm lính Trường Sơn, qua 6 cái Tết giữa rừng già, tôi vẫn không bao giờ quên được cái Tết đau buồn năm ấy, nhất là khi nhớ đồng đội.
Lê Lân