Nhớ “ông Tổ” đặc công
Vào một ngày đầu tháng 8-2008, tôi tới thăm Đại tá Trần Văn Kìa (Hai Cà) Anh hùng LLVTND, tại KP6, phường Trung Dũng, T.P Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Dạo này trông nước da ông có phần chuyển màu, đó là dấu hiệu sức khỏe đã xuống cấp, bởi trong người mang trọng bệnh. Tuy vậy, ôn lại những kỷ niệm thời trận mạc, đặc biệt là những lần được gặp Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc năm xưa, mắt ông như sáng lên, người khỏe ra và hào hứng kể:
Tôi chào đời ngày 20-12-1920, tuổi Canh Thân tại Cù lao Thanh Hội, huyện Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa. Vốn là một nông dân, trời phú cho tôi có sức khỏe, thân thể tráng kiện, thuở sinh thời ăn không biết no, làm chẳng thấy mệt. Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, rồi Quốc khánh 2-9 như làn gió mới thổi vào hồn tôi, một thanh niên chỉ biết cày cuốc ruộng đồng. Nhưng đất nước hưởng hạnh phúc ngày độc lập chưa tới một tháng thì mối hiểm họa thù trong, giặc ngoài lại xâu xé nhằm tước đoạt quyền sống và quyền hạnh phúc của một dân tộc sau 80 năm bị thực dân phong kiến đô hộ.
Trước họa xâm lăng, nghe theo lời kêu gọi của Bác Hồ kính yêu, tôi thấy máu trong tim mình như sôi lên, thôi thúc tòng quân để tham gia giết giặc, cứu sơn hà trong cơn nguy biến. Nhưng trong đầu còn vương vấn một điều: Mẹ già, vợ dại, con thơ biết làm sao đây?
Suy nghĩ là vậy, mà chỉ như làn gió thoảng qua để rồi sau đó ít lâu, tôi đã làm cái việc mà tưởng chừng không thể. Đó là vào dịp sắp tới lễ Noel của năm Bính Tuất 1946, tôi tự lập mưu bắt sống tên lính Pháp, dùng dây thừng trói gò cánh khuỷu giải giao cho Huyện đội du kích Tân Uyên và đoạt luôn khẩu súng của nó trước sự ngỡ ngàng, thán phục của dân chúng. Trên đường tôi dẫn độ tên giặc, người dân còn rủ nhau chạy ra xem mặt mũi thằng Tây mũi lõ nó ra làm sao mà độc ác vậy?
Tiếp đó, tôi đã tìm lời khuyên giải thuyết phục bà mẹ kính mến và người vợ hiền thục để tự tay phóng hỏa đốt ngôi nhà gỗ từ đường bốn gian khá bề thế của mình, hưởng ứng phong trào “Tiêu thổ kháng chiến”, rồi tòng quân, lên đường cứu nước.
Cậy thế quân hùng, tướng mạnh, vũ khí hiện đại và thói kiêu căng, ngạo mạn, từ những năm 1947-1948, thực dân Pháp dùng chiến thuật Đờ-la Tua để mở rộng địa bàn chiếm đóng. Chúng đi tới đâu là hệ thống lô cốt mọc lên như nấm độc, gây cho phong trào cách mạng không ít khó khăn và tổn thất.
Thực tế, với vũ khí thô sơ để phá tan mưu mô của chúng quả là không dễ dàng. Nhưng lẽ nào để cho kẻ thù từ phương trời xa lạ tới làm mưa làm gió quê hương, dày xéo mồ mả tổ tiên, ông bà mình…? Từ suy nghĩ ấy, trong tôi nung nấu một quyết tâm, phải tìm cho được lối đánh độc đáo để chặn bàn tay vấy máu của chúng. Nhận trách nhiệm này trước Ban chỉ huy Huyện đội du kích Tân Uyên mà trong tôi biết bao băn khoăn, lo nghĩ: Mình hy sinh đã đành, còn tính mạng anh em khác thì sao?
Thế rồi từ cái khó ló cái khôn, khéo léo và táo bạo. Sau nhiều đêm miệt mài nghiên cứu, luyện tập, cuối cùng chỉ một tổ 3 người do tôi trực tiếp chỉ huy đã tiêu diệt gọn bót cầu Bà Kiên của giặc tại chính quê hương xứ sở; 11 tên địch bỏ mạng, chúng tôi thu vũ khí và tổ chức lui quân trong niềm vui chiến thắng. Nào có ngờ, trận đánh đêm 19-3-1948 ấy đã mở ra lối đánh độc đáo, đạt hiệu suất cao, nhân rộng ra nhiều đơn vị khác, quét sạch hàng loạt đồn bót địch. Kết cục, chiến thuật Đờ-la Tua đã bị quân và dân ta từ Nam chí Bắc chôn vùi thảm hại. Và lối đánh độc đáo ấy không chỉ phổ biến khắp toàn quân trong thời kỳ chống Pháp mà suốt 21 năm chống Mỹ xâm lược cũng đã được phát huy cao độ nâng lên thành nghệ thuật tác chiến trong cả ba thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích; buộc kẻ địch dù trăm mưu, nghìn kế cũng bị thất bại cay đắng, kể cả những mục tiêu trọng yếu nhất của chúng được bảo vệ nghiêm ngặt cũng bị ta giáng trả đích đáng.
Người Anh hùng kể thật hứng thú, say sưa nhưng tôi thì ái ngại vì sức khỏe của ông. Như nhận ra điều ấy, ông cười mà rằng: “Hổng sao, hổng sao đâu. Lần này mình kể, nhớ ghi cho đầy đủ nghen. Mai mốt qua mang theo về bên ấy thì khó mà lấy lại được, uổng lắm đó”. Nói rồi, ánh mắt ông như ánh lên vẻ khích lệ.
Nào! Ta tiếp tục chớ, ông bạn? Dạ, thưa được ạ - tôi đáp.
Lời ông thật linh nghiệm, chỉ ít ngày sau đó, vào hồi 8 giờ ngày 8-8-2008, “ông Tổ” ngành đặc công kính mến của QĐND Việt Nam anh hùng đã trút hơi thở cuối cùng, về cõi vĩnh hằng, để lại niềm tiếc thương cho gia đình, đồng chí, bạn bè và người thân.
Ghi chép của Nguyễn Quốc Hoàn - nguyên cán bộ Đoàn 113 đặc công