Nhờ nuôi dê
CCB Đào Văn Mạnh quê Thanh Hóa, vào bộ đội năm 1971, thuộc Sư đoàn 8, QK 9, xuất ngũ năm 1983. Thời gian đầu hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, hai vợ chồng phải thuê đất trồng màu, làm mướn. Dành dụm được ít vốn, năm 1988 ông lập nghiêp tại đây và khởi sự nghề nuôi dê. Trên miếng đất gần 1.000m2, ông đóng 3 dãy chuồng, thường trực có trên 40 con dê cái đang độ đẻ và 2 con dê nọc. Đặc biệt, ông được coi là "bà mụ" mát tay, cho ra đời hàng trăm con dê con phần lớn là dê cái, khiến nhiều nhà chăn nuôi phải khâm phục về năng động, sáng tạo và tính cần cù chịu khó của ông.
Hiện tại, đàn dê của ông Mạnh chủ yếu là giống dê Hà Lan mặt sọc. Hiện nay, giá dê thịt dao động từ 100 đến 120 ngàn đồng/kg dê hơi. Nếu dê đực thì nuôi khoảng 5-6 tháng, trọng lượng đạt từ 30 đến 40 kg/con là bán, nếu để lớn hơn thì thương lái mua giá rẻ hơn. Còn dê cái bán giống sau 75 ngày, trọng lượng khoảng từ 10 đến 12 kg/con, bán được giá từ 1,7 đến 2 triệu đồng/con. Mỗi năm ông xuất bán từ 70-80 con (vừa bán dê thịt và dê giống), trừ chi phí còn lại 100 triệu đồng. Theo kinh nghiệm của ông, nên quan sát hằng ngày phát hiện dê nào bị yếu, sức khỏe kém để điều trị hoặc bồi dưỡng. Để có sức khỏe và sức chịu đựng, hằng năm ông chích ngừa vaccin phòng bệnh lở mồm, long móng FMD. Bệnh thường gặp trên dê là tiêu chảy. Bệnh này rất dễ chữa trị bằng thuốc thú y hoặc bằng cây thuốc nam.
So với các vật nuôi khác, chăn nuôi dê sinh sản và dê thịt khá ổn định và mang lại nguồn thu đáng kể. Ở nhiều tỉnh, thành miền Tây Nam Bộ hiện đang có nhiều nhà vườn đang quan tâm đầu tư phát triển nghề này. Trường hợp CCB Đào Văn Mạnh là một dẫn chứng, ông thoát nghèo cũng nhờ nuôi dê.
Lê Hồng Lâm