Nhớ mãi “Tòa soạn gốc doi”
Thế là đã 30 năm! Nhớ lại những ngày đầu Báo CCB Việt Nam mới thành lập trong lòng tôi không khỏi bồi hồi, xúc động với bao kỷ niệm vui buồn.
Nỗi nhớ đầu tiên tôi dành cho những người đồng đội, đồng nghiệp - thế hệ đầu tiên của tờ báo Hội. Đó là Tổng biên tập Trần Minh Bắc cùng 8 “cây bút” chúng tôi đều là CCB từng làm báo chuyên nghiệp trong quân đội những năm đánh Mỹ.
Tôi là người trẻ nhất cũng 55 tuổi, còn lại hầu hết đều trên dưới 60. Chúng tôi đều được phong “chức danh” Trưởng ban Biên tập mặc dù mỗi ban lúc đó chỉ có 1 người. Phân công để có trách nhiệm, thực tế khi ai có nội dung gì đều viết bài đóng góp, không khó khăn lắm.
Tòa soạn được bố trí làm việc tại hai gian nhà cấp 4, mỗi gian 20m2, ngay trong trụ sở T.Ư Hội - 34 phố Lý Nam Đế, Hà Nội. Hai gian nhà nằm trên mảnh vườn phía sau nhà của cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, phía trước có cây doi trắng, nên anh em thường gọi là “Tòa soạn gốc doi”.
Cái khó nhất được xác định là tòa soạn được cấp phép xuất bản báo, nhưng không được cấp kinh phí làm báo. Phải làm sao có tiền để in và phát hành báo đến tay người đọc? Mọi người trong Tòa soạn đều không có tiền lương, chỉ “ăn cơm nhà, vác tù và việc Hội”. Giấy viết bản thảo đều phải tự túc, máy và phim chụp ảnh, ai có thì đóng góp, cơ quan không có tiền mua. Bài viết không có nhuận bút, vì ngay việc in báo cũng phải mua chịu giấy và tiền in. Phóng viên đi cơ sở để viết bài phải đi xe đạp riêng của mình, trường hợp đi xa chỉ được thanh toán tiền tàu xe, không có tiền công tác phí…
Nhưng tất cả chúng tôi đều thống nhất không đòi hỏi gì vì đều “xuất thân” từ lính tình nguyện kháng chiến chống Pháp, không tính toán đến lợi ích cá nhân. Tâm trạng chung đều mong sớm ra được tờ báo có chất lượng, là tờ báo của Hội CCB Việt Nam, được đông đảo bạn đọc hoan nghênh là vui lắm rồi! Đúng là khi ấy, những nhà báo CCB làm nghề bằng cái tâm, bằng nhiệt huyết nghề nghiệp của mình.
Ngày 12-1-1991, Báo ra số đầu tiên kiểu nguyệt san có 32 trang ruột, 4 trang bìa, nội dung khá phong phú, nổi bật chủ đề CCB Việt Nam. Những tưởng tòa soạn cứ thế đi lên nhưng thực tế không thế. Mọi chi phí từ lớn đến nhỏ đều phải lấy thu bù chi. Nguồn thu hoàn toàn phụ thuộc vào số lượng báo phát hành mỗi kỳ. Nhưng báo phát hành tăng lên không đáng kể, tiền thu về thấp mà số tiền ghi nợ ngày càng tăng.
Tháng 8-1992 Chi bộ Báo CCB Việt Nam có 14 đảng viên được thành lập nằm trong Đảng bộ khối cơ quan T.Ư Hội. Tháng 1-1993, Chi bộ tiến hành Đại hội lần thứ nhất. Đại hội quyết định phương hướng nhiệm vụ năm 1993 cần tiếp tục nâng cao chất lượng tờ báo, xin phép ra thêm một tờ báo 8 trang ra hàng tuần. Tiếp đó Báo CCB Việt Nam được cấp phép ra liền 2 loại báo: Báo ra hàng tuần 8 trang, in 2 màu và báo ra hàng tháng 32 trang ruột, 4 trang bìa... Cả Tòa soạn đều đoàn kết nhất trí, phát huy mọi cố gắng, có nhiều chuyển biến mới, chất lượng 2 loại báo ngày càng nâng cao, số lượng phát hành ngày một tăng. Đến cuối năm 1995 báo tháng mỗi tháng đã in và phát hành 18.000 cuốn, báo tuần được trên 15.000 tờ mỗi tuần.
Việc nhiều, người ít nhưng trong hai năm 1995-1996, Báo vẫn liên tiếp được nhận giải thưởng trong Hội thi báo Xuân của Hội Nhà báo Việt Nam. Tôi được nhận giải thưởng Báo chí toàn quốc của Hội Nhà báo Việt Nam, tác giả Hàn Thụy Vũ được giải thi viết của Bộ Quốc phòng… Điều ấy cũng nói lên bản lĩnh, sự nhiệt tình và phẩm chất nghề nghiệp của đội ngũ làm báo Hội.
Tòa soạn còn phải lo làm kinh tế để khắc phục tình trạng thu không đủ chi. Việc này do Tổng biên tập và 6 người giúp việc lo sao cho có thể tự trang trải, xuất bản đều kỳ 2 tờ báo của Hội.
Nhưng do thiếu hiểu biết về kinh tế thị trường, có lúc chủ quan, nên việc làm kinh tế đã vấp phải nhiều sai sót dẫn đến thiệt hại, nợ nần. Nhưng rồi, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực T.Ư Hội, những khuyết điểm được khắc phục dần, Tờ báo ngày càng trở thành công cụ thông tin, tuyên truyền, góp phần đắc lực vào công tác giáo dục chính trị của Hội.
Thấm thoắt thế là đã 30 năm, nay cầm bút viết bài này, trong lòng tôi vẫn khắc khoải nhớ đến thủa ban đầu, nhớ đến các đồng chí cùng làm báo thời “Tòa soạn gốc doi”.
Nguyễn Xuân Mai - Nguyên Tổng biên tập Báo CCB Việt Nam