Nhớ mãi người Thủ trưởng, người thầy, người anh kính mến
Phi công Trần Hanh (đứng thứ hai bên phải) cùng Đoàn đại biểu Quân đội đến báo công với Bác Hồ.
Trao đổi với tôi về người thủ trưởng cũ của mình, ông kể lại dòng ký ức trong nỗi niềm xúc động, tiếc thương: “Tôi được trực tiếp làm việc dưới sự chỉ bảo của Thủ trưởng Trần Hanh hơn 20 năm. Từ năm 1987, khi Thủ trưởng là Tư lệnh Quân chủng Không quân thì tôi là Phó chánh Văn phòng Bộ Tư lệnh Quân chủng. Khi Thủ trưởng giữ cương vị Phó Tổng Tham mưu trưởng, rồi Thứ trưởng Bộ Quốc phòng thì tôi được làm thư ký cho Thủ trưởng. Đến khi Thủ trưởng làm Phó chủ tịch, rồi Chủ tịch Hội CCB Việt Nam thì tôi được làm chuyên viên Văn phòng, Phó Văn phòng, rồi Chánh Văn phòng T.Ư Hội…”. Ông là Đại tá Đinh Văn Bình - nguyên Thư ký của Trung tướng, Anh hùng LLVTND Trần Hanh - nguyên Ủy viên BCH T.Ư Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Chủ tịch Hội CCB Việt Nam.
Trong lòng Đại tá Đinh Văn Bình, Trung tướng Trần Hanh luôn là một Thủ trưởng, một người thầy đáng kính, một người anh thân thiết. Ông đã học được ở người Thủ trưởng của mình rất nhiều điều. Đặc biệt là sự tận tâm, cẩn trọng, chặt chẽ trong công việc; sự nhân hậu, nghĩa tình, sâu sắc trong cuộc sống… Ông bảo: Những kỷ niệm của ông về Thủ trưởng Trần Hanh thì nhiều lắm. Chiều trước ngày tiễn biệt Trung tướng Trần Hanh về với tổ tiên, Đại tá Đinh Văn Bình bùi ngùi kể với tôi một vài kỷ niệm đáng nhớ ấy:
Khi là Tư lệnh Quân chủng Không quân, Thủ trưởng luôn sâu sát tình hình đơn vị và đặc biệt quan tâm đến công tác bảo đảm an toàn bay. Nhớ những lần đi kiểm tra đơn vị, nhất là lần tháp tùng Thủ trưởng vào theo dõi, chỉ đạo diễn tập bắn ném bom ở trường bắn Như Xuân, Thủ trưởng kiểm tra kỹ từ kế hoạch diễn tập, công tác chỉ huy tham mưu, rồi công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật. Nhất là sự chuẩn bị của những phi công trực tiếp tham gia bay diễn tập. Tôi vốn là một phi công Mic-17 nên cũng hiểu thấu được tình cảm và sự quan tâm của Tư lệnh Trần Hanh đối với đội ngũ phi công và kỹ thuật hàng không.
Đội ngũ phi công trong Quân chủng cũng rất cảm phục, kính trọng Thủ trưởng. Bởi không chỉ là một trong những phi công lập chiến công đầu, mở mặt trận trên không thắng lợi ngày 3 và 4-4-1965, Thủ trưởng còn là tấm gương về sự rèn luyện phấn đấu và quan tâm đến tới bộ đội bằng sự giản dị, gần gũi, thân tình. Năm nào cũng vậy, từ trước Tết nguyên đán mấy tháng, Tư lệnh Trần Hanh cũng trực tiếp làm việc với Cục Hậu cần về kế hoạch chuẩn bị bảo đảm tiêu chuẩn Tết cho bộ đội.
Khi nhận cương vị Phó Tổng Tham mưu trưởng, Thủ trưởng luôn rất sâu sát những nội dung công việc được phân công và tìm hiểu rất kỹ càng để giải quyết từng việc. Nhớ lần được Bộ giao nhiệm vụ vào kiểm tra nắm tình hình Sư đoàn Không quân 370 sau khi đơn vị để xảy ra một số vụ mất an toàn bay, Thủ trưởng đã cùng Bộ Tư lệnh Quân chủng trực tiếp vào thị sát nắm tình hình, rút kinh nghiệm các cấp một cách thấu đáo để tìm ra nguyên nhân chủ quan, khách quan rồi báo cáo, kiến nghị với Bộ những giải pháp khắc phục. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Bộ đã có những chỉ đạo khắc phục rất sát thực, đặc biệt là về công tác bảo đảm kỹ thuật khí tài, trang bị hệ 2.
Tôi rất cảm phục Thủ trưởng trong lần làm Trưởng đoàn công tác của Bộ Quốc phòng làm việc với tỉnh Đồng Nai về vấn đề đất quốc phòng. Hôm ấy, do vấn đề chưa được thống nhất khiến không khí làm việc trở nên căng thẳng. Trong phát biểu ý kiến, đồng chí đại diện Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu đã có thái độ gay gắt với đồng chí Chủ tịch tỉnh. Đến khi Phó Tổng tham mưu trưởng Trần Hanh điềm đạm phát biểu, phân tích từng nội dung có lý, có tình thì vấn đề mau chóng đi đến thống nhất.
Bản tính nhân hậu cũng là một phẩm chất rất đáng học tập của Thủ trưởng Trần Hanh. Là một chỉ huy nghiêm khắc, cẩn trọng trong công việc nhưng với cấp dưới, ông chưa bao giờ tỏ ra nóng nảy mà cùng với ôn tồn chỉ rõ khuyết điểm, Thủ trưởng cũng luôn tạo điều kiện để anh em khắc phục, sửa chữa khuyết điểm. Chính điều đó đã tạo sự kính phục, yêu quý của cán bộ thuộc quyền. Tôi thầm nghĩ, tình thương yêu đồng chí đồng đội ấy đã được bồi đắp từ khi Thủ trưởng còn là chiến sĩ, rồi cán bộ cơ sở của Sư đoàn 320 trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
Là người từng trải qua chiến đấu, Thủ trưởng rất trọng nghĩa tình. Tôi nhớ, năm 2010, khi là Chủ tịch Hội CCB Việt Nam, một lần ông về thăm lại bản Tằm, xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An - nơi đó, 45 năm trước, ngày 4-4-1965, ông đã phải hạ cánh bắt buộc do máy bay bị hết dầu sau khi quần đảo bắn rơi chiếc F105 của địch trong trận đầu đánh thắng. Được gặp lại những người đã cứu mình, đến thăm lại thửa ruộng mình đã hạ cánh chiếc MIC-17 năm xưa, ông phấn khởi lắm. Bà con trong bản, nhất là các cháu thanh thiếu niên cũng rất phấn khởi và háo hức hỏi ông về chuyện chiến đấu năm xưa. Quây quần bên vò rượu cần nghe chuyện, ai cũng thấy tự hào về Không quân ta, về những đóng góp của dân bản Tằm của mình trong chiến tranh. Thật vui khi nghe ông kể đến đoạn: “Khi mấy dân quân tiến đến chỗ máy bay hạ cánh, nhìn thấy băng trên tay áo tôi đề “Không quân nhân dân Việt Nam” rồi mà vẫn rất cảnh giác, nghi tôi là phi công địch, rồi hô “Giơ tay lên”. Tôi trả lời: QĐND Việt Nam không biết giơ tay hàng!”, thì bà con ồ lên vui sướng…
Khi biết là ông là phi công “quân ta”, bà con mừng lắm, gọi ông là “người trời”. Nay “người trời” năm xưa ấy tóc đã bạc, trở lại trong bộ lễ phục cấp trướng, ngồi xếp bằng trên sàn nhà, hòa đồng cùng dân bản thì ai mà không mừng…
Khi công tác ở Hội CCB Việt Nam, với cương vị Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký, rồi Chủ tịch Hội, Trung tướng Trần Hanh luôn quan tâm đến đến công tác xây dựng Hội vững mạnh; động viên và tạo điều kiện cho cán bộ, hội viên tiếp tục phát huy tốt bản chất Bộ đội Cụ Hồ. Các cấp Hội luôn xứng đáng với niềm tin tưởng, quý trọng và yêu mến của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân. Thủ trưởng đặc biệt quan tâm chỉ đạo các cấp Hội thực hiện công tác nghĩa tình đồng đội; xóa đói giảm nghèo đối với hội viên và gia đình chính sách.
Với Báo CCB Việt Nam, Thủ trưởng rất quan tâm và luôn nhắc nhở, cần thực hiện tốt nhiệm vụ tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền vì tờ báo là vũ khí tư tưởng của Đảng. Đồng thời phải đấu tranh chống những hạn chế, tiêu cực; biểu dương những mặt tích cực. Lấy xây cái tốt tích cực để đẩy lùi cái tiêu cực, lạc hậu…
Hồi tưởng lại dòng ký ức, Đại tá Đinh Văn Bình như giải tỏa bớt nỗi buồn. Kết thúc câu chuyện, ông hạ giọng như tự nói với chính mình: “Vậy là sáng mai phải tiễn biệt Thủ trưởng Trần Hanh rồi. Chúng mình cùng ra viếng nhé. Tôi sẽ cùng gia đình đưa tiễn Thủ trưởng về quê Nam Định cho trọn vẹn nghĩa tình”.
Vũ Quang Huy