Nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhớ nụ cười hòa bình (08/10/2013)
Thật hiếm có một đám tang nào mà ngàn người dân lại thiết tha về viếng đông như thế này. Chứng kiến cảnh những dòng người đến viếng, chúng tôi hiểu tình cảm của người dân Việt Nam với Đại tướng, thành kính đến nhường nào. Những dòng người từ khắp nơi đã về với ngôi nhà của Đại tướng, hàng đơn, hàng đôi kéo dài từ ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu đến sát gần Quang trường Ba Đình. Có người cao tuổi, có bậc trung niên, có thanh niên, thiếu niên và cả các cháu nhỏ đi cùng ông bà. Hàng nghìn người đi trong im lặng. Có những người ở ngay Hà Nội và các tỉnh lân cận, có những người ở tận Nghệ An, Hà Tĩnh và một số tỉnh phía Nam không quản đường xá xa xôi hàng nghìn cây số. Lại có không ít những người nước ngoài. Tay ai cũng một bông hoa cúc, có người lại một bó hồng. Không chen lấn, cứ tuần tự mà đi. Sáng sớm cũng như buổi trưa nắng, cũng như buổi chiều tà… Một lễ tang chung của toàn dân. Có những người đã được sống, chiến đấu cùng Đại tướng, có những người đã từng được gặp Đại tướng nhưng cũng có không ít người chỉ được biết Đại tướng qua các trang sách lịch sử nhưng ai cũng coi Đại tướng như người thân của nhà mình, cùng đến viếng Cụ, viếng Đại tướng, viếng người Anh Cả của QĐND Việt Nam. Có người khóc Đại tướng như khóc cha. “Cha ơi, sang năm kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ rồi mà…”.
Đoàn cán bộ, nhân viên của cơ quan T.Ư Hội CCB Việt Nam do Trung tướng Nguyễn Song Phi, Phó chủ tịch dẫn đầu bình dị đi trong đội ngũ toàn dân vào chia buồn gia đình Đại tướng thân yêu với bó cúc vàng và nét mặt thành kính… Trong dòng người đi trong yên lặng đến viếng Đại tướng, chúng tôi đã gặp nhiều CCB. Đây, bác Nguyễn Đình Cự, 72 tuổi nghiêm trang trong bộ quân phục cũ với chiếc huy hiệu CCB Việt Nam lấp lánh trên ngực từ huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An ra Thủ đô Hà Nội chuyến tàu đêm qua, ngủ nhờ nhà người quen để sớm nay đến thật sớm. Đây đại tá CCB Nguyễn Công Tân, 64 tuổi ở huyện Kiến Xương tỉnh Thái Bình; đây bác Trịnh Thế Linh, 75 tuổi; đây bác Nguyễn Thị Định; đây bác Nguyễn Ngọc Xuân, 73 tuổi, người đã được gặp Đại tướng khi Đại tướng đến thăm đơn vị trong 12 ngày đêm năm 1972 chiến đấu bảo vệ bầu trời Hà Nội; đây chị Nguyễn Thị Hồng, 57 tuổi ở Hà Nội đang nghiêm chỉnh xếp hàng giữa dòng người chờ đến lượt vào viếng. Bác Linh bảo tôi: “Lâu lắm rồi mới được xếp hàng như thời trong quân đội”.
Một CCB ngực đeo đỏ cuống huân chương trong dòng người làm tôi chú ý. Hỏi chuyện mới biết là bác Nguyễn Văn Chiến, nhà ở Thịnh Liệt (Hà Nội) đã vinh dự được một tuần phục vụ Đại tướng khi Đại tướng lên thăm đơn vị của Bộ tư lệnh Thủ đô tăng cường cho chiến trường miền Nam cuối năm 1971. Những kỷ niệm ấy đã gắn chặt với cuộc đời anh, sau đó anh đã có nhiều ký họa về Đại tướng, có bức được đăng trong tạp chí và hôm nay, anh kính cẩn mang thẻ hương thơm cùng cuốn tạp chí đó trao tặng cho gia đình Đại tướng (ảnh). Và đây là gia đình Thiếu tướng CCB Nguyễn Xuân Sắc, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 1, Phó giám đốc Học viện Chính trị quân đội. Hỏi chuyện mới biết, cả hai con trai và cô con gái của ông bà hiện đang là sĩ quan trong quân đội và gia đình ông có nhiều kỷ niệm với Đại tướng. Ông bà đang đưa hai cháu nội cùng đến viếng Đại tướng, kể cho các cháu nghe về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, về truyền thống gia đình và truyền thống QĐND Việt Nam.
Biết bao CCB khác nữa trong dòng người như vô tận đang về đây trong những ngày này và biết bao CCB ở khắp mọi miền Tổ quốc đang gửi nhớ thương về Đại tướng kính yêu, cùng quyết tâm hoàn thành nguyện ước của Đại tướng. Bác Trần Phán, 73 tuổi, ở Yên Hòa (Hà Nội) xúc động nói với tôi: “Không chỉ riêng với tôi đâu, mà tất cả người Việt Nam chúng ta và bạn bè quốc tế đều tâm niệm Đại tướng là thần tượng của mình. Tuy chưa một lần được gặp Đại tướng nhưng được đến cúi đầu tiễn biệt Đại tướng là tôi thỏa tâm nguyện lắm rồi. Kính lạy Người yên giấc ngàn thu. Đã có chúng con trên đất quê hương này”…
Tôi thực sự xúc động trước hình ảnh những cụ già lưng đã còng nhưng vẫn chống gậy bước đến, đôi tay run run, hướng đôi mắt mờ nhòa lệ về phía nhà Đại tướng. Có ở đây những giờ phút này mới hiểu hết được lòng thành kính và tiếc thương của người dân với cố Đại tướng.
Con phố Hoàng Diệu mỗi lúc một đông người đến mặc niệm cố Đại tướng, nước mắt rơi tiễn đưa người học trò xuất sắc của Bác Hồ. Trong những giây phút này, âm vang lời thơ về “Anh Văn” lại vang vọng trong tâm thức những người con dân Việt:"Đại tướng anh hùng dễ mấy ai/ Đức độ, anh, uy, trí, dũng, tài/ Thắng hai đế quốc, bách niên thọ/ Hoàn cầu có một, không có hai.”./. ![](/Pictures/2013/thang 10/Khác/81013=VNG2.JPG) ![](/Pictures/2013/thang 10/Khác/81013=VNG3.JPG) ![](/Pictures/2013/thang 10/Khác/81013=VNG4.JPG) ![](/Pictures/2013/thang 10/Khác/81013=VNG5.JPG) ![](/Pictures/2013/thang 10/Khác/81013=VNG6.JPG) ![](/Pictures/2013/thang 10/Khác/81013=VNG7.JPG) Lê Doãn Chiêu