Nhớ Chế Lan Viên
(Báo tháng 8) -Chế Lan Viên là một nhà thơ có vị trí đặc biệt trong nền thơ ca Việt Nam hiện đại. Trong suốt cuộc đời làm thơ của ông, giai đoạn nào ông cũng có những bài thơ hay, đặc sắc. Thơ ông đầy chất suy tư, trí tuệ mà chan chứa tình người, tình đời; hay nói cách khác thơ ông kết hợp được cái lý tính phương Tây và cái đằm thắm tình cảm phương Đông. Bao trùm lên tất cả, thơ Chế Lan Viên nặng tình, nặng nghĩa với dân tộc mình.
Trong kho tàng thơ Chế Lan Viên, ta thử lấy một bài, đọc và ngẫm nghĩ, giả dụ như bài "Thóc mới Điện Biên" ông viết tại Điện Biên cuối năm 1963, cách chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 9 năm, đúng bằng thời gian: “… làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng.” (thơ Tố Hữu).
Đầu bài thơ ông viết: "Nghĩa trang/ Chói chang/ Sắc vàng/ Một mùi hương vời vợi/ Đang bay đầy nghĩa trang./ Nhà dân chật/ Dân lên đây phơi thóc/ Thóc của dân/ Che kín mộ anh hùng". Nhà thơ đi thăm nghĩa trang vào một ngày nắng đẹp, nhà thơ không thấy không khí chết chóc mà chỉ thấy: “Một mùi hương vời vợi/ đang bay đầy nghĩa trang.” Tại sao vậy? Tác giả viết tiếp: “Nhà dân chật/ Dân lên đây phơi thóc/ Thóc của dân/ Che kín mộ anh hùng”.
Theo tôi đây là mấy câu thơ xuất thần của nhà thơ. Vì sao vậy? Vì chiến thắng vĩ đại chống ngoại xâm là rất quý báu, nhưng cái quý báu hơn nữa là cuộc sống của dân sau chiến thắng đó. Như lời người xưa đã nói: “Nước lấy dân làm gốc, còn dân lấy ăn làm đầu”. Chỉ có lo được đời sống cho dân no cơm, ấm áo, thì các anh hùng liệt sĩ mới ngậm cười nơi chín suối.
Cũng như khi trả lời phỏng vấn của nhà báo nước ngoài đầu năm 1946 sau thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, Bác Hồ đã nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Với Chế Lan Viên là nhà thơ nên ông nói điều đó bằng thơ, cũng như nhà thơ Bằng Việt sau này đã viết: “Giành đất với quân thù dẫu vài năm vài tháng/ Nhưng nuôi cho đất nảy nở sinh sôi là trận đánh hàng đời”.
Quay lại bài thơ trên của Chế Lan Viên, ông viết tiếp: “Nhớ ngày nào/ Các anh đi đánh giặc/ Bảo vệ mùa/ Về sống ở trong dân./ Tô Vĩnh Diện, Trần Can/ Mộ anh Giót, anh Đàn/ Năm trăm mộ anh hùng ngời chói thóc/ Dưới đồi xa/ Pháo thù gục mặt/ Lúa đã chín/ Chỗ tầm câu đại bác/ Lúa chín thơm/ Đầy một sắc chưa vàng”.
Đoạn thơ trên tác giả nói rõ chính các anh chiến sĩ sống và chiến đấu ở trong dân, sống bằng hạt gạo dân trồng và chính các anh đã chiến đấu để bảo vệ mùa màng cho dân. Và tác giả còn đẩy ý nghĩa bài thơ lên một nấc cao mới, đó là: Sự sống mạnh hơn cái chết, hay hòa bình mạnh hơn chiến tranh, vì “Dưới đồi xa/ Pháo thù gục mặt/ Lúa đã chín/ Chỗ tầm cao đại bác/ Lúa chín thơm/ Đầy một sắc chưa vàng”. Đoạn thơ thật hay, đầy hình tượng, phải chăng tác giả đang đứng ở đỉnh đồi giữa trưa nắng vàng rực rỡ nhìn về cánh đồng lúa chín rực nơi xác của khẩu pháo địch hoen rỉ còn đó như biểu tượng của cuộc sống ấm no vượt lên những đổ nát của chiến tranh. Kết thúc bài thơ, nhà thơ viết: “Nghĩa trang…/ …Thời gian…/ Hạt thóc/ Nén vàng/Như tình của dân ủ ấp…/Cầm hạt thóc trên tay/ Nặng máu người đã khuất,/ …Lại nghĩ về phương Nam.” Chúng ta chú ý đoạn thơ trên, tác giả dùng nhiều lần dấu “…”. Dấu “…” thường dùng chỉ những sự việc còn kéo dài mãi, hay dùng sau những từ gợi nhiều suy nghĩ tâm tưởng. Phải chăng tác giả muốn nói, trước đây, hiện nay, và mãi mãi, dân tộc ta không quên những nghĩa trang liệt sĩ, không quên công lao của các anh hùng liệt sĩ đã bỏ mình vì nước, bỏ mình vì cuộc sống no ấm của nhân dân. Và nhà thơ đang ở giữa mùa vàng Điện Biên trong miền Bắc thanh bình thì ông lại nặng lòng nghĩ về đồng bào miền Nam đang sống gian khổ nơi đầu sóng ngọn gió trong cuộc đấu tranh thống nhất Đất nước: “… Lại nghĩ về phương Nam”. Đấy chính là bản chất thi sĩ của Chế Lan Viên.
Chế Lan Viên mất năm 1989, đến nay đã tròn 30 năm. Nhớ đến ông là nhớ đến một thi sĩ có thái độ quyết liệt: “Cho tôi sinh ra giữa những ngày diệt Mĩ/ Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy/ Bên những dũng sĩ đuổi xe tăng ngoài đồng và hạ trực thăng rơi.” (Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?) Cuối đời, nhà thơ mắc bạo bệnh. Trước khi lên bàn mổ 21 ngày, Chế Lan Viên có thể sắp đối diện với cái chết, ông viết bài “Tư thế chi ca”, ông thấy mình bất tử như thiên nhiên đất Việt, hay phải chăng như những linh hồn của các anh hùng liệt sĩ đã bỏ mình vì nước như thơ ông đã suốt đời ca ngợi: “Những bạn bè yêu anh sẽ gặp anh trong cỏ/ Trong hạt sương, trong đá…/ Trong những gì không phải anh./ Anh tồn tại mãi/ Không bằng tuổi tên, mà như tro bụi/ Như ngọn cỏ tàn đến tiết lại trồi lên.”
Trưa Hà Nội ngày 8-7-2019
Văn Minh Thiều