Nhìn lại cuộc phản công bất thành của Ukraine
Xe tăng Leopard và xe chiến đấu bộ binh Bradley trang bị cho quân Ukraine bị quân Nga phá hủy gần Rabotino.
Một năm trước đây, vào tháng 6-2023, sau thời gian dài chuẩn bị với sự trợ giúp sâu và gần như toàn diện của đông đảo cố vấn, chuyên gia quân sự Mỹ vào việc lập kế hoạch và tổ chức 8 cuộc diễn tập mô phỏng tại căn cứ Mỹ tại Wiesbaden (Đức), quân đội Ukraine bắt đầu cuộc phản công dự kiến hoàn tất trong 60-90 ngày nhằm vào quân Nga ở vùng Donbass. Tuy nhiên, sau hơn 100 ngày giao chiến, Ukraine chỉ chiếm được thị trấn Rabotino cách chiến tuyến 19km nhưng rồi cũng phải để thị trấn này trong tình trạng bị vây hãm (cho đến khi bị quân Nga tái chiếm giữa tháng 5 vừa rồi).
Theo các chỉ huy quân sự Mỹ, cuộc phản công thất bại, trước hết do phía Ukraine đã không hành động đúng với tư vấn của phía Mỹ là cần thực hiện một cuộc tấn công trực diện được cơ giới hóa mạnh mẽ, tập trung dọc theo một trục phía nam duy nhất (trục Nam Zaporozhia), đánh chiếm thành phố Melitopol, cắt đứt “cây cầu đất liền” này nối nước Nga với bán đảo Crimea và hướng thẳng tới bờ biển Azov. Thay vào đó, phía Ukraine lại quyết định phân chia lực lượng và tấn công theo 3 trục riêng biệt (ngoài Melitopol, còn 2 hướng khác là Berdyansk và Bakmut) với hy vọng sẽ buộc quân Nga phải kéo căng và dàn mỏng quân theo một chiến tuyến mở rộng.
Tiếp đó, sau những tổn thất nặng nề và bất ngờ với việc hàng loạt xe chiến đấu bộ binh Bradley của Mỹ và xe tăng Leopard của Đức bị quân Nga tiêu diệt ở khu vực Rabotino, quân Ukraine đã hoàn toàn từ bỏ các cuộc tấn công quy mô lớn chủ yếu dựa vào tăng-thiết giáp do phương Tây cung cấp; thay vào đó, họ chuyển hướng dựa chủ yếu vào các cuộc tấn công của bộ binh với vũ khí hạng nhẹ. Hệ quả, vấp phải hệ thống phòng thủ chắc chắn của Nga trên khắp mặt trận dài gần 100km với hơn 70% được gài mìn, các lữ đoàn Ukraine đã bị thương vong nặng.
Việc thiếu sức mạnh không quân đã ngăn quân Ukraine áp đảo lực lượng phòng thủ Nga, vì các máy bay chiến đấu MiG cũ kỹ của Ukraine bị thất thế trước các máy bay phản lực Su vượt trội của Nga. Ukraine cũng thiếu năng lực tên lửa tầm xa đủ để tấn công hiệu quả cơ sở hạ tầng chỉ huy và mạng lưới hậu cần của Nga ở phía sau chiến tuyến. Bên cạnh đó, đa phần các lữ đoàn Ukraine mới thành lập đều thiếu nhân lực và kinh nghiệm chiến đấu.
Mỹ cáo buộc Ukraine đã thất bại trong các chiến thuật cơ bản, như việc không tận dụng hoạt động trinh sát mặt đất để lập sơ đồ đầy đủ các bãi mìn của Nga trước khi tiến quân, hậu quả, đã làm giảm hiệu quả của các cuộc tấn công cơ giới mà lẽ ra phải xuyên thủng hệ thống phòng thủ Nga. Hay, nếu sử dụng các màn tạo khói để che giấu lực lượng và các hoạt động di chuyển quân thì tổn thất về sinh lực và phương tiện đã có thể ít hơn. Lầu Năm góc cũng chê trách việc Ukraine cố gắng bảo vệ và cung cấp tiếp viện cho “nồi hầm” Bakhmut (được Mỹ xem là chỉ mang tính biểu tượng mà không có ý nghĩa nhiều về mặt chiến lược), trong khi lẽ ra phải dành sự tiếp viện này cho mặt trận phía nam. Các chỉ huy Mỹ còn thất vọng trước việc Ukraine từ chối thay đổi cách tiếp cận, mặc dù họ liên tục cảnh báo rằng những nỗ lực rải quân trên toàn chiến tuyến sẽ không tạo ra được đột phá về mặt tác chiến.
Ngược với Mỹ, giới lãnh đạo quân sự Ukraine cho rằng Mỹ đã đánh giá thấp chiều sâu và sức mạnh phòng tuyến Nga khi lên kế hoạch cho cuộc phản công. Chiến tranh cơ động kiểu phương Tây dựa vào tăng - thiết giáp không thích hợp trước hệ thống phòng thủ nhiều lớp và máy bay không người lái cảm tử của Nga. Ukraine cáo buộc phương Tây không cung cấp hỏa lực không quân trong khi yêu cầu họ hy sinh binh sĩ trong các cuộc tấn công trực diện. Kiev cũng khẳng định, việc tập trung lực lượng xung quanh Bakhmut là cần thiết để bảo vệ hai bên sườn cho chiến dịch phản công. Còn việc dàn trải chiến tuyến, một phần cũng mang tính chiến lược - nhằm làm suy yếu sức mạnh của quân Nga. Sau hết, người Ukraine cảm thấy không còn lựa chọn nào khác ngoài việc áp dụng chiến thuật phản công chậm hơn, thận trọng hơn để tránh nguy cơ tổn thất “không kiểm soát được” đối với các lữ đoàn đã suy kiệt của họ. Họ coi lời khuyên của Mỹ là không thực tế về những gì hệ thống phương Tây có thể đạt được trước một lực lượng mạnh như Nga.
Có một vấn đề cả Mỹ và Ukraine đều thống nhất: Nga đã thể hiện khả năng huy động lực lượng, cơ động và củng cố các vị trí để đối phó thành công với cuộc phản công của Ukraine. Việc trì hoãn chiến dịch phản công (kế hoạch ban đầu là tháng 4-2023), cũng giúp cho phía Nga có thêm thời gian để củng cố vững chắc các vị trí phòng thủ trọng điểm và tăng cường lực lượng ở các vùng họ đã chiếm đóng.
Duy Quang