Nhiều tỉnh, thành khó hoàn thành Dự án FMCR như mong đợi: Bài 5: Thiếu tính khả thi từ thời điểm lập Dự án?
Rừng keo và thông được đầu tư trồng ở phường Mai Lâm (Nghi Sơn, Thanh Hóa).
Sau 4 bài viết của Báo CCB Việt Nam, Ban Quản lý các Dự án Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) - đơn vị quản lý Dự án đã có phản hồi và cho biết: Việc giảm diện tích trồng và phục hồi rừng là do dịch bệnh Covid-19; thực địa thay đổi. Ngoài ra, trong quá trình lập Dự án, vì thiếu kinh phí nên gặp nhiều khó khăn trong việc khảo sát, phải dựa nhiều vào các yếu tố kinh nghiệm truyền thống để tiến hành thành lập các khu vực sẽ trồng rừng…
“Báo CCB Việt Nam phản ánh đúng thực trạng Dự án”
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Hồng Vích - Phó trưởng ban Quản lý các dự án Lâm nghiệp, Giám đốc QLDA “Hiện đại hoá Ngành Lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển” (gọi tắt là Dự án) thừa nhận, những thông tin mà báo CCB Việt Nam phản ánh là đúng thực trạng Dự án, đặc biệt là việc giảm diện tích trồng và phục hồi rừng.
Theo ông Vích, Dự án được xây dựng từ năm 2016, nhưng vì nhiều nguyên nhân, đến tháng 12-2019, Dự án mới được phân bổ vốn. Dù vậy, trong 3 năm từ 2020-2022, các tỉnh miền Trung liên tục đón các đợt mưa, lũ, cộng tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên Dự án đã không được triển khai đúng như kế hoạch. Ngoài ra, việc nhiều địa phương đã đưa diện tích trồng, phục hồi rừng của Dự án sang sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế - xã hội khác. Việc này được UBND các tỉnh xác nhận và cam kết, không phải do Chủ đầu tư đề nghị.
“Quy trình trồng rừng là 1 năm trồng, 4 năm chăm sóc nên khi triển khai Dự án, các địa phương tập trung ưu tiên trồng rừng trong năm thứ nhất và thứ hai nên Dự án thiết kế thời gian thực hiện là 6 năm. Tuy nhiên như tôi đã nói, từ năm 2017-2020 là thời điểm phải xây dựng các thủ tục. Khi được phê duyệt đã mất 4 năm, khi bắt đầu thực hiện lại bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bão lũ… nên việc trồng rừng chỉ diễn ra khoảng 1,5 năm, từ năm 2022 đến giữa năm 2023, đây là nguyên nhân khiến Dự án bị chậm…” - ông Vích nói.
Lý giải về nội dung ở năm cuối Dự án, nhiều tỉnh thành đang tập trung vào việc xây dựng các công trình thay vì trồng rừng để sớm giải ngân hết các nguồn vay, ông Phạm Hồng Vích cho biết: Việc đẩy nhanh các Dự án hạ tầng vì Dự án phải đóng khoản vay (vốn IDA, ưu đãi nhất trong dòng vốn ODA từ Ngân hàng Thế giới (WB) trước ngày 30-11-2023. Các địa phương không hoàn thành phải tự bố trí nguồn kinh phí khác, nên các địa phương phải thực hiện nhanh các công trình xây dựng cho đúng với kế hoạch và yêu cầu của nhà tài trợ. Theo ông Vích: Nguồn kinh phí thực hiện các công trình cơ sở hạ tầng do các địa phương vay lại và UBND tỉnh là Chủ đầu tư. Thẩm quyền phê duyệt các Dự án này là UBND tỉnh trên cơ sở sự đồng thuận của WB.
Về một số Dự án được xây dựng trong khu vực không có hoạt động trồng rừng, ông Vích giải thích: Dự án không chỉ thực hiện các hoạt động trồng rừng mới, phục hồi rừng mà còn bảo vệ rừng hiện có, phát triển kinh tế của địa phương… nên có công trình đầu tư trực tiếp cho trồng rừng, có công trình không có rừng vẫn được đầu tư. Hơn nữa, vốn đầu tư cơ sở hạ tầng đó từ nguồn vốn vay lại và đối ứng của tỉnh. Danh mục các công trình hạ tầng tại địa phương được lựa chọn, phê duyệt dựa trên nhu cầu của địa phương, được UBND tỉnh phê duyệt và WB chấp thuận, tuân thủ quy trình theo Sổ tay thực hiện Dự án.
Về việc có Dự án chỉ có một nhà thầu tham gia đấu thầu, ông Vích cho hay, UBND các tỉnh là chủ quản Dự án thành phần, Ban Quản lý Dự án T.Ư chỉ theo dõi, hướng dẫn, tổng hợp báo cáo và đôn đốc. Ví dụ, các gói thầu giá trị lớn tại Hải Phòng được đấu thầu rộng rãi qua mạng nhưng chỉ một nhà thầu tham Dự vẫn đáp ứng điều kiện. Ông Vích cho hay: Hiện Dự án vẫn đang trong quá trình gấp rút triển khai để tận dụng được nguồn vốn vay ưu đãi, song song đó phải xin điều chỉnh, gia hạn Dự án cho phù hợp với thực tế. “Các việc trên, chúng tôi đang triển khai gấp rút nhưng cũng phải thận trọng, đúng quy trình” - ông Vích nói.
Dự án thiếu tính khả thi, đùn đẩy trách nhiệm?
Được biết, Dự án “Hiện đại hóa Ngành Lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư và phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư. Theo đó, mục tiêu Dự án là hướng tới cải thiện quản lý rừng ven biển tại các tỉnh nhằm tăng cường khả năng chống chịu trước bất lợi của các hiện tượng thời tiết cực đoan, nước biển dâng; tạo cơ chế khuyến khích hộ gia đình, cộng đồng, doanh nghiệp và chính quyền địa phương, các đoàn thể… tham gia quản lý bảo vệ bền vững nguồn tài nguyên hiện có.
Theo quyết định phê duyệt của Bộ NNPTNT, Dự án sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng trong nước. Tổng số tiền phê duyệt Dự án lên tới 195 triệu USD, trong đó vốn vay IDA từ WB 150 triệu USD, vốn đối ứng trong nước 45 triệu USD; thời gian thực hiện từ năm 2018 đến 2023 trên diện tích rộng lớn, trải dài trên địa bàn 8 tỉnh gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
Là Dự án lớn, số lượng người dân được hưởng lợi nhiều, cộng với việc khoản tiền đi vay để thực hiện là vốn vay nước ngoài, nhưng theo như chia sẻ của ông Bùi Hoàng Hà - cán bộ Ban Quản lý Dự án T.Ư (CPMU) thì từ khâu khảo sát địa bàn đến việc quy hoạch các điểm trồng rừng là khá mơ hồ: “Khi mà xây dựng Dự án ban đầu chỉ là định hướng cơ sở thôi, làm gì đã có tiền để chúng ta đi đo độ mặn của nước biển. Bằng kinh nghiệm, chúng ta nhìn trên ảnh vệ tinh thì diện tích nó nằm trên 8 tỉnh trải dài. Chúng tôi bắt chước tự nhiên, ngày xưa dân họ trồng được thì nay chúng ta trồng lại, xác suất cây sống sẽ cao hơn. Những hình ảnh được sử dụng là hình ảnh vệ tinh miễn phí…” - vị này cho hay.
Ông Hà cũng cho biết: Do tính đặc thù, cây giống trồng ở rừng ngập mặn không phải hàng hóa thông dụng nên không có quy định về giá sàn của cây giống: “Giá cây theo giá thị trường ở thời điểm đó. Ví dụ như ở Huế, khi không có cây giống thì họ bắt buộc phải mua từ Quảng Ninh hay Thanh Hóa, khi đó ngoài giá cây thì chi phí vận chuyển sẽ khiến giá bị đội lên rất nhiều”, ông Hà nói.
Là đầu mối Dự án, nhưng đánh giá về việc có công trình chỉ có một nhà thầu tham gia đấu thầu các công trình xây dựng cơ bản - ông Vích cho hay: UBND các tỉnh là chủ quản Dự án thành phần, Ban quản lý Dự án T.Ư chỉ theo dõi, hướng dẫn, tổng hợp báo cáo và đôn đốc. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi? Liệu có hay không việc các cơ quan quản lý nhà nước đang đùn đẩy trách nhiệm? Rõ ràng với chức năng của Ban Quản lý các Dự án Lâm nghiệp thuộc Bộ NNPTNT, những người đứng đầu Dự án cần có trách nhiệm cao hơn nữa trong việc kiểm tra, xử lý những vấn đề nổi cộm để Dự án thành công như mục tiêu đặt ra ban đầu.
Loạn giá và dấu hiệu thổi giá cây ăn chênh…
Hộ gia đình ông Ph.V.N. ở thôn Thủy Hưng, xã Đông Hưng (Tiên Lãng, Hải Phòng) cho biết: Mỗi năm gia đình ươm vào vài chục vạn cây bần chua giống. Năm 2022 vừa qua, gia đình xuất bán cho các Dự án đang triển khai ở Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình và một vài tỉnh thành khác, với số lượng từ 5 vạn đến 10 vạn cây bần chua. Hộ gia đình này cũng cho biết, giá mỗi cây bần chua giống xuất bán loại cây bầu nhỏ 15x15 với giá 6.000 đồng, cây bầu kích thước 22x22 với giá 10.000 đồng/cây. Tính cả giá vận chuyển đến chân công trình cộng thêm 2000 đồng/cây. Mỗi năm hộ gia đình này vào bầu ươm cây bần chua lên tới vài chục vạn. Thời điểm cao, thuê nhân công tới 30 người để vào cây giống.
Theo ông Ph.V.N., vừa rồi ,gia đình xuất bán vào Quảng Bình khá nhiều. Loại cây có nhiều loại, cây có bầu to nhất 25x25 với giá 9.000 đến 10.000 đồng/cây. Về tỷ lệ cây giống trồng sống hay không nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, sóng gió, độ nước mặn ngọt ra sao... “Ở Quảng Bình, nguồn nước nó ngọt, cây dễ trồng, dễ sống hơn. Năm ngoái, mình vẫn đưa cây vào Quảng Bình trồng. Giá bán thì thế, nhưng khi quyết toán giá, nhiều đơn vị họ quyết toán vài chục nghìn đồng/cây. Đơn vị mua họ tự làm hóa đơn hoặc có thể mình làm hóa đơn được nhưng giá sẽ lại cao hơn giá xuất tại vườn không hóa đơn. Tại vườn mình làm có giấy tờ đầy đủ. Giấy tờ đó do bên Kiểm lâm họ cấp cho, xã chỉ xác nhận mình là người địa phương, có làm cây giống...”.
Ở Hà Nội cũng có Công ty đang triển khai trồng rừng ở Dự án FMCR trên địa bàn Hải Phòng. Họ cũng lấy cây của mình cả... Năm ngoái, họ lấy mấy chục vạn cây để trồng. Ở Hải Phòng có mấy điểm đang triển khai ở Tiên Lãng, Đồ Sơn, Kiến Thụy... Ở các tỉnh khác như ở Hà Tĩnh cũng bán, rồi ở Thanh Hóa thì xuất bán cho mấy huyện, trên địa bàn huyện Hậu Lộc sử dụng cây của mình cả - ông N. cho biết tiếp.
Trong khi đó tại Nghệ An, giá cây bần chua được UBND tỉnh này phê duyệt đơn giá (Quyết định 286, ngày 18-1-2017) là 30.000 đồng/cây… Trong khi đó Ban QLRPH Nghi Lộc từng mua 40.000 đồng/cây bần không cánh ở Nam Định về trồng tại các vị trí cây chết ở xã Nghi Xuân, Nghi Thái... như Báo CCB Việt Nam đã phản ánh ở những số báo trước!
Võ Hóa - Doanh Chính