Nhiều sai phạm tại Dự án xây dựng Trung tâm cụm xã Ea Rốk – Ea Lê (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk): Gần 20 năm chưa được giải quyết!

Chợ xã Ea Rốk nằm thuộc Dự án Trung tâm cụm xã Ea Rốk - Ea Lê

Tháng 7-1999, dự án xây dựng Trung tâm cụm xã Ea Rốk - Ea Lê thuộc huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt với chủ đầu tư là UBND huyện Ea Súp. Trong quá trình triển khai dự án,  chủ đầu tư đã để xảy ra nhiều sai phạm, dẫn đến người dân khiếu nại, tố cáo gần 20 năm nay.

Trung tâm cụm xã mới thực hiện 10/15 hạng mục

Theo Quyết định số 1750/QĐ-UB (ngày 21-7-1999) của UBND tỉnh Đắk Lắk về việc phê duyệt Dự án cụm Trung tâm cụm xã Ea Rốk -Ealê nêu rõ, 15 hạng mục được triển khai trong dự án gồm: Chợ thương mại, trạm xá, nhà trẻ mẫu giáo, khuyến nông, bến xe khu vực, cửa hàng bách hóa, bưu điện, đài phát thanh, trường cấp 1- cấp 2, giao thông (đường cấp phối), trạm biến áp, nước sạch, cơ sở chế biến, trụ sở UBND xã, san ủi mặt bằng.

Mục tiêu của dự án nhằm tạo ra hệ thống đồng bộ cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống, nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng; quản lý hoạt động xã hội, gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc xây dựng nông thôn mới. Diện tích quy hoạch của dự án là 25 ha với tổng mức đầu tư 3,9 tỷ đồng. Trong đó 3,4 tỷ đồng là tiền ngân sách, số còn lại là liên doanh liên kết, huy động sức dân. Thời hạn thực hiện dự án trong 3 năm từ 1999-2001.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong 15 hạng mục được phê duyệt, đến nay chủ đầu tư mới thực hiện 10 hạng mục. Số hạng mục còn lại gồm: Đài phát thanh, bến xe khu vực, nước sạch, cơ sở chế biến, cửa hàng bách hóa vẫn chưa được triển khai.

Hàng chục năm khiếu nại, tố cáo nhưng chưa được xử lý

Trong đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng, ông Đinh Xuân Tửu, sinh năm 1946, trú thôn 7, xã Ea Rốk chỉ ra nhiều sai phạm nghiêm trọng của UBND huyện Ea Súp, liên quan đến việc đền bù, giải phóng mặt bằng của gia đình ông và hơn 70 hộ dân trên địa bàn xã Ea Rốk. Theo ông Tửu, tại Quyết định số 1750, số đất thu hồi thực hiện dự án là 25 ha. Tuy nhiên, khi triển khai dự án, chủ đầu tư đã tự ý thu thêm 7 ha nằm xung quanh vành đai dự án đất thu hồi, nâng tổng diện tích thu hồi lên 32 ha. Ngoài ra, khi thực hiện một số hạng mục trong dự án thì chủ đầu tư đã tự “vẽ” dự án phân hơn 300 lô đất để bán nền.

Không chỉ vậy, sau khi có Quyết định số 518/2000/QĐ-UB của UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt phương án đền bù cho người dân, UBND huyện Ea Súp đã thực hiện việc đền bù cho 75 hộ dân có trong danh sách.

Tuy nhiên, trong thực tế số tiền đền bù theo danh sách lại không đủ như số tiền được phê duyệt trong quyết định!

Theo ông Tửu và một số hộ dân, sau khi có quyết định đền bù của UBND tỉnh thì chính quyền huyện, xã đã tổ chức phổ biến nội dung việc đền bù tới 75 hộ có trong danh sách. Ông Y Sáo, Phó Ban Quản lý dự án huyện Ea Súp khi đó (nay là Phó bí thư Huyện ủy Ea Súp) cho biết tiền đền bù đã có, nhưng người dân phải ký xác nhận vào danh sách để làm chứng từ thì phía ngân hàng mới cho rút. Sau khi nhận tiền, các hộ mới tá hỏa vì số tiền nhận không đủ, diện tích đất trong danh sách đền bù cũng thiếu so với danh sách chính quyền đưa trước đó.

Ông Đinh Xuân Tửu trao đổi với phóng viên báo chí trên thửa đất 227b của gia đình ông bị thu hồi trái phép.

Ông Đinh Xuân Tửu cho hay: “Khi chúng tôi thắc mắc tiền đền bù còn thiếu, họ chỉ nói là mới đền đợt một, đợt sau sẽ đền bù thêm. Nhưng hơn 20 năm nay, số tiền đền bù đợt sau của hơn 70 hộ dân chưa thấy đâu. Chúng tôi đã nhiều lần gửi khiếu nại khác đến các cơ quan chức năng liên quan nhưng đến nay vẫn không được xử lý, giải quyết”.

Trong Quyết định số 05/QĐ-UBND,của UBND huyện Ea Súp ngày 6/1/2000 thu hồi 4 thửa đất của ông Tửu, gồm: Thửa 196,182,190 tờ bản đồ số 9 và thửa 121a. Tuy nhiên, theo ông Tửu, những thửa này đều nằm ngoài vành đai (nằm ngoài bản đồ quy hoạch 25 ha theo Quyết định 1750 của UBND tỉnh Đắk Lắk) nhưng vẫn bị thu hồi trái pháp luật. Bên cạnh đó, thửa đất 227b mà gia đình ông tự khoai hoang và được cấp sổ đỏ năm 1998, không có tranh chấp và không nằm trong Quyết định thu hồi số 05. Tuy nhiên, 11 năm sau (từ năm 2000 đến năm 2011), UBND huyện Ea Súp đã tự ý đính chính và lấy thửa đất 227b của gia đình ông để cấp tái định cư cho 3 hộ dân khác. Sau đó, 2 trong 3 hộ dân này ngang nhiên làm đơn tố cáo ngược ông Đinh Xuân Tửu đã chiếm dụng đất trái phép của họ.

Theo danh sách đền bù, tổng diện tích bị thu hồi của gia đình ông Tửu là 7.405 m2 x 180 đ/m2 = 1.320.00đ, nhưng thực tế chỉ được nhận 5.860m2 x 150đ/m2 = 897.00đ. Số tiền chênh lệch so với quyết định của UBND tỉnh Đắk Lắk là 432.00đ. Diện tích đất còn thiếu chưa đền bù là 1.545 m2. Gia đình ông bị thu hồi hơn 4ha đất gồm cả đất canh tác, lẫn đất ở nông thôn nhưng lại không được bố trí tái định cư.

Cũng có đơn tố cáo UBND huyện Ea Súp, ông Đinh Xuân Báo (trú xã Ea Rốk) cho biết, Quyết định số 05/QĐ-UBND của UBND huyện Ea Súp thu hồi đất của gia đình ông với các thửa: 56a, 185, 227a, 229a, 230a, 231a, 236a, 245a với tổng diện tích 8.565m2. Trong đó có 400m2đất ở và 8.165m2 đất nông nghiệp.

Tại Quyết định 518/2000/QĐ-UB của UBND tỉnh Đắk Lắk về kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng cho các hộ gia đình thuộc dự án, với 8 thửa đất bị thu hồi trên, gia đình ông Báo được đền bù thiệt hại gần 1,5 triệu đồng. Tuy nhiên khi chi trả, UBND huyện Ea Súp lại đưa ra một danh sách đền bù khác với diện tích không đủ như quyết định và thống kê thu hồi đất. Cụ thể, diện tích đền bù theo danh sách mới 5.985m2 đất nông nghiệp, với số tiền nhận được gần 898.000 đồng. Và như vậy, gia đình ông Báo còn hơn 2.000m2 đất chưa đền bù, nhưng không được giải quyết, thậm chí thửa đất gần 250m2được cấp tái định cư và diện tích cấp đất nông nghiệp tại khu Tháp Chàm (thôn 5, xã Ea Rốk) của gia đình ông đến nay vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định, dù đã có quyết định của UBND tỉnh.

Ngày 28/1/2010, UBND tỉnh Đắk Lắk ra Quyết định số 323/QĐ-UBND về giải quyết khiếu nại trong đó có đơn thư của ông Đinh Xuân Báo. Quyết định yêu cầu UBND huyện Ea Súp giao 8.165m2 đất nông nghiệp tại Tháp Chàm (thôn 5, xã Ea Rốk) và cấp Giấy CNQSDĐ cho hộ ông Đinh Xuân Báo. Liên quan đến sai phạm của chính quyền xã Ea Rốk trong đơn thư khiếu nại của ông Đinh Xuân Báo, quyết định cũng nêu rõ: “Tổ chức kiểm điểm ông Trần Ngọc Quang, Chủ tịch Hội đồng đền bù giải tỏa dự án Trung tâm cụm xã Ea Rốk và ông Lê Văn Khâm, Chủ tịch UBND xã Ea Rốk đã có khuyết điểm như kết luận trên để có biện pháp xử lý, giải quyết”.

Không chỉ hộ ông Đinh Xuân Tửu, ông Đinh Xuân Báo mà còn nhiều hộ dân nằm trong diện đền bù rất bức xúc với cách làm của chính quyền địa phương như hộ bà Đinh Thị Bông, hộ ông Cao Xuân Tiến, hộ ông Cao Xuân Cừu cùng trú thôn 7, xã Ea Rốk. Hàng chục năm đằng đẵng, các hộ dân luôn mong chờ các cấp chính quyền xem xét và xử lý sai phạm của các cá nhân, tập thể liên quan để đem lại quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho hơn 70 hộ dân ở xã Ea Rốk.

Thành Nam