Nhiều học giả quốc tế chỉ trích yêu sách “đường lưỡi bò” (13/06/2013)

Cuộc hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 400 học giả và quan chức chính phủ nhiều nước như Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Trung Quốc, Nhật Bản... Hội thảo diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại Biển Đông với một loạt sự cố liên tiếp xảy ra giữa các nước liên quan, trong đó có vụ tàu Trung Quốc đâm tàu cá Việt Nam. Trước những đòi hỏi về chủ quyền tại Biển Đông của Trung Quốc, đặc biệt là “đường lưỡi bò” 9 đoạn đã vấp phải làn sóng chỉ trích gay gắt từ các diễn giả. Bởi đường 9 đoạn của Trung Quốc chiếm tới 85% vùng đặc quyền kinh tế của các nước liên quan.

Các học giả tham dự hội thảo cho rằng, không nước nào được sử dụng các biện pháp ép buộc, đe dọa, đặc biệt là dùng vũ lực để thực thi tuyên bố chủ quyền. Thay vào đó, các bên cần sử dụng các biện pháp hòa bình như thương lượng ngoại giao hoặc thông qua nước trung gian thứ ba, hoặc phân xử của trọng tài quốc tế. Trung Quốc đang cố tình “đánh lận con đen”, biến những khu vực không tranh chấp thành có tranh chấp nhằm chiếm đoạt tài nguyên của nước khác như năm ngoái, Tổng công ty dầu khí hải dương quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đã mời thầu cả những lô dầu khí nằm sâu trong thềm lục địa Việt Nam.

Theo các nhà phân tích, chiến lược của Trung Quốc là sử dụng sức mạnh, thậm chí cả vũ lực ở mức thấp. Có lẽ Trung Quốc từ chối tham gia thủ tục phân xử của trọng tài quốc tế vì hiểu rõ rằng luật pháp quốc tế sẽ không ủng hộ nhiều yêu sách của nước này, đặc biệt là đòi hỏi về chủ quyền trên Biển Đông dựa trên đường 9 đoạn. Hội thảo đánh giá cao vai trò của ASEAN và hoan nghênh những tín hiệu tích cực trong quá trình khởi động đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc, coi đây là một công cụ hữu hiệu để giảm căng thẳng trong khu vực. Nhiều học giả cho rằng điểm mấu chốt là COC phải có tính ràng buộc pháp lý và cơ chế giải quyết tranh chấp.

Khai thác chung tại các vùng tranh chấp trên Biển Đông cần đi đôi với các biện pháp xây dựng lòng tin. Đây là quá trình này đòi hỏi nhiều thời gian và sự chân thành của các bên. Chúng ta cần bắt đầu xây dựng lòng tin từ những vấn đề nhỏ, rồi từ đó phát triển lòng tin chiến lược. Đây chính là những gì mà Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đề cập tại diễn đàn Đối thoại Shangri-la vừa qua. Lòng tin chiến lược nằm ở tầm quốc gia, khi chúng ta đã đủ tin tưởng vào phía bên kia. Trung Quốc đã đánh mất rất nhiều lòng tin chiến lược mà ví dụ điển hình là vấn đề bãi cạn Scarborough. Trung Quốc sẽ phải làm rất nhiều để lấy lại uy tín và xây dựng lại lòng tin chiến lược với các nước láng giềng và ASEAN.

Theo nhận định chung của các học giả, mọi biện pháp giải quyết tranh chấp trên Biển Đông chỉ thực sự có hiệu quả khi luật pháp quốc tế được tuân thủ và lòng tin trở lại với các bên liên quan.

Tuấn Minh