Nhiễm trùng đường tiết niệu ở người cao tuổi
Nhiễm trùng đường tiểu có thể do vi khuẩn xâm nhập hệ thống tiết niệu qua niệu đạo.
Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) là nhiễm trùng của bất kỳ cơ quan nào trong hệ tiết niệu, bao gồm hai thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng liên quan đến phần dưới hệ tiết niệu - bàng quang và niệu đạo. Đây là một trong những bệnh nhiễm trùng phổ biến nhất ở người cao tuổi.
Dấu hiệu nhận biết
Các triệu chứng của nhiễm trùng tiểu bao gồm: Cảm giác buồn tiểu gấp; đi tiểu thường xuyên, thậm chí có khi chỉ rặn ra được một ít nước tiểu; có cảm giác nóng rát, đau buốt hoặc khó chịu khi đi tiểu; đau tức lưng hoặc bụng dưới; nước tiểu đục hoặc có mùi bất thường; có lẫn máu trong nước tiểu; cảm giác tiểu không hết: Bàng quang không thấy trống rỗng sau khi đi tiểu; sốt hoặc rét run (dấu hiệu có thể nhiễm trùng đã lan lên thận); cảm giác mệt mỏi, run rẩy; buồn nôn, nôn.
Bên cạnh các triệu chứng UTI điển hình trên, ở người cao tuổi còn có nhiều khả năng lâm vào tình trạng lú lẫn, mê sảng hoặc thay đổi hành vi. Những thay đổi trong hành vi khi bị UTI ở người cao tuổi bao gồm: bồn chồn, lo lắng, ảo giác, chán ăn, kích động, lú lẫn hoặc giảm linh hoạt, thậm chí hôn mê. Các triệu chứng không điển hình khác có thể là bí tiểu hoặc tiểu không tự chủ, nước tiểu rỉ ra thường xuyên.
Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ
Nhiễm trùng đường tiết niệu là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nấm gây nên. Nhiều UTI xảy ra do E.coli, một loại vi khuẩn thường có trong phân và có thể xâm nhập hệ thống tiết niệu qua niệu đạo. Các vi khuẩn khác có khả năng gây ra UTI thường gặp ở người cao tuổi có ống thông tiểu hoặc đang nằm trong bệnh viện hoặc cơ sở chăm sóc như viện dưỡng lão.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ người cao tuổi mắc UTI bao gồm: Thay đổi hệ thống miễn dịch; tiếp xúc với các vi khuẩn khác nhau trong bệnh viện hoặc cơ sở chăm sóc; có sẵn các bệnh khác, chẳng hạn như tiểu không tự chủ; bị nhiễm trùng tiểu trước đây; sự thay đổi cách thức hoạt động của hệ thống tiết niệu, chẳng hạn phì đại tuyến tiền liệt ở nam giới; tình trạng đang đặt ống thông tiểu… Như thế, điều quan trọng là người thân, người chăm sóc người cao tuổi cần phải nhận thức được các yếu tố nguy cơ này và quan sát bất kỳ thay đổi nhận thức nào ở người cao tuổi để phát hiện sớm nhiễm trùng đường tiểu.
Nhiễm trùng tiểu khá phổ biến, nhưng nếu không được điều trị kịp thời, có khả năng dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Tổn thương thận: Nhiễm trùng huyết.
Có thể ngăn ngừa được UTI
Ngăn ngừa UTI là rất quan trọng đối với những người có nguy cơ mắc bệnh cao, trong đó có người cao tuổi. Các biện pháp ngăn ngừa UTI bao gồm: Uống nhiều nước; tránh cà phê và rượu; khi đi vệ sinh cần thực hiện nguyên tắc lau từ trước ra sau; kịp thời thay miếng lót hoặc đồ lót khi ướt (do tiểu không tự chủ)…
Khi bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu cần sinh cá nhân thật tốt. Vệ sinh đường sinh dục ngoài và xung quanh vùng sinh dục ngoài (nhất là NCT là phụ nữ). Nên tập thói quen uống nhiều nước nhưng nên uống vào buổi sáng và chiều, cần hạn chế uống nhiều nước trước khi đi ngủ tránh đi tiểu đêm làm ảnh hưởng đến giấc ngủ. Trước khi đi ngủ buổi tối nên nhớ đi tiểu. Mỗi lần buồn đi tiểu là phải đi tiểu ngay không được nhịn tiểu bởi vì nhịn tiểu làm cho nước tiểu ứ đọng thời gian lâu sẽ gây bội nhiễm vi khuẩn và nguy cơ sẽ làm nhiễm trùng đường tiết niệu ngược dòng. Nếu NCT bị các bệnh như sỏi đường tiết niệu (sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang…), các bệnh về tiền liệt tuyến thì cần được khám bệnh để được giải quyết càng sớm càng tốt tránh ảnh hưởng gây viêm đường tiết niệu.
Thành An