Nhảy lò cò - Trò chơi con trẻ
Các em chọn chơi trên sân xi măng hay sân gạch rộng rãi, bằng phẳng, kẻ một hình chữ nhật chiều dài khoảng 4m, rộng khoảng 1m, kẻ một đường thẳng chia đôi chiều dài và kẻ 5 đường ngang chia hình chữ nhật làm 10 ô nhỏ, ở đầu hình chữ nhật kẻ một hình bán nguyệt (điểm giữa hình bán nguyệt gọi là tâm), cuối hình chữ nhật kẻ một đường ngang cách hình chữ nhật khoảng 1m (làm vạch đứng đi cái).
Sau đó, đánh số thứ tự hàng dọc từ 1 đến 5 và tương ứng hàng dọc bên kia từ 10 đến 6 vào những ô vuông nhỏ. Mỗi em kiếm một mảnh ngói, gạch nhỏ vuông vắn vừa tay cầm. Khi bắt đầu chơi, các em đứng vào vạch đi cái. Cái của ai gần tâm nhất được đi trước. Em đi trước đứng ở vạch, ném cái vào ô 1 sao cho không chạm vạch, sau đó nhảy lò cò từ ô 10 đến hết ô 6, khi nhảy sang vòng bán nguyệt thì được nghỉ cả hai chân rồi lò cò tiếp từ ô 5 về ô 1 và lấy chân đang lò cò đá hòn cái ra phía ngoài vạch đứng ném cái hoặc cúi xuống nhặt lấy hòn cái (tuỳ theo quy định) nhưng không được thả chân kia xuống và không được chống tay, xong nhảy lò cò ra. Nếu hòn cái không ra khỏi ô, hoặc sang ô khác hoặc nằm trên vạch hoặc em đó bị ngã là mất lượt.
Lên ô 2, em đó đứng ở vạch, ném cái vào ô 2, sau đó chơi như ở ô 1. Tiếp tục lên các ô 3, 4, 5, khi sang các ô 6 đến 10 thì nhảy lò cò từ ô 1. Nhảy hết ô 10 thì được tậu ruộng, đứng ở tâm của hình bán nguyệt quay lưng lại các ô, tay cầm hòn cái ném vòng qua đầu, hòn cái rơi vào ô nào thì được tậu ruộng ở ô đó. Nếu ném lệch ra ngoài thì mất lượt. Ruộng của người nào thì người ấy được nghỉ chân khi nhảy đến đó. Nếu lần thứ hai được tậu ruộng, em đó sẽ cố ném cái vào ô liền kề ô ruộng trước để được nghỉ chân lâu hơn. Các em khác khi nhảy đến ruộng phải nhảy cách qua ô ruộng. Nếu muốn nghỉ nhờ phải nộp “cống” cho chủ ruộng (chịu một búng tai).
Trò chơi này nhằm rèn luyện cho người mới chơi kỹ năng giữ thăng bằng cơ thể, nâng cao sự khéo léo. Ngày nay, trò này vẫn được các em nhỏ vùng nông thôn, miền núi chơi.
Thu Hà