Nhật ký nơi đảo xa (19/07/2012)
Ngày 3-6…
Hải trình của tôi đã bước sang ngày thứ 5. Sau khi đi thăm đảo Đá Đông C, tôi vội cầm bút viết ngay, vì sợ sẽ làm mất đi những cảm xúc của mình. Thật khó ghi lại những thổn thức trong tim tôi; không chỉ là nước mắt, là nụ cười mà còn là niềm kính trọng. Lúc chia tay, tôi rất ấn tượng về một người lính trẻ chỉ trạc tuổi em tôi. Em tên là Lê Nhân Thánh, sinh năm 1993, quê ở Quãng Ngãi. Em tâm sự rất hồn nhiên, chân thành về gia đình, cuộc sống của em ở ngoài đảo. Lúc đó, sống mũi tôi cay sè, nghẹn ngào, tôi cố ghìm cho nước mắt khỏi trào ra. Nhìn em, nước da rám nắng, trên môi lúc nào cũng nở nụ cười, đang sống, rèn luyện và sẵn sàng chiến đấu cho biển đảo quê hương, tôi ước thời gian trôi thật chậm, để có thể được sẻ chia, được tâm sự, giao lưu với những người lính trẻ nhiều hơn. Nhưng có lẽ cuộc vui nào cũng phải nói lời chia tay. Tôi chào tạm biệt em rồi trở về trong cảm xúc lưu luyến, nghẹn ngào. Lúc bước chân tới ca nô, em chạy theo tôi, nói không nên lời, chỉ vội dúi vào tay tôi một túi ốc nhỏ. Cầm túi ốc trên tay, lòng tôi rợn buồn, tôi vội quay đi để ngăn dòng nước mắt sắp trào ra. Tôi chợt nghĩ, đôi khi có những người chỉ lướt qua cuộc đời mình nhưng đủ làm cho mình thêm trân trọng.
“Lặng yên như chơi vơi, với yêu thương nồng say như chơi vơi, nếu như đây là mơ, xin cho tôi, dừng thêm phút giây này”. Lời em hát cứ vang vọng, thổn thức trong tâm trí tôi. Tôi sẽ mãi nhớ về em, về một chiến sĩ trẻ, một người con của đất Việt. Tôi thấy mình thật may mắn, may mắn vì được tham gia chuyến hải trình đầy ý nghĩa này, được biết đến cuộc sống và công việc của người lính trẻ nơi đầu sóng ngọn gió. Tôi sẽ mãi giữ gìn những tình cảm đó trong trái tim mình.
Ngày 5-6…
Đêm nay, khung cảnh rất yên tĩnh. Sóng vẫn vỗ đều vào mạn tàu tiếp tục ru mọi người vào giấc ngủ say. Có lẽ do không quen đi biển nên tôi hay bị mất ngủ. Nằm xuống lại trằn trọc suy nghĩ về hành trình vượt biển suốt đêm, tôi lại ra boong tàu. Trăng rằm đã lên trên đỉnh đầu, bóng trăng cứ bị những cơn sóng biển xô tan rồi hợp lại tròn trĩnh; như tình cảm giữa đất liền với đảo mãi keo sơn, nguyên vẹn không gì có thể tách rời ra được. Sương đêm xuống nặng khiến tôi se lạnh. Tôi thầm hát lời bài “Nơi đảo xa” của Thế Song: “Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa. Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà. Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa, ngàn bão tố phong ba đã vượt qua vượt qua”… Bỗng một cái vỗ vai nhẹ khiến tôi giật mình. Thì ra là một chiến sĩ thủy thủ đoàn đang trực trên ca-bin. Anh tên là Mai Văn An, phụ trách thông tin vô tuyến trên tàu. Với anh, hầu hết thời gian trong cuộc đời bộ đội đều lênh đênh ngoài biển khơi. Anh vạm vỡ, rắn chắc và có giọng nói trầm ấm. Anh tâm sự: “Mỗi anh em trong thủy thủ đoàn có quê hương khác nhau, mỗi người một tính cách và có số tuổi quân khác nhau nhưng có một điểm chung là có vợ con đang ở đất liền. Đối với chúng tôi, tàu HQ-571 là nhà, biển cả là quê hương, đồng đội anh em là ruột thịt”.
Anh kể: Ngày vợ “vượt cạn” thì anh còn lênh đênh trên biển. Thời gian về phép chỉ được 5 ngày, con vừa kịp quen hơi, bén tiếng bố thì anh phải bịn rịn chia tay vợ con, khoác ba lô trở vào đơn vị thực hiện nhiệm vụ mới. Gặp và trò chuyện với anh, tôi lại càng cảm phục những thủy thủ Hải quân nhân dân Việt Nam, thấm thía bao khó khăn, gian khổ của những con người bình dị mà cao quý ấy. Anh khoe ảnh con gái với tôi, nhìn ánh mắt anh chất chứa niềm tự hào và nhớ nhung khôn xiết. Những lúc nhớ con, anh chỉ biết ngắm ảnh con mà nước mắt cứ rơi vì nhớ, vì thương con nhưng vì công việc, nhiệm vụ nên đành phải cố gắng hoàn thành để sớm được về với gia đình, ôm con gái vào trong lòng. Đó là phần thưởng hạnh phúc nhất cho nỗ lực của anh.
Lúc cả tàu đang ngủ say thì trên buồng lái, trên boong tàu, các anh vẫn hàng đêm thức để canh cho chúng tôi những giấc ngủ ngon. Cảm ơn các anh, những người chiến sĩ hải quân, những người đã lặng lẽ hi sinh hạnh phúc của bản thân cho Tổ quốc, quanh năm lênh đênh trên biển, hoàn thành tốt nhiệm vụ canh giữ chủ quyền biển đảo quê hương. Các anh sẽ luôn là biểu tượng đẹp trong lòng tôi và mọi người trong chuyến đi này.
Ngày 6-6…
Nếu như đảo Đá Tây được ví như “thành phố biển” vì sự lung linh của những chiếc tàu câu mực về đêm, rừng san hô bao xung quanh đảo… thì đảo An Bang lại được ví như một thiếu nữ xinh đẹp nằm tắm sóng biển Đông. Nhìn từ xa, điều khiến chúng tôi trầm trồ không ngớt là bãi cát vàng yên ả, mềm mại trải dài hàng cây số. Những đảo có bãi cát nhô lên giữa đại dương mênh mông, trong quần đảo Trường Sa chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Đó là các đảo Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông, An Bang, Phan Vinh, Thuyền Chài A…
Câu chuyện về bãi cát của An Bang cũng đẹp như chính sự hữu tình thiên nhiên của nó, như một chiếc đồng hồ nổi tiếng, tự động chạy vòng quanh đảo. Mỗi vòng quay kết thúc là vừa tròn một năm.
Ngày 8-6…
Tại vùng đảo Ba Kè – Nhà giàn DK1, thuộc thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, trong không khí trang nghiêm, thành kính, đoàn công tác của tỉnh đã cùng các đoàn và thành viên tàu HQ-571 tham dự Lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hi sinh tại khu vực DK1. Mọi người trong đoàn đã thắp hương, thả vòng hoa trên biển. Vòng hoa mang dòng chữ: “Đời đời nhớ ơn các anh hùng, liệt sĩ”. Hôm nay, đứng nơi biển trời lạnh vắng, chúng tôi kính cẩn nghiêng mình viếng hương hồn các anh! So với đảo, bộ đội nhà giàn lại có những khó khăn đặc trưng. Thiếu nước ngọt, thiếu rau xanh, thiếu đất… nhưng các anh lại có chung lý tưởng, có tình cảm anh em một nhà bền chặt, cùng góp sức bảo vệ quê hương.
Lần đầu đi biển, mười ngày lênh đênh trên sóng nước, dẫu có những khó khăn vì say sóng nhưng với tôi là những ngày tác nghiệp đáng nhớ. Bởi ở đảo, tôi đã gặp những con người có ý chí thép, bản lĩnh sắt đá. Họ là những anh “Bộ đội Cụ Hồ” thời bình, ngày đêm canh giữ cho bình yên của Tổ quốc. Họ hi sinh quyền lợi bản thân, hạnh phúc gia đình, ở nơi đầu sóng ngọn gió để trọn nghĩa người con đất Việt. Viết sao cho hết nỗi cơ cực, những hi sinh thầm lặng của các anh, chỉ biết cảm ơn với tấm lòng chân thành nhất của những người đất liền. Trường Sa tuy xa những không xa; đảo bây giờ đã gần đất liền bởi hàng triệu con tim đang hướng về Trường Sa. Tôi mong mình sẽ có những chuyến công tác Trường Sa nhiều hơn nữa để được hiểu, cảm nhận và nói lên tình cảm đất liền với biển đảo quê hương, để những người chiến sĩ ngoài khơi xa không còn cô đơn trong nhiệm vụ của mình mà có hậu phương vững chắc phía sau.
Ánh Tuyết