Nhật - Hàn căng thẳng, Mỹ lo ngại (15/08/2012)

Căng thẳng giữa Seoul và Tokyo quanh chủ quyền quần đảo mà Hàn Quốc gọi là Dokdo còn Nhật Bản gọi là Takeshima vẫn đang tiếp tục nóng lên từng ngày. Những diễn biến này không chỉ làm rạn nứt quan hệ Nhật-Hàn mà còn khiến Mỹ - đồng minh chung của hai nước - đứng ngồi không yên. Sóng gió bắt đầu từ sau khi Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-Bak thực hiện chuyến thăm chưa từng có tiền lệ đến một hòn đảo trong quần đảo Dokdo hôm 10-8 trong khi Nhật Bản đề nghị hủy chuyến đi này. Ngay lập tức, Nhật Bản tuyên bố “có biện pháp đáp trả” và triệu hồi Đại sứ của mình ở Hàn Quốc về nước để tham vấn cách giải quyết và triệu đại sứ Hàn Quốc đến phản đối. Tokyo thậm chí tuyên bố đang cân nhắc đưa vấn đề ra giải quyết tại Tòa án quốc tế (ICJ), động thái Hàn Quốc cho là “không cẩn trọng” và “vô lý”. Trong khi mọi chuyện chưa yên thì ngày 14-8, phát biểu trong một cuộc họp với các giáo viên bàn biện pháp ngăn chặn bạo lực học đường tại Hàn Quốc, ông Lee Myung-bak bất ngờ tuyên bố, Nhật Hoàng nên chân thành xin lỗi vì sự thống trị thực dân của nước này trên bán đảo Triều Tiên nếu ông ta muốn đến thăm Hàn Quốc. Bình luận trên được đưa ra chỉ một ngày trước lễ kỷ niệm Giải phóng Hàn Quốc khỏi ách cai trị thuộc địa của Nhật Bản (15-8) và nhiều khả năng tiếp tục làm leo thang căng thẳng hai nước. Dokdo hay Takeshima có diện tích 230.000m2, không có nước ngọt nhưng nằm trong ngư trường và có trữ lượng khí đốt lớn. Tờ báo hàng đầu Hàn Quốc Chosun Ilbo cho rằng, việc Tổng thống Lee đến Dokdo là nỗ lực lấy lại hình ảnh vốn hoen ố của mình vì những bê bối tham nhũng của người anh trai và các cộng sự. Đối với Nhật Bản, chuyến thăm hòn đảo tranh chấp cũng là một “đòn giáng nặng” dành cho chính phủ Thủ tướng Noda và đảng Dân chủ cầm quyền trong bối cảnh đảng này đang bị chỉ trích vì màn trình diễn chính trị và chính sách đối ngoại nghèo nàn. Ý thức việc những tranh chấp này sẽ làm phức tạp và chia rẽ mối quan hệ Mỹ-Nhật-Hàn vốn rất mong manh, những năm gần đây, Washington chăm chỉ vun vén cho mối quan hệ này. Khi tình hình đang căng như dây đàn, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 14-8 tiếp tục hối thúc Nhật-Hàn giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên biển thông qua đối thoại. Mặc dù Nhà Trắng khẳng định “không đưa ra quan điểm về tranh chấp lãnh thổ này", nhưng chính vị trí tồn tại hiện thời của Washington trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ này khiến cả Nhật Bản và Hàn Quốc rối bời. Washington đang đẩy mạnh chiến lược quốc phòng mới để kiềm chế thế trỗi dậy của Trung Quốc và họ không mong đợi hai đồng minh chủ chốt Tokyo và Seoul đi đến một kết cục bế tắc. Vì ngân sách quốc phòng hạn chế, Washington cần đồng minh trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương để giúp họ hất cẳng Trung Quốc tại trục Châu Á. Theo báo Asianews, kể từ những năm 1950, Washington nỗ lực giữ vững thế “kiềng ba chân” Nhật - Mỹ - Hàn nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự trên bán đảo Triều Tiên cũng như khu vực Đông Á. Hồi cuối tháng 6, cả ba hoàn thành cuộc tập trận quân sự bắn đạn thật quy mô kỷ lục. Những cuộc diễn tập hải quân ba bên như thế này không phải là mới. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Nhật Bản tham gia với tư cách là một thành viên đầy đủ. Diễn biến này cho thấy, mối quan hệ chính trị giữa Tokyo và Seoul vẫn rất bình thường song trao đổi trong các vấn đề quân sự vẫn còn đối mặt vô vàn thách thức, hầu hết xuất phát từ tâm trạng chống Nhật của người dân Hàn Quốc sau những nỗi đau về thời kỳ bị Nhật Bản chiếm đóng. Nói thế để thấy rõ, liên kết song phương giữa Seoul và Tokyo vẫn là một trong những liên minh yếu nhất trong số các mối quan hệ ba bên này bởi hai bên còn quá nhiều bất đồng chưa thể giải quyết. Và Washington lo ngại, mâu thuẫn Nhật-Hàn có thể phá vỡ thế kiềng 3 chân mà họ cố công xây dựng. Khi mối quan hệ Mỹ - Nhật – Hàn sụp đổ, tất nhiên mục tiêu Châu Á – Thái Bình Dương của họ cũng gặp nhiều khó khăn. Minh Anh (TH)