Nhát dao sau lưng
Thủ tướng Australia, Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Anh (từ trái qua phải) tuyên bố thành lập AUKUS ngày 15-9.
"Đó thực sự là một hành động đâm sau lưng. Chúng tôi đã tạo dựng mối quan hệ tin tưởng với Australia, sự tin tưởng này đã bị phản bội. Hôm nay tôi vô cùng tức giận và cay đắng. Đây không phải là việc các đồng minh làm với nhau" - Ngoại trưởng Pháp - Jean-Yves Le Drian tuyên bố sau khi bất ngờ bị Australia, Anh và Mỹ “qua mặt”.
Sự tức giận không chỉ của Ngoại trưởng Pháp mà mở rộng ra là cả Chính phủ Pháp, các tập đoàn lớn của Pháp khi không chỉ một thoả thuận chiến lược mười mươi bị “xù” bởi toàn đồng minh thân thiết. Tuyên bố bất ngờ ngày 15-9 giữa Thủ tướng Australia - Scott Morrison cùng Thủ tướng Anh - Boris Johnson và Tổng thống Mỹ - Joe Biden về việcthành lập bộ tam Australia, Anh và Mỹ (viết tắt là AUKUS)để bảo vệ và đảm bảo các lợi ích chung của 3 nước ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương khiến cả thế giới bất ngờ. Trong đó, Pháp hẳn là bên thấy bất ngờ, hụt hẫng, thậm chí “sốc” khi trong khuôn khổ AUKUS, Anh và Mỹ cam kết cung cấp cho hải quân Australia công nghệ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Do đó, Australia đã từ bỏ hợp đồng mua 12 tàu ngầm chạy bằng năng lượng thông thường trị giá 66 tỷ USD với Pháp.
Pháp sốc vì hai lý do chính: Bị đồng minh “đâm dao sau lưng” và mất đi một hợp đồng mang tính chiến lược béo bở. Từ 2014 đến 2016, Australia đã đàm phán với Pháp để mua tàu ngầm; theo đó, Australia muốn có sự tự chủ chiến lược, yêu cầu chuyển giao công nghệ rất nhiều, hợp đồng kéo dài tới 50 năm. Cuối cùng Pháp đã giành được "hợp đồng thế kỷ" trị giá hơn 43 tỷ USD để đóng 12 tàu ngầm cho Australia. Năm 2019, hai bên đã ký thêm thỏa thuận khung, quan hệ đối tác để thúc đẩy nhanh nhất để chiếc tàu ngầm đầu tiên dự kiến sẽ được giao vào khoảng năm 2023.
Sự giận dữ được Pháp thể hiện ra mặt. Bên cạnh những phát ngôn của các quan chức, Pháp cũng ngay lập tức triệu hồi Đại sứ ở Mỹ và Australia về nước, từ chối đề nghị gặp gỡ của Bộ trưởng Thương mại Australia vào tháng 10-2021… Nhưng liệu sự giận dữ cùng những hành động của Pháp có thay đổi được “sự đã rồi”? Câu trả lời là không. Chính Pháp sẽ phải cùng hàn gắn lại mối quan hệ với Mỹ, Anh và Australia bởi còn nhiều quan hệ đan xen không thể bỏ.
Quả vậy, trong cuộc điện đàm ngày 23-9, Tổng thống Pháp và Mỹ đã nhất trí giảm căng thẳng và cam kết thực thi tiến trình "tham vấn sâu rộng... nhằm đảm bảo sự tin cậy", đưa ra những đề xuất cụ thể hướng tới các mục tiêu chung. Bên cạnh đó, hai bên cũng nhất trí gặp nhau tại châu Âu vào cuối tháng 10 tới để "đạt được hiểu biết chung và duy trì động lực của tiến trình này" nhằm khôi phục lòng tin.
Còn với Anh, hôm 24-9, Thủ tướng Anh - Boris Johnson đã điện đàm với Tổng thống Pháp - Emmanuel Macron chỉ vài ngày sau khi nhà lãnh đạo Anh cho rằng Pháp nên ngừng gây sức ép với các đồng minh Mỹ và Australia liên quan đến tranh cãi về thỏa thuận an ninh ba bên AUKUS. Đáp lại, ông Macron nói rằng ông sẽ chờ xem các đề xuất của Thủ tướng Anh. Với Mỹ, Anh thì Pháp đã “xuống thang” nhưng với Australia, Pháp tỏ ra cứng rắn hơn khi thẳng thừng bác bỏ các đề xuất gặp gỡ, đối thoại kể cả từ lãnh đạo cấp cao nhất của Australia.
Liên minh AUKUS và “nhát dao đâm sau lưng” vào nước Pháp là ví dụ sinh động nhất của thế giới hiện nay khi đồng minh này sẵn sàng “đi đêm với nhau” để “qua mặt” một đồng minh chiến lược khác. Mô hình liên minh, liên kết để chia sẻ lợi ích vốn đã chứng tỏ thành công, nhưng qua AUKUS có thể thấy rõ lợi ích quốc gia còn quan trọng hơn nhiều khi đồng minh chiến lược còn bị bán đứng.
Thanh Huyền