Nhật Bản hiên ngang vào vòng 16 đội, đương kim vô địch bị phế ngôi (25/06/2010)

Trong trận đấu cuối cùng của vòng bảng, Italy ra quân với quyết tâm phải thắng Slovkia để tự quyết định số phận. Đây có lẽ cũng là niềm tin chung của các thành viên khác trong tuyển Italy cũng như hàng triệu tifosi trên khắp hành tinh. Niềm tin ấy không hề vô căn cứ, bởi lịch sử từng ghi nhận Italy đã hơn một lần vượt qua những tình thế nghặt nghèo tương tự.

Nhưng thực tế trên sân Ellis Park cho thấy Italy chỉ thể hiện được tinh thần quật khởi ấy trong khoảng 30 phút cuối trận. Đó là thời gian mà các học trò của Lippi đá với sức mạnh lạ thường, làm tái hiện hình ảnh về đội bóng chơi tấn công tổng lực với tốc độ như điện xẹt từng đánh bại chủ nhà Đức ở bán kết World Cup 2006 - trận hay nhất của họ ở giải năm ấy. Hai bàn thắng đã được ghi, một bàn thắng bị từ chối vì lỗi việt vị, một cú sút bị phá trên vạch vôi và không dưới 3 tình huống khác có thể dẫn tới bàn thắng. Nhưng sự vùng dậy ấy là quá muộn và không đủ giúp Italy đảo ngược tình thế, sửa chửa những sai sót một cách có hệ thống ở hàng thủ yếu kém khiến họ bị dẫn bàn từ hiệp đầu và thủng lưới thêm hai lần trong gần 20 phút cuối.

Thua trận 2-3, thầy trò Lippi xếp chót bảng và bị loại. Kết cục đen tối - đội nhà bị phế truất khỏi ngai vàng- mà một bộ phận dư luận Italy hình dung ra từ trước khi World Cup khởi tranh đã thành hiện thực. Sau Pháp, nhà Á quân năm 2006, Italy trở thành ông lớn thứ hai sớm bị loại khỏi ngày hội bóng đá trên đất Nam Phi, và đi vào vết xe đổ của chính người láng giềng châu Âu này năm 2002 - ĐKVĐ bị bật bãi ngay sau giai đoạn đấu bảng của kỳ World Cup kế tiếp. Hình ảnh về một "binh đoàn thiên thanh" hào hùng quen thuộc cũng bị chính họ làm hoen ố, bởi đây là lần đầu tiên kể từ năm 1974, Italy phải chứng kiến giấc mơ World Cup của họ bị bóp nghẹt khi cuộc chơi còn chưa bước sang giai đoạn hai.

Đớn đau, ê chề và tủi hổ. Khi tiếng còi tan trận vang lên, HLV Lippi cúi gằm mặt, bước vội vào đường hầm như muốn tránh ống kính truyền hình. Ngoài sân, hai học trò của ông, Quagliarella và Di Natale, cũng như nhiều tifosi khác có mặt tại Ellis Park chẳng kìm nổi những giọt nước mắt cay đắng và tiếc nuối. Những cầu thủ Italy còn lại rời sân với gương mặt thất thần và đôi chân nặng trĩu. Ngược lại, vẻ phấn khích, nụ cười rạng rỡ hiện rõ trên nét mặt từng thành viên tuyển Slovakia cũng như đám đông CĐV của họ. Ngay lần đầu tiên dự World Cup, đội bóng non trẻ thuộc Liên bang Tiệp Khắc cũ đã lập nên chiến công chói lọi bằng cách đánh bại , truất ngôi nhà ĐKVĐ để giành quyền đi tiếp. Chưa cần biết tương lai nào chờ đợi ở vòng hai, nơi họ nhiều khả năng sẽ gặp ứng cử viên vô địch Hà Lan, Slovakia vẫn xứng đáng với tất cả lời khen ngợi vì những gì họ đã thể hiện.

Còn trong trận đấu ở bảng E, chỉ cần một trận hòa là đủ vượt qua vòng bảng, nhưng ông lớn của bóng đá châu Á còn làm được nhiều hơn thế bằng chiến thắng đáng nể phục 3-1 trước Đan Mạch tối qua.

Trước khi dự giải năm nay Nhật Bản chịu nhiều sức ép (toàn thua trong một loạt trận giao hữu). Nhưng đội bóng của HLV Takeshi Okada bỗng như lột xác hoàn toàn, mà khởi đầu là trận ra quân đánh bại Cameroon 1-0. Trận gặp Hà Lan để thua 0-1, nhưng họ kịp thể hiện ấn tượng tích cực bằng lối chơi kiên cường và hợp lý. Bước vào trận đấu tối qua, mục tiêu cần thiết với Nhật Bản là một trận hòa để đủ điều kiện đi tiếp. Trong khi đó Đan Mạch buộc phải thắng do mới chỉ có ba điểm.

Về chiến thắng 3-1 của Nhật Bản, cho rằng đó là một cú sốc cũng đúng mà xem đó như một kết quả đương nhiên cũng không sai. Sốc vì so với tên tuổi rõ ràng đội bóng đến từ châu Á còn kém xa và không được đề cao như "Những chú lính chì" Đan Mạch. Xem là đương nhiên bởi những gì diễn ra tối qua - hoặc rộng hơn là trong suốt hành trình vòng bảng - cho thấy Nhật Bản hoàn toàn xứng đáng góp mặt ở vòng 16 đội.

Trận đấu tối qua họ đã phát huy tối ưu những điểm mạnh của bản thân để tạo nên thế trận nhu cương hợp lý, hiệu quả trong phòng ngự và tấn công. Hai pha sút phạt hàng rào hảo hạng của Keisuke Honda và Yasuhito Endo sớm đưa đội tuyển xứ hoa anh đào vượt lên dẫn trước - tạo điều kiện cho một thế trận đủ chặt chẽ để bóp nghẹt ý chí phản kháng cũng như khả năng của cầu thủ Đan Mạch. Cuối hiệp hai Jon Dahl Tomasson ghi bàn rút ngắn xuống 1-2 nhưng hy vọng vừa kịp le lói đã nhanh chóng bị dập tắt. Chỉ vài phút sau đó cầu thủ vào sân thay người Shinji Okazaki ấn định chiến thắng 3-1 cho Nhật Bản.

Với sáu điểm sau ba trận đội bóng châu Á chỉ chịu xếp sau ông lớn Hà Lan ở bảng E. Thách thức tiếp theo của họ sẽ là Paraguay - đội đứng đầu bảng F.

Quỳnh Anh (TH)