Nhật Bản cải tổ nội các: "Canh bạc" mạo hiểm (09/08/2012)

Với bước đi được cho là cần thiết này, Thủ tướng Y. Noda hy vọng sẽ được LDP ủng hộ nhiều hơn trong bối cảnh các đảng phái đối lập ở Nhật Bản không ngừng chỉ trích quyết định cải tổ nội các được đưa ra quá muộn. Cuộc "đại phẫu" lần này diễn ra chỉ một ngày sau khi Thủ tướng Y.Noda không thuyết phục được cựu Chủ tịch đảng Dân chủ (DPJ) cầm quyền Ichiro Ozawa - người đứng đầu phái lớn nhất trong DPJ với hơn 100 nghị sĩ ủng hộ kế hoạch tăng thuế tiêu dùng đang gây nhiều tranh cãi trên chính trường Nhật Bản. Với việc chiếm đa số tại Hạ viện gồm 480 ghế, số phận của dự luật tăng thuế tiêu dùng dường như đang nằm trong tay của DPJ. Tuy nhiên, điều đó cũng chưa có gì chắc chắn bởi dự luật này có nguy cơ bị phủ quyết nếu hầu hết các nghị sĩ trong phái của ông I.Ozawa bỏ phiếu chống, ngược lại nếu được LDP đối lập ủng hộ, dự luật có thể vẫn sẽ được thông qua. Trong số 5 gương mặt mới của nội các 18 thành viên vừa được Thủ tướng Y.Noda bổ nhiệm, đáng chú ý là tân Bộ trưởng Quốc phòng Satoshi Morimoto. Ông S.Morimoto hiện là giáo sư đại học và được coi là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực an ninh. Nhưng, đây là lần đầu tiên ở xứ Mặt trời mọc người đứng đầu Bộ Quốc phòng không phải là một chính trị gia. Vì thế, quyết định bổ nhiệm ông S.Morimoto đã có nhiều ý kiến phản đối cả từ các đảng đối lập lẫn trong nội bộ DPJ cầm quyền. Cuộc cải tổ nội các lần thứ hai liên tiếp này được các chuyên gia phân tích nhìn nhận như một bước nhượng bộ quan trọng trước phe đối lập của Thủ tướng Y.Noda. Bởi cựu Bộ trưởng Quốc phòng Naoki Tanaka và cựu Bộ trưởng Giao thông Takeshi Maeda đều đã bị Thượng viện do phe đối lập kiểm soát thông qua nghị quyết khiển trách với những lý do khác nhau. Cùng với đó, hai vị trí khác cũng bị thay đổi trong cuộc cải tổ này là cựu Bộ trưởng Nông lâm ngư nghiệp Michihiko Kano và cựu Bộ trưởng Tư pháp Toshio Ogawa - "đối tượng" bị các đảng đối lập chỉ trích. Thủ tướng Y.Noda quyết định thay đổi cả hai vị trí này nhằm tránh không để phe đối lập sử dụng lá bài khiển trách của Thượng viện để thêm một lần nữa gây áp lực lên nội các. Với đề xuất của DPJ cầm quyền, cuối tháng ba vừa qua Nội các của Thủ tướng Y.Noda đã trình Hạ viện một số dự luật, trong đó có Dự luật về tăng thuế tiêu dùng. Theo đó, thuế tiêu dùng sẽ tăng gấp đôi với hai giai đoạn, lên 8% vào tháng 4-2014 và 10% vào tháng 10-2015 để bù đắp cho khoản an sinh xã hội đang đà phi mã trong một xã hội đang già hóa tại Nhật Bản. Đây là vấn đề khá nhạy cảm mà những người tiền nhiệm thường né tránh và đề xuất của DPJ thậm chí còn đi ngược lại cam kết khi lên cầm quyền của Thủ tướng Y.Noda là tăng cường các chính sách an sinh xã hội. Song, trong bối cảnh nền kinh tế xứ Phù Tang đang gặp không ít thách thức khi núi nợ công đã cao gấp đôi so với quy mô nền kinh tế 5.000 tỷ USD, Dự luật tăng thuế tiêu dùng được xem như giải pháp duy nhất với nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào thời điểm này. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, Thủ tướng Y.Noda với cuộc cải tổ nội các mới xem ra đã quyết đặt cược sinh mệnh chính trị của ông vào một dự luật trước khi Quốc hội Nhật Bản kết thúc kỳ họp vào ngày 21-6 tới. Cuộc cải tổ nội các vừa diễn ra được giới nghiên cứu chính trị Nhật Bản đánh giá như một "canh bạc" mạo hiểm cuối cùng của Thủ tướng Y.Noda. Bằng bất cứ giá nào trước khi kỳ họp của Quốc hội kết thúc, Thủ tướng Y.Noda cũng phải thuyết phục được phe đối lập đồng ý với Dự luật tăng thuế tiêu dùng quan trọng này. Trong bối cảnh nội bộ DPJ cầm quyền vẫn còn không ít ý kiến trái ngược về dự luật, việc thông qua dự thảo luật được dự báo là hết sức khó khăn. Tuy nhiên, hy vọng đã lóe lên khi chưa đầy 48 tiếng sau quyết định cải tổ nội các của Thủ tướng Y.Noda, tỷ lệ ủng hộ của công chúng Nhật Bản với nội các mới đã trở lại mức 32%, tăng 4% so với tháng trước. Hải Anh (TH)