NhânNgày Gia đình Việt Nam (28-6): Bạo lực gia đình từ góc nhìn văn hóa
Ngày 28-6 là dịp tôn vinh các gia đình Việt Nam.
Gần đây, trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội đưa không ítcác vụ bạo lực gia đình, nhưng phần lớn là người chồng bạo hành đối với vợ, con. Nhiều vụ để lại hậu quả rất thương tâm, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Có nhiều nguyên nhân của vấn nạn trên, như do ghen tuông tình ái; do khó khăn về kinh tế đời sống; do nghiện ngập rượu chè, cờ bạc; thói quen, lối sống buông thả… Nhưng đều bắt nguồn từ nguyên nhân sâu xa là tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” còn rơi rớt lại từ chế độ phong kiến, mặc dù hiện nay đã được Nhà nước ta tuyên truyền vận động, đấu tranh ngăn chặn và điều chỉnh hành vi bằng các quy định của pháp luật, nhưng vẫn còn tồn tại trong đời sống của người Việt.
Trọng nam khinh nữ là vấn đề cũng có tính toàn cầu. Các nghiên cứu về đời sống của người phụ nữ theo đạo Hồi đều khẳng định: "Phụ nữ phải mặc che kín hoàn toàn, không được để lộ một phần nào của thân thể trước mặt bất cứ người đàn ông nào bao gồm cả mặt và tay… và: Đàn ông có quyền đối với đàn bà vì Thượng đế đã sinh ra đàn ông cao quý hơn đàn bà…; rồi: “Đàn ông có quyền lấy nhiều vợ, nhưng đàn bà chỉ được lấy một chồng"…
Truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam trong quan hệ giữa người với người là: “Thương người như thể thương thân”; là “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Từ mối quan hệ có tính phổ quát đó, các mối quan hệ vợ - chồng; cha mẹ - con cái đều thể hiện được tình yêu thương, chia sẻ, đùm bọc giúp đỡ nhau trong các hoàn cảnh đói no, vận hạn, giặc giã. Truyền thống đó được lưu truyền trong kho tàng truyện cổ tích mà nổi bật là các truyện: Sự tích quả dưa hấu, truyện Trương Viên, Phạm Tải Ngọc Hoa, Tống Trân Cúc Hoa… Qua đó nói lên tình cảm vợ chồng là nghĩa "tao khang"; là thủy chung, không “tham vàng bỏ ngãi”. Truyền thống đó còn được lưu truyền trong nhân dân thông qua ca dao, đồng dao như: “Anh em cốt nhục đồng bào/ Vợ chồng là nghĩa lẽ nào chẳng thương”, “Vợ chồng là nghĩa phu thê/ Tay ấp má kề, sinh tử có nhau”, hoặc: “Đói no một vợ một chồng/ Chia niêu sẻ đấu đau lòng nát gan”…
Để góp phần tích cực vào việc phòng chống có hiệu quả tệ nạn bạo lực gia đình, cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và nhân dân chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước: Về bình đẳng giới; về hôn nhân và gia đình; trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong phòng chống bạo lực gia đình. Đặc biệt là tuyên truyền về truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam gắn với tuyên truyền các Công ước Quốc tế về Quyền con người mà trọng tâm là Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ.
Chỉ đạo đưa nội dung phòng chống bạo lực gia đình vào hương ước, quy ước thôn làng, đồng thời nêu cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện.
Các Hội đoàn thể phải đẩy mạnh tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên tích cực đấu tranh chống các hành vi bạo lực gia đình. Xây dựng gia đình văn hóa. Gương mẫu thực hiện cuộc vận động “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền". Vận động chị em phụ nữ bị bạo hành dựa vào pháp luật và tổ chức Hội, mạnh dạn đấu tranh bảo vệ mình, chống tư tưởng trông chờ, cam chịu như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị cán bộ thảo luận dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình ngày 10-10-1959: "Về phần mình, chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh".
Nhân Ngày gia đình Việt Nam (28-6), thiết nghĩ các Cấp ủy Đảng, chính quyền, Hội đoàn thể cùng với việc tổ chức các hoạt động tôn vinh những giá trị tốt đẹp của gia đình, đồng thời gắn với tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình, góp phần xây dựng gia đình trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam thật sự văn minh hạnh phúc.
Nguyễn Văn Hán
CCB T.P Thái Bình