Nhận thức đúng quyền tự do ngôn luận

Dựa trên internet, MXH, chỉ cần với một máy vi tính (computer), điện thoại thông minh (smartphone) người ta có thể tra cứu thông tin trên mạng Google và trao đổi trên mạng yahoo ở bất cứ ở đâu về mọi chủ đề mà người ta quan tâm. Đây là một điều kiện, một cơ hội cho sự phát triển của nền văn minh nhân loại.
Thế nhưng, trong bối cảnh khoa học - kỹ thuật ngày nay, nhân loại lại đứng trước nhiều thách thức. Mà thách thức nhất, chính là việc đánh giá tính chân thực của thông tin. Trên internet, MXH, nhiều kẻ xấu tung tin vì những mục đích xấu độc - từ việc đưa tin giật gân - câu view, câu like, phát tán thông tin về đời tư khiến cho tình yêu tan vỡ, vợ chồng ly tán, thậm chí có người đã tìm đến cái chết thương tâm… Ví dụ như ở nước ta, vừa qua đã xảy ra vụ việc đau lòng - một nữ sinh đã tự tử sau khi bị kẻ xấu tung clip “hôn bạn trai” trên mạng… Đáng tiếc là trong thực tế lại không phải như thế.
Ngay trên lĩnh vực an ninh quốc gia, thời gian qua, Tòa án nhân dân (TAND) ở nhiều tỉnh, thành phố nước ta đã phải đưa ra xét xử nhiều vụ án về tội lợi dụng quyền tự do ngôn luận để tuyên truyền chống Nhà nước với những bản án nghiêm khắc.
Có thể nói tất cả các bị cáo đều lợi dụng internet, MXH để xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; xuyên tạc lịch sử cách mạng Việt Nam; bôi nhọ chính quyền các cấp…, kêu gọi người dân biểu tình, gây rối…; nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lật đổ Nhà nước ta. Chẳng hạn, ngày 16-8-2018, TAND tỉnh Nghệ An xét xử sơ thẩm bị cáo Lê Đình Lượng về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Lượng đã lập tài khoản trên Facebook để tán phát thông tin, clip có nội dung chống phá Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, kích động tuần hành, biểu tình, gây rối an ninh trật tự; Lượng đã phải cúi đầu nhận tội. Trước đó là vụ Trần Thị Nga (Hà Nam), Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Đà Nẵng) cũng có hành vi tương tự.
Gần đây nhất, ngày 19-9-2018, TAND tỉnh Hòa Bình xét xử bị cáo Đào Quang Thực về tội danh “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Đào Quang Thực đã sử dụng 2 tài khoản Facebook và hộp thư điện tử để liên lạc, móc nối với các đối tượng phản động trong và ngoài nước; đồng thời, đăng tải nhiều bài viết và bài “chia sẻ”, bình luận có nội dung phản động trên mạng...
Các thế lực thù địch ở nước ngoài cũng đã sớm lợi dụng internet, MXH để đưa thông tin can thiệp, chống phá chế độ xã hội, Nhà nước ta. Điển hình là hằng năm Hoa Kỳ công bố hai bản “phúc trình” thường niên về tình hình Quyền con người và tình hình tôn giáo trên thế giới phát tán trên Web của Bộ Ngoại giao, Sứ quán Hoa Kỳ, tiếp đến là trên các cơ quan báo chí, hãng thông tấn phương Tây, như BBC, RFA, VOA, RFI phát tán.
Gần đây, trong dịp Quốc hội nước ta thảo luận về Dự án Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng, nhiều trang mạng phương Tây đã kích động biểu tình - gây rối (ngày 10, 11 tháng 6-2018) với cái cớ là phản đối “Luật Đặc khu”, “Luật An ninh mạng”. Ngày 12-7-2018, 17 nghị sĩ cực hữu Hoa Kỳ (nhóm Vietnam Caucus) còn soạn thảo văn bản, “kêu gọi” các các lãnh đạo công ty Facebook và Google không chuyển văn phòng lưu trữ dữ liệu cá nhân người dùng ở nước ngoài về Việt Nam…
Tự do ngôn luận trên các môi trường (báo in, internet, MXH) là một quyền con người. Quyền này đã được Nhà nước ta tôn trọng và đã được quy định trong Hiến pháp 2013. Điều 25 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Điều 9, Luật Báo chí, 2016 quy định nghiêm cấm các hành vi: “Đăng, phát thông tin chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam như xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền nhân dân; bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; gây chiến tranh tâm lý; gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân…”.
Như vậy có thể nói, pháp luật Nhà nước ta đã có khung pháp lý bảo vệ quyền tự do ngôn luận, báo chí đầy đủ. Trong thời đại internet, MXH, cần nhận thức đúng quyền đi đôi với nghĩa vụ nhằm bảo vệ sự bình yên cho xã hội, đây là điều kiện bảo đảm hạnh phúc cá nhân, gia đình của tất cả mọi người. Sự ngộ nhận về quyền tự do này có thể dẫn đến tù tội.
T.S Cao Đức Thái