Nhân tháng hành động vì trẻ em (5-6): Cần tôn trọng bản quyền bài hát thiếu nhi
Ngày 21-4-2015 và những ngày sau đó, trên Đài Truyền hình Việt Nam, trong chương trình quảng cáo, thỉnh thoảng lại xuất hiện đoạn quảng cáo sản phẩm 3G của Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) với lời nhại bài hát thiếu nhi “Trái đất này là của chúng mình”nổi tiếng của Trương Quang Lục (nhạc) và Định Hải (lời thơ). Các câu quảng bá 3G: “Đất nước này là của chúng minh/ Từ núi cao cho tới đảo xa/ Hòa niềm vui với 3G kết nối…” nhại theo lời bài hát: “Trái đất này là của chúng mình/ Quả bóng xanh bay giữa trời xanh/ Bồ câu ơi, tiếng chim gù thương mến…”, lời nhại theo giai điệu đến hết bài hát.Việc một người nhại bài hát nào đó, tự hát hoặc hát vui trong nhóm bạn bè là chuyện bình thường, nhưng khi việc nhại đó được đưa lên phương tiện thông tin đại chúng, thì có vấn đề về bản quyền tác giả.
Cần nói thêm, bài hát “Trái đất này là của chúng mình” của đồng tác giả Trương Quang Lục và Đinh Hải được bình chọn là một trong 50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ 20 trong cuộc bình chọn do Báo Thiếu niên tiền phong, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và Hội Nhạc sĩ Việt Nam, phối hợp tổ chức, năm 1999. Đặc san Báo TNTP ra sau cuộc thi đã gọi 50 bài hát này là “50 hạt ngọc”, những hạt ngọc ca từ và âm thanh. Lời ca do các nhà văn, nhà thơ như Định Hải, Tạ Hữu Yên, Trần Đăng Khoa, Phong Thu, Viễn Phương, Minh Chính, Nguyễn Minh Nguyên,Phùng Ngọc Hùng… chắt lọc sáng tác với bao tâm huyết được các nhạc sĩ phổ nhạc đã chắp cánh cho các bài hát đó thăng hoa. Vì thế, việc nhại những ca từ trong sáng đó,với mục đích thương mại, là điều không nên.
Vậy, vấn đề bản quyền tác giả ở đây thế nào? Theo luật sư Nguyễn Văn Viễn-Viện trưởng Viện Sở hữu trí tuệ, TP. Hồ Chí Minh,về việc đặt lại lời bài hát, có hai trường hợp: Một là trong luật có quyền tự do biểu hiện, tức có thể sử dụng bài hát nào đó hát nghêu ngao thành lời của mình, chỉ trong phạm vị riêng tư cho mình và một nhóm bạn quen biết gần gũi,với điều kiện là không được truyền bá,in thành sách hay phát tán thành tài liệu. Trường hợp thứ hai, nếu đã in thành sách hay phát hành rộng rãi thì dù là bản chép tay mà không xin phép tác giả viết nhạc, cũng là vi phạm bản quyền” (theo Website hoalinhthoại.com). Được hỏi có ai hay tổ chức nào xin ý kiến ông về việc này hay không,nhà thơ Định Hải trả lời tôi: “Không, không có ai!”. Như vậy, việc nhái lời bài hát thiếu nhi trên đây của Viettel, là vi phạm bản quyền tác giả. Cách đây hơn 10 năm, nhà thơ Nguyễn Minh Nguyên đã từng tự bảo vệ bản quyền tác giả của mình liên quan đến bài hát “Dàn đồng ca mùa hạ”, một trong “50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ XX” vừa nhắc ở trên. Ông là đồng tác giả (tác giả phần lời) với nhạc sĩ Lê Minh Châu. Khi đó, các đài phát thanh, truyền hình, mỗi lần giới thiệu bài hát này đều không hề nhắc đến tên ông. Ông đã có ý kiến với các báo, đài và ông đã được trả lại bản quyền. Vì, đơn giản: Nếu không có bài thơ “Dàn đồng ca mùa hạ” của nhà thơ Nguyễn Minh Nguyên thì không có bài hát mang tên bài thơ này.
Các cụ nhà ta có câu: “Chửi cha người ta không bằng pha tiếng”. Theo các cụ, “nhại tiếng” là điều tối kỵ, nên tránh. Tôi nghĩ, việc nhại lời bài hát thiếu nhi như bài “Trái đất này là của chúng mình” cũng là một cách “pha tiếng” không văn hóa, là điều người lớn nên tránh, thể hiện sự tôn trọng bản quyền tác giả, tôn trọng chính con em chúng ta.
Anh Đông