Nhân tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam 2023: Thu hẹp “khoảng trống chính sách” đối với người cao tuổi
Các y, bác sĩ Làng Hữu Nghị Việt Nam phối hợp với Trung tâm y tế các Nhà máy Z113, Z129 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Bộ Quốc phòng) khám bệnh, cấp thuốc cho người cao tuổi xã Bình Yên (Sơn Dương, Tuyên Quang).
Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm gần 12% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%.
Chung xu hướng già hóa dân số thế giới, dân số Việt Nam tăng hơn gấp đôi sau 48 năm đất nước thống nhất, từ 47 lên 100 triệu vào tháng 4-2023. Theo thống kê, hiện cả nước có 16,1 triệu người cao tuổi.
Năm 2009, chỉ số già hóa 35,5; năm 2014 chỉ số già hóa 43,3; năm 2015 chỉ số già hóa 47,1; năm 2016 chỉ số già hóa 50,1; năm 2017 chỉ số già hóa 53,4; năm 2018 chỉ số già hóa 56,9; năm 2019 chỉ số già hóa 48,8; năm 2020 chỉ số già hóa 51,0; năm 2021 chỉ số già hóa 53,1. Với tốc độ già hóa dân số như hiện nay, Việt Nam sẽ nằm trong tốp 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới.
Bộ LĐTBXH đánh giá: Công tác người cao tuổi vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và khó khăn, vướng mắc. Nhiều người cao tuổi còn có hoàn cảnh khó khăn. Có 5% người cao tuổi (tương đương hơn 800.000 người) chưa có bảo hiểm y tế theo quy định, nhiều người cao tuổi còn đang sống trong nhà tạm, dột nát… mức trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi thấp, chỉ bằng 24% chuẩn nghèo nông thôn giai đoạn 2021 - 2025.
Tổng số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH (BHXH) hằng tháng, trợ cấp hưu trí xã hội là hơn 5,1 triệu người, chiếm khoảng 35% tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu. Số người cao tuổi không có lương hưu và trợ cấp BHXH chiếm 65% đang là khoảng trống về an sinh xã hội. Việt Nam xác định đến năm 2030, phấn đấu khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.
Vừa qua, Dự thảo Luật BHXH đã bổ sung nội dung về trợ cấp hưu trí xã hội. Trong đó có điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của Ngân sách nhà nước từng thời kỳ. Dự thảo mới nhất Chính phủ trình Quốc hội đã đề nghị giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi sẽ giúp mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thêm khoảng 800.000 đến 1 triệu người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm y tế. Người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu có thời gian đóng BHXH (bao gồm cả bắt buộc và tự nguyện) mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng) và cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi) thì được lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng BHXH của người lao động; đồng thời trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thì được hưởng BHYT do Ngân sách nhà nước bảo đảm.
Như vậy, người lao động có thời gian đóng BHXH là 5 năm với mức tiền lương tháng đóng bình quân như hiện nay, nếu người lao động không hưởng BHXH một lần mà lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng thì có thể được hưởng trợ cấp hằng tháng (với mức thấp nhất bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội) ngay từ khi đủ tuổi nghỉ hưu thay vì phải chờ đến 75 tuổi.
Hiện nay, các dịch vụ trợ giúp xã hội, chăm sóc y tế, văn hóa, rèn luyện thể chất, chăm sóc xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu đối với người cao tuổi, đặc biệt tại các thành phố lớn, nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; nguồn lực thực hiện công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi tại một số địa phương còn khó khăn.
Trong Tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam năm 2023, BHXH Việt Nam yêu cầu toàn ngành truyền thông sâu, rộng về ý nghĩa, giá trị của việc hưởng lương hưu hằng tháng đối với người cao tuổi. Nội dung truyền thông tập trung lấy các trường hợp người cao tuổi sống an nhàn nhờ có lương hưu, có thẻ bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe, giúp người dân hiểu rõ, qua đó, chủ động tích lũy an sinh cho tuổi già bằng cách tham gia BHXH khi còn độ tuổi lao động…
Ở cấp cơ sở, BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố chủ động tham mưu HĐND, UBND tỉnh, thành phố có chính sách hỗ trợ người cao tuổi tham gia bảo hiểm y tế từ nguồn ngân sách địa phương; đồng thời, huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ trao tặng thẻ bảo hiểm y tế cho người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn.
Xây dựng các chính sách và chương trình ứng phó với vấn đề già hóa dân số có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ tác động tới cá nhân người cao tuổi và gia đình họ, mà còn có tác động tới toàn xã hội và để cụ thể hóa chủ trương Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng: “Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, học tập của người cao tuổi trong xã hội, cộng đồng và gia đình. Tiếp tục xây dựng gia đình kiểu mẫu “ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau”.
Hồ Thanh Hương