Nhân Ngày Thế giới phòng chống bom mìn (4-4): Bình Định đang lành “vết thương” sâu
Bộ đội Công binh Bình Định dò tìm bom mìn.
Theo thống kê của Bộ CHQS tỉnh Bình Định, từ năm 1965 đến 1975, quân đội Mỹ đã ném xuống nơi đây 392.168 quả bom mìn vật nổ, tương đương 251.478 tấn. Trong đó có nhiều nhất là trên 2.272,3 tấn đạn súng máy, gần 45.255 tấn bom bi, gần 168.323,6 tấn bom thông thường, trên 30.736,8 tấn bom đạn cháy, trên 1.486,6 tấn mìn và trên 3.099,5 tấn rốc két... Tỷ lệ bom mìn chưa nổ, còn sót lại sau chiến tranh khoảng trên 25.000 tấn. Đây chính là những “vết thương” sâu, rình rập mạng sống của con người, ảnh hưởng quá trình phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.
Từ tháng 4-1975 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 627 vụ tai nạn về bom mìn, làm chết 1.045 người và có 3.049 người bị thương tích, tàn tật suốt đời. Trong số này đa phần thương vong do nông dân khai hoang, vỡ đẩt sản xuất và trồng trọt, làm đường giao thông, khơi mương nội đồng với 361 vụ; mua bán, thu gom phế liệu, cưa đục bom đạn 216 vụ; đau thương hơn cả là trẻ em thiếu hiểu biết, tò mò, đùa nghịch 50 vụ. Trong hai năm 2012 và 2013, Bộ CHQS phối hợp điều tra, khảo sát, lập bản đồ ô nhiễm bom mìn tại 159/159 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Kết quả cho thấy, diện tích bị ô nhiễm bom mìn, vật liệu nổ cần được rà phá khoảng 246.843ha, chiếm 40,96% diện tích tự nhiên. Trong đó nhiều hơn cả là các huyện Hoài Nhơn 124 vị trí, Phù Cát 117 vị trí, Phù Mỹ 112 vị trí, Sơn Tây 109 vị trí, Hoài An 106 vị trí, T.P Quy Nhơn 104 vị trí, thị xã An Nhơn 71 vị trí...
Đại đội Công binh của Bộ CHQS được thành lập từ những năm tháng chống Mỹ cứu nước, lập nhiều thành tích vẻ vang; được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân năm 1978, cùng nhiều Bằng khen của Bộ Quốc phòng và Quân khu 5. Đây là lực lượng nòng cốt trong thực hiện các nhiệm vụ xây dựng công trình chiến đấu, phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn; nhiệm vụ quan trọng tích cực rà phá bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, giải phóng đất đai. Từ sau ngày 30-4-1975 đến hết năm 1977, Đại đội Công binh đã phối hợp dò gỡ trên 200 bãi mìn và các khu vực bị ô nhiễm bom mìn nặng, giải phóng 815ha đất đai đưa vào sản xuất, xây dựng; thu gom và xử lý 84.754 bom mìn, vật nổ các loại. Từ năm 1978 đến năm 2016, tỉnh tiếp tục dò tìm, xử lý được trên 8.000ha (tập trung ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các khu vực trọng điểm ô nhiễm bom mìn,...); thu gom và xử lý 288.199 bom mìn, vật nổ các loại. Đồng thời hoàn thành tốt các nhiệm vụ kiểm tra an toàn khu vực cho các hội nghị, lễ hội có các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước tới thăm và làm việc. Riêng dự án thuộc Chương trình 504 do Nhà nước hỗ trợ (năm 2013) giải phóng được 1.200 ha đất (T.P Quy Nhơn: 300ha, huyện Hoài Nhơn: 200ha, thị xã An Nhơn: 700ha), thu gom và tiêu hủy được 2.278 bom mìn, vật nổ các loại. Ngoài ra, Dự án khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh do Việt Nam và Hàn Quốc hợp tác chính thức khởi công ngày 15-9-2018, tại huyện Quảng Trạch, Quảng Bình. Theo đó, cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) viện trợ 20 triệu USD để thực hiện tại Quảng Bình và Bình Định, các hợp phần gồm: Quản lý dự án và tài chính; khảo sát kỹ thuật và rà phá bom mìn; quản lý thông tin khắc phục hậu quả bom mìn; hỗ trợ nạn nhân bom mìn, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân. Dự kiến sau 36 tháng triển khai thi công đến 31-12-2020 sẽ hoàn tất và tổ chức công bố kết quả Dự án.
Những khu “đất sạch” không còn bom mìn, vật nổ, tỉnh Bình Định đưa vào quy hoạch đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn đến năm 2020, đạt từ 40-45 triệu đồng/người/năm. Đến cuối năm 2018, tỉnh có 66 xã về đích nông thôn mới, chiếm 54,5% tổng số xã ở vùng nông thôn và đang đẩy mạnh hỗ trợ 55 xã còn lại hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Bình định đang lành “vết thương” sâu.
Chính Nghĩa