Tuy nhiên đến nay, theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, cả nước có gần 2.350.000 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 9,88%; hơn 1.200.000 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 5,22%. Đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên cương, hải đảo... còn nhiều khó khăn trong cuộc sống cần được sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội một cách mạnh mẽ, hiệu quả hơn. Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1258/QĐ-TTg, về Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016-2020. Mục đích nhằm phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1-1,5%/năm (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3-4%/năm) theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016-2020; cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015 (riêng hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn, hộ nghèo dân tộc thiểu số tăng gấp 2 lần).
Một trong những nhân tố quan trọng trong thực hiện Phong trào thi đua này, đó là MTTQ Việt Nam và các thành viên. Trong công cuộc đổi mới, MTTQ Việt Nam đã phát huy vai trò của mình trong việc tuyên truyền vận động, tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát động rộng rãi các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, góp phần hoàn thành các mục tiêu kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Thời gian qua, Mặt trận đã khởi xướng và chủ trì phối hợp nhiều cuộc vận động, nhiều phong trào rộng lớn và lâu dài mang tính toàn dân, toàn quốc, trong đó nổi bật là cuộc vận động "Ngày vì người nghèo". Đây là một trong hai cuộc vận động lớn trong thời kỳ đổi mới công tác Mặt trận, có đóng góp to lớn và trở thành điểm sáng trong phong trào thi đua yêu nước nói chung và có tác dụng rõ rệt vào việc nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn mới.
Có thể nói, Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” đã trở thành thương hiệu, nhiệm vụ thường niên của Mặt trận và có sức lan tỏa mạnh mẽ từ các cơ quan, đơn vị, các cấp, ngành, doanh nghiệp, trường học đến các khu dân cư, hộ gia đình, đồng bào, chiến sĩ, cán bộ, người lao động…, tô thêm truyền thống đoàn kết của dân tộc, tạo nên nguồn lực giúp người nghèo. Tính đến nay, lũy kế từ khi phát động, sử dụng Quỹ “Vì người nghèo” năm 2000 đã đạt gần 11.500 tỷ đồng; nguồn lực ủng hộ trực tiếp cho chương trình an sinh xã hội ở các địa phương được hơn 31.150 tỷ đồng.
Từ nguồn lực vận động được cùng với hỗ trợ của ngân sách nhà nước và trợ giúp của cộng đồng, các địa phương đã sử dụng Quỹ và nguồn vốn an sinh xã hội hỗ trợ xây dựng và sửa chữa gần 35.000 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, xây dựng, sửa chữa được 1.500.000 căn nhà Đại đoàn kết; giúp đỡ, hỗ trợ 150.000 hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất; giúp đỡ, hỗ trợ 1.208.000 lượt người nghèo được khám chữa bệnh; 300.000 cháu có hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ về học tập; hỗ trợ xây dựng 14.000 công trình dân sinh… Quỹ “Vì người nghèo” ở nhiều địa phương đã thực sự trở thành nguồn lực giúp đỡ, động viên, khuyến khích để người nghèo, hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, đỡ nghèo, tạo dựng cuộc sống tốt hơn.
Việc vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” do Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam phát động ngày càng nhận được nhiều sự hưởng ứng rộng rãi hơn nữa của cộng đồng xã hội trong và ngoài nước để góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Giảm nghèo bền vững theo chuẩn nghèo đa chiều là một trong những chủ trương lớn hiện nay của Đảng và Nhà nước ta. Đây không chỉ là vấn đề kinh tế, mà còn là cơ sở để giữ vững ổn định về chính trị, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, là công tác đòi hỏi các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị cần phải phối hợp chặt chẽ, liên tục, tập trung chỉ đạo quyết liệt, bền bỉ và lâu dài.
Trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước, hội nhập quốc tế, hơn lúc nào hết, các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta đang sinh sống ở nước ngoài phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, tiếp tục hưởng ứng, tham gia cuộc vận động ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo", nhất là trong Tháng cao điểm "Vì người nghèo", góp phần giúp đỡ chăm lo cho người nghèo, giúp người nghèo vươn lên trong cuộc sống.
Mai Anh