Trải qua 69 năm xây dựng và phát triển, công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ có những chuyển biến tích cực, nhiều khởi sắc; vị trí, vai trò của Hội từng bước được khẳng định; tổ chức 4 cấp của Hội được củng cố, kiện toàn; số lượng, chất lượng cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ được nâng lên; hoạt động hợp tác quốc tế của Hội được mở rộng; công tác vận động nguồn lực và trợ giúp đối tượng ngày càng có hiệu quả; công tác tham mưu với Đảng, Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo công tác nhân đạo có kết quả rõ rệt.
Một số phong trào, cuộc vận động, mô hình do Hội phát động và triển khai đã và đang lan tỏa, tạo dấu ấn mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng. Chỉ tính trong 5 năm (2010-2015), đã có 600.389 người được trợ giúp với tổng trị giá đạt 2.039,2 tỷ đồng từ Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”; 16.311 con bò giống trị giá trên 162 tỷ đồng được trao tặng cho các gia đình đặc biệt khó khăn từ Dự án “Ngân hàng bò”, Chương trình “Ngân hàng bò-Chung sức cùng đồng bào các huyện nghèo, xã biên giới xây dựng nông thôn mới”; 8.282.268 lượt người nghèo và nạn nhân chất độc da cam được trợ giúp với tổng trị giá 2.566 tỷ đồng thông qua Phong trào "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam".
Trong công tác chăm sóc sức khỏe, toàn Hội đã phát triển 1.189 cơ sở khám, chữa bệnh Chữ thập đỏ; 260 đội khám, chữa bệnh Chữ thập đỏ lưu động; 8,6 triệu lượt người có hoàn cảnh khó khăn được khám bệnh, tư vấn chăm sóc sức khỏe và cấp thuốc miễn phí; 6.000 trạm, điểm sơ cấp cứu Chữ thập đỏ; 157.594 nạn nhân tai nạn giao thông, tai nạn thương tích được sơ cấp cứu; 79.728 tình nguyện viên Chữ thập đỏ được huấn luyện sơ cấp cứu; 60 ngàn giếng nước, 30 ngàn nhà vệ sinh được xây dựng trong chương trình giáo dục sức khoẻ, vệ sinh phòng bệnh.
Trong công tác tham gia phòng ngừa, ứng phó thảm họa, toàn Hội đã thành lập được 28 Đội ứng phó thảm họa cấp tỉnh; 159 Đội ứng phó thảm họa cấp xã; 555 xã, phường thuộc 142 huyện, quận của 36 tỉnh, thành phố được hỗ trợ xây dựng cộng đồng an toàn và triển khai hoạt động can thiệp rủi ro thảm họa; 55 tỉnh, thành Hội là thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh; 150.000 lượt giáo viên, 600.000 học sinh được tập huấn và hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó thảm họa; 24.000ha rừng ngập mặn và rừng đầu nguồn được trồng tại 10 tỉnh, thành phố, góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu rủi ro thảm họa; 555,7 tỷ đồng vận động quốc tế ủng hộ đồng bào bị thiên tai; 8,065 triệu USD vận động các tổ chức, cá nhân trong nước ủng hộ nhân dân các nước khác khắc phục hậu quả thiên tai.
Trong công tác tuyên truyền, vận động hiến máu nhân đạo, toàn Hội đã xây dựng và phát triển 2.707 CLB hiến máu với 113.241 thành viên; 100% số tỉnh, thành phố trong cả nước thành lập/kiện toàn Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện cấp tỉnh; gần 100% địa phương lập Ban Chỉ đạo cấp huyện; hơn 71% số xã lập Ban Chỉ đạo cấp xã; 4.973.540 đơn vị máu được vận động, tiếp nhận (gấp hơn 2 lần so với 5 năm trước, trung bình đạt 980.000 đơn vị máu/năm); trên 90% là hiến máu tình nguyện; 82.025 tập thể, cá nhân và gia đình có thành tích hiến máu tình nguyện và vận động hiến máu tình nguyện.
Có thể khẳng định rằng, từ ngày thành lập đến nay, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là biểu hiện sinh động của sự kết nối truyền thống nhân ái, nhân đạo, nhân văn cao cả của dân tộc với lịch sử phát triển của một tổ chức nhân đạo chuyên nghiệp, gắn bó với lợi ích dân tộc, hòa đồng với cuộc sống của nhân dân.
Trải qua 9 kỳ đại hội đồng hành cùng lịch sử dân tộc, với những bước trưởng thành vượt bậc và những cống hiến xuất sắc, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước: Huân chương Lao động hạng nhì (1971), Huân chương Độc lập hạng nhất (1988), Huân chương Hồ Chí Minh (1998), Huân chương Lao động hạng nhất (2005), Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai (2011).
Dương Sơn