Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21-4): Bác Hồ - tấm gương sáng về đọc sách

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên đọc sách để nâng cao kiến thức, lý luận cách mạng. Ảnh tư liệu

Trong cuốn sách “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng có ghi lại lời tâm sự của người bạn thân thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh là Phạm Gia Cần: “Ở gần Thành, mình học hỏi được nhiều thứ, nhất là cách đọc sách”. Cũng trong cuốn sách này, lúc dạy học ở Trường Dục Thanh (Phan Thiết), thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã nung nấu việc lập ra một thư viện trong nhà trường giúp học trò có nhiều sách để đọc. Không kịp thực hiện điều ấy, trước lúc xuất dương tìm đường cứu nước (5-6-1911), Người đã để lại một số tiền góp vào quỹ xây dựng thư viện của Trường Dục Thanh.

Trong hành trình tìm đường cứu nước của mình (1911-1941), Chủ tịch Hồ Chí Minh thường đến các thư viện để đọc sách báo, đặc biệt là Thư viện quốc gia (Pháp) và Thư viện Đại học cộng sản của những người lao động Phương Đông, Thư viện Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa (Liên Xô)… Cứ có thời gian rảnh là Người lại đọc sách báo, thậm chí đọc đến nửa đêm. Trong bài viết “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin” (Báo Nhân dân, ngày 22-4-1960), Người nhớ lại: “Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”[1].

Bên cạnh đó, “Bản án chế độ thực dân Pháp” là cuốn sách tập hợp các bài viết của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trên các tờ báo ở Pháp và ở Liên Xô từ năm 1921 đến năm 1924. Cuốn sách gồm 12 chương và phần phụ lục được một số đồng chí của Người xuất bản lần đầu tiên tại Thư quán lao động ở Paris vào năm 1925. Cuốn sách này của Người đã làm sáng tỏ thêm quan điểm của Lênin về chủ nghĩa đế quốc, góp phần làm phong phú thêm chủ nghĩa Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa.

Trong cuốn “Đường Kách mệnh” (1927), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải thích lý do xuất bản của cuốn sách này. Người chỉ rõ: “Mục đích sách này là để nói cho đồng bào ta biết rõ: (1) Vì sao chúng ta muốn sống thì phải Kách mệnh. (2) Vì sao Kách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người. (3) Đem lịch sử Kách mệnh các nước làm gương cho chúng ta soi. (4) Đem phong trào thế giới nói cho đồng bào ta rõ. (5) Ai là bạn ta? Ai là thù ta? (6) Kách mệnh thì phải làm thế nào?... Sách này muốn nói cho vắn tắt, dễ hiểu, dễ nhớ… Sách này chỉ ước ao sao đồng bào xem rồi thì nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên đoàn kết nhau mà làm Kách mệnh. Văn chương và hy vọng sách này chỉ ở trong hai chữ: Kách mệnh! Kách mệnh!! Kách mệnh!!!”[2]. Do đó, trong cuốn sách “Đường Kách mệnh”, Người đã cho rằng các công nhân phải tổ chức Công hội và nên “lập nơi xem sách báo” để mau chóng đi đến con đường cách mạng.

Ngày 28-1-1941 (ngày mùng 2 Tết Tân Tỵ), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Từ ngày 8-2-1941, Người ở và làm việc tại hang Cốc Bó ở xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Trên một chiếc bàn đá, Người đã dịch cuốn sách Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô để làm tài liệu hoạt động cho cách mạng Việt Nam.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), tại Việt Bắc, hằng ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên đọc sách với nhiều thể loại và từ nhiều nguồn khác nhau. Đó là sách của tác giả, của nhà xuất bản gửi biếu Người, sách của những cá nhân và tổ chức nước ngoài gửi tặng Người qua Bộ Ngoại giao hoặc các đoàn của ta đi công tác mang về… Sách báo đọc xong, Người thường gửi tới các nơi cần sử dụng. Những sách báo cần làm tư liệu, Người giữ lại, nhưng sử dụng xong lại gửi đi tới các nơi cần sử dụng.

Trong cuốn sách “Liên Xô vĩ đại” (xuất bản vào tháng 10-1957 nhân kỷ niệm 40 năm Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga năm 1917), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: “Số sách vở nhiều hay là ít cũng chứng tỏ trình độ văn hóa của một dân tộc thấp hay là cao… Hiện nay, mỗi năm Liên Xô xuất bản hơn 1.000 triệu quyển sách to và nhỏ bằng 122 thứ tiếng các dân tộc ở Liên Xô… Liên Xô có 392.000 thư viện... Các câu lạc bộ, nhà máy, nông trường, cơ quan, trường học nào cũng có phòng sách… gia đình nào cũng có một tủ sách”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Chế độ cộng sản là “ai cũng thông thái và có đạo đức”[3]. Bởi vậy, sinh thời, Người đã thường xuyên kêu gọi cán bộ và nhân dân đọc sách để nâng cao kiến thức và lý luận cách mạng. Người nhận định: “Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học dân”. Đặc biệt, Người nhấn mạnh: “Bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc. Người mới học chữ cần đọc để không mù lại, người làm công an cần đọc để nắm tình hình. Những người làm công việc chuyên môn cần phải đọc để nâng cao trình độ. Người làm quản lý lãnh đạo cần phải đọc để quản lý, lãnh đạo tốt hơn. Làm nhà báo, nhà văn lại càng phải đọc”.

Anh hùng LLVTND Trần Thị Lý kể lại rằng: “Bác biết tôi cố gắng học văn hóa nhưng lại kém về môn Văn, nhiều lần tôi vào thăm, Bác dặn: Cháu kém về Văn thì phải siêng xem sách, đọc báo, đọc xã luận, nghe các chú nói chuyện. Đọc báo có đoạn nào hay thì đánh dấu vòng lại, lúc khác cần đọc lại. Đó là một cách học: Học từ sự kiên nhẫn”.

Vào năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi tặng lại thanh niên xã Ngọc Thụy (Gia Lâm - Hà Nội) một tủ sách hơn 200 cuốn được mua bằng tiền nhuận bút viết báo của Người. Đấy là những cuốn sách hay, những chuyện về người lãnh đạo giỏi, sách khoa học kỹ thuật nông nghiệp và những truyện cổ tích.

Bên cạnh đó, đồng chí Cù Văn Chước (sau này là Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh giai đoạn 1990-1999) là người được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho nhiệm vụ cắt những bài báo phản ánh về gương người tốt việc tốt dán thành từng chuyên đề gương chiến đấu, sản xuất, thiếu nhi học giỏi dũng cảm... Sau này, Người chỉ đạo các đồng chí Hà Huy Giáp, Phan Hiền in thành các tập sách “Người tốt việc tốt”.

     Huế, ngày 8-4-2023

Nguyễn Văn Toàn


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập,  tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 228  

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập,  tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 283  

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập,  tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011,  tr. 294