Ở Việt Nam, đa số NKT trình độ học vấn thấp, nhiều người không biết chữ và hầu hết gia đình thuộc diện nghèo, cận nghèo. Cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, nhiều chính sách, pháp luật liên quan đến NKT được ban hành, tạo hành lang pháp lý và đi vào cuộc sống. Trong đó phải kế đến Luật Người khuyết tật và Đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2012-2020 với mục đích hỗ trợ NKT phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân, đồng thời cũng tạo điều kiện để NKT vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động, góp phần xây dựng cộng đồng và xã hội.
Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành, hiện cả nước có trên 2,6 triệu người đang hưởng chính sách trợ cấp xã hội hằng tháng, trong đó có 770 nghìn NKT nặng và đặc biệt nặng, 195 nghìn gia đình nhận chăm sóc NKT đặc biệt nặng. Đồng thời nhiều đoàn thể, hiệp hội triển khai các hoạt động hỗ trợ NKT nâng cao đời sống như: Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai phong trào Tết “Vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”. Chỉ tính riêng trong năm 2014, các cấp Hội vận động, tặng trên 1,5 triệu suất quà cho nạn nhân chất độc da cam và người nghèo với tổng trị giá 447 tỷ đồng. Hưởng ứng Ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam”, các cấp Hội hỗ trợ cho hơn 164 nghìn nạn nhân với số tiền trên 21 tỷ đồng thông qua các hình thức: Hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, dạy nghề tạo việc làm, phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và dụng cụ trợ giúp; Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam trợ cấp thường xuyên cho 56 nghìn đối tượng với tổng số tiền 7,5 tỷ đồng; phối hợp với các đơn vị, tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho 373 nghìn lượt người với tổng số tiền 87 tỷ đồng. Hội Người mù triển khai hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất cho gần 9.000 hội viên ở 43 Tỉnh, Thành hội, gần 400 huyện hội, với tổng số vốn trên 45 tỷ đồng; hỗ trợ xóa đói giảm nghèo cho 9 tỉnh hội như Sơn La, Hòa Bình, Gia Lai, Ninh Thuận… mỗi tỉnh 25 triệu đồng….
Không chỉ được hỗ trợ cải thiện cuộc sống, NKT còn được hỗ trợ y tế, chăm sóc sức khỏe thông qua các hình thức như cấp thẻ BHYT, phát hiện, can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình phục hồi chức năng và hỗ trợ dụng cụ trợ giúp. Cùng với đó, việc hỗ trợ NKT học nghề, tìm việc làm cũng được quan tâm thực hiện. Trong năm 2014, cả nước tổ chức dạy nghề cho khoảng trên 80 nghìn NKT từ các Chương trình mục tiêu quốc gia dạy nghề và việc làm, Chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn. Trên địa bàn cả nước hiện có 1.130 cơ sở dạy nghề cho NKT, 225 cơ sở chuyên biệt và hơn 400 cơ sở sản xuất kinh doanh của NKT. Bình quân mỗi năm, các cơ sở này tổ chức dạy nghề cho 7.000-8.000 NKT. Tham vào công tác dạy nghề và tạo việc làm cho NKT phải kể đến vai trò của các tổ chức xã hội vì NKT. Mỗi năm, các tổ chức này đã dạy nghề và hỗ trợ hàng nghìn NKT có việc làm. Năm 2014, Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi Việt Nam và các thành viên tổ chức dạy nghề cho 2.100 NKT với tổng kinh phí 6,6 tỷ đồng, sau khóa học 70% học viên tìm được việc làm, có thu nhập ổn định. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai Dự án “Hỗ trợ hòa nhập kinh tế- xã hội và việc làm cho NKT” do Hội Chữ thập đỏ Tây Ban Nha tài trợ tại 51 xã của 6 tỉnh, thành là Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương, Bình Thuận, Lâm Đồng và Hà Nội. Thông qua Dự án đã có gần 800 NKT được học nghề.
Song song với đó, các hoạt động hỗ trợ NKT về giáo dục, tiếp cận giao thông, công trình công cộng, pháp lý… cũng được thực hiện đúng quy định, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NKT, tạo cơ hội thuận lợi để họ vươn lên khẳng định khả năng và vị thế của mình trong xã hội.
Trong thời gian tới, để thực hiện tốt công tác trợ giúp NKT, Bộ LĐTBXH phối hợp với các bộ, ngành triển khai thực hiện Công ước quốc tế về quyền của NKT; thúc đẩy các hoạt động triển khai Luật Người khuyết tật và Đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2012-2020; tăng cường theo dõi, giám sát và đánh giá việc thực hiện các chính sách này; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ trong việc thực hiện công tác trợ giúp NKT, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về lĩnh vực NKT để thêm nguồn lực và kinh nghiệm trong việc hỗ trợ cho đối tượng.
Bài và ảnh: Kim Loan