Nhân ngày phòng chống lụt bão giảm nhẹ thiên tai (22-5): Chủ động phòng chống bão lụt

Hiện nay, nước ta đang chuẩn bị bước vào mùa mưa bão. Chủ động trong công tác phòng chống bão lụt, bảo vệ tài sản xã hội và sinh mạng người dân, ứng phó kịp thời mọi tình huống xảy ra đang là nhiệm vụ cấp thiết với các cấp, các ngành, với mỗi cơ quan đơn vị và mỗi người dân hiện nay.
Những năm gần đây, sự biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai, bão lũ và các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn biến ngày càng phức tạp, gây nên nhiều tổn thất về người và tài sản, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống xã hội nước ta. Theo tổng kết của Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, năm 2014, tuy thiên tai trên phạm vi cả nước có giảm về số lượng cũng như cường độ so với nhiều năm nhưng có xu hướng bất thường, khó dự đoán; trong năm cả nước xảy ra hơn 400 vụ thiên tai, trong đó có 5 cơn bão lớn cùng một số đợt áp thấp, 48 vụ mưa lũ, lũ quét; 220 vụ mưa dông, lốc xoáy; 28 trận động đất, làm 133 người chết và mất tích, 1.985 nhà bị đổ, 230.000ha lúa bị mất… tổng thiệt hại ước chừng 2.385 tỷ đồng. Công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai, bão lụt được các địa phương triển khai nhanh chóng, kịp thời theo phương châm bốn tại chỗ và chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng. Đối phó với thiên tai, các địa phương, ban ngành chức năng cả nước đã điều động hơn 153 nghìn lượt người, hơn 5.000 lượt phương tiện các loại để ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; cứu nạn trên biển 475 vụ, chữa cháy 556 vụ, 26 vụ sập lò… cứu được 3.879 người; 248 phương tiện, hướng dẫn 350.830 tàu thuyền tránh trú bão an toàn. Kết quả này có được từ mỗi người dân, từ các lực lượng chức năng, lực lượng dân quân tự vệ, biên phòng, lực lượng hải quân, không quân với những phương tiện hiện đại, đảm bảo sự nhanh chóng và chuẩn xác, kịp thời nhất.
Nhiều năm qua chúng ta đã thực hiện tốt công tác chủ động phòng chống lụt bão, thiên tai và có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề này. Tuy nhiên, tại một số địa phương, một số cán bộ và người dân chủ quan nên khi “bão lũ đến chân mới nhảy”, các phương tiện vận chuyển, vật lực chống bão không chuẩn bị đủ và kịp thời; sự thiếu hụt, mất mát các phương tiện chống thiên tai không được phát hiện, lực lượng trực ban, ứng phó với thiên tai không đủ về số lượng và trang bị… dẫn đến sự mất chủ động trong phòng chống thiên tai, bão lũ. Từ kinh nghiệm thực hiện phương án “4 tại chỗ” những năm qua, các địa phương, đơn vị cần tích cực triển khai thực hiện ngay từ bây giờ để chủ động ứng phó với mùa mưa bão sắp đến cũng như các thiên tai khác có thể xảy ra, đầu tư kinh phí, mua sắm trang thiết bị, phương tiện, cơ sở vật chất đảm bảo hoạt động tức thời và có hiệu quả cao cho các lực lượng khi diễn biến thực tế của thiên tai, bão lũ xảy ra; sự phối hợp đồng bộ và hiệu quả giữa các lực lượng, đảm bảo an toàn cho tài sản xã hội, tài sản công dân cũng như tính mạng con người.
Chủ động sẵn sàng trong công tác phòng chống bão lũ, thiên tai là yêu cầu cấp thiết đặt ra với mỗi cơ quan, đơn vị, với mỗi người chúng ta ngay từ bây giờ, khi mùa mưa bão đang đến rất gần.
Vân Anh