Nhân Ngày Du lịch thế giới (27-9): Để du lịch Việt Nam cất cánh
Tiềm năng to lớn
Nước ta có những điều kiện tự nhiên và xã hội rất thuận lợi để phát triển du lịch. Về tự nhiên, từ Bắc vào Nam, nước ta có hơn 3.260km đường bờ biển, 40.000 di tích, thắng cảnh; 30 vườn quốc gia; có 400 nguồn nước nóng; ba di sản thiên nhiên thế giới; gần 1.000 hang động. 125 bãi tắm biển, có vịnh đẹp nhất thế giới là vịnh Hạ Long và vịnh Nha Trang. Tới năm 2015, có 8 di sản được UNESCO công nhận là Di sản thế giới tại Việt Nam bao gồm: Quần thể danh thắng Tràng An, Thành nhà Hồ, Hoàng thành Thăng Long, quần thể di tích Cố đô Huế, Vịnh Hạ Long, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn và Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Tính đến hết năm 2015, Việt Nam được UNESCO công nhận 8 khu dự trữ sinh quyển thế giới đó là Châu thổ sông Hồng, Cát Bà, Tây Nghệ An, Đồng Nai, Cù lao Chàm, Cần Giờ. Cà Mau và biển Kiên Giang. Có 9 di sản văn hóa phi vật thể trên thế giới tại Việt Nam… Về xã hội, Việt Nam là nước sản xuất nông nghiệp, đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, có bề dày văn hóa truyền thống, có 54 dân tộc, mỗi dân tộc đều có những nét đặc trưng về văn hoá, phong tục tập quán và lối sống riêng... Theo thống kê, hiện cả nước có gần 8.000 lễ hội, trong đó có hơn 7.000 lễ hội dân gian, 332 lễ hội lịch sử, 544 lễ hội tôn giáo… Bên cạnh đó là đường lối và sự tạo điều kiện phát triển Ngành Du lịch của Đảng, Nhà nước; sự hòa nhập thế giới mạnh mẽ của nước ta.
Để du lịch Việt Nam phát triển xứng với tiềm năng
Trong những năm qua, Ngành Du lịch Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong các hoạt động của mình để đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước; giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập khá cho hàng triệu người lao động, Du lịch Việt Nam góp phần cải thiện đời sống tinh thần cho hàng triệu người dân, giúp bạn bè thế giới thêm hiểu, thêm yêu đất nước Việt Nam. Chỉ tính trong những năm gần đây, năm 2012, số khách quốc tế đến Việt Nam là 6,8 triệu lượt người, khách nội địa đạt 32,5 triệu lượt, doanh thu ngành đạt 160.000 tỷ đồng. Năm 2013, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 7,5 triệu lượt; khách nội địa đạt 35 triệu lượt người, doanh thu đạt 200.000 tỷ đồng. Năm 2014, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 8 triệu lượt người, khách nội địa đạt 35 triệu lượt người. Nhiều điểm sáng của ngành Du lịch Việt Nam xuát hiện như Khu du lịch Tràng An (Ninh Bình), Bái Cháy (Quảng Ninh), Nha Trang (Khánh Hòa)… Tuy nhiên, từ cuối năm 2014 đến nay, do ảnh hưởng của sự giảm sút kinh tế quốc tế, sự tác động của yếu tố địa chính trị thế giới và khu vực nên Du lịch Việt Nam bị ảnh hưởng không nhỏ, lượng du khách từ một số thị trường du lịch chính giảm sút nhiều…
Đánh giá một cách khách quan thì kết quả đạt được của ngành Du lịch là hết sức to lớn nhưng so với tiềm năng của ta, so với bối cảnh hiện tại và so với các nước khác trong khu vực thì Du lịch Việt Nam vẫn chưa xứng tầm, còn nhiều hạn chế, yếu kém. Vấn đề ô nhiễm môi trường tại các điểm du lịch đang diễn ra phổ biến tại các địa phương, nhiều di tích không được bảo quản đúng mức, gây hư hỏng nghiêm trọng hay bị sửa lại khác xa mẫu cổ. “Ăn xổi, chụp giật” là tình trạng chung của rất nhiều cơ sở du lịch lớn cũng như của nhiều người làm nghề du lịch thể hiện qua các chuyện “cắt, bóp, chém” du khách; mỗi bước lên xe, mỗi bước vào cửa lại “vé” mà toàn giá cao; ít đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch, chỉ tập trung khai thác vào những gì sẵn có. Nhân lực làm Ngành Du lịch cũng là một vấn đề khi tính chuyên nghiệp và trình độ thấp. Cả nước hiện có 700.000 người làm việc trực tiếp và hơn 1,5 triệu người làm việc gián tiếp trong Ngành Du lịch thì chỉ có 60% số người này biết ngoại ngữ, trong số đó 42% số người này biết tiếng Anh và chỉ có 15% nói tiếng Anh lưu loát. Những chuyện này toàn liên quan đến chính người trong ngành, đến các cấp quản lý chức năng, đến chính quyền cơ sở. Theo đánh giá của chính ngành du lịch, từ năm 2006 đến nay, hơn 70% du khách quốc tế sau khi đến Việt Nam có ý "một đi không trở lại"… Nhìn sang các nước xung quanh, họ đã đạt 20-30 triệu khách quốc tế rồi, mà đáng buồn là trong đó du khách từ Việt Nam chiếm phần không nhỏ.
Để vực dậy Ngành Du lịch, Chính phủ đã có nhiều giải pháp, trong đó có chuyện miễn vida cho du khách từ một số thị trường lớn, đầu tư xây dựng nhiều cơ sở du lịch, công trình giao thông, miễn giảm nhiều thủ tục rườm rà, các doanh nghiệp du lịch có nhiều sự đầu tư chuyên sâu về cơ sở vật chất… nhưng cái chính hiện nay cần là sự chuyển biến từ chính người làm du lịch cần bỏ nếp nghĩ ăn xổi, chụp giật; nâng cao trình độ chuyên môn và trình độ giao tiếp để Du lịch Việt Nam phát triển xứng với tiềm năng. Chúng ta đã hội nhập khu vực ASEAN, hội nhập với thế giới, không còn chỗ để đủng đỉnh được nữa.
Vân Trang