Nhân ngày bảo vệ chăm sóc người tàn tật (18-4): Đào tạo nghề và tạo việc làm thích hợp cho người khuyết tật
Những năm gần đây, việc dạy nghề, đào tạo việc làm cho NKT đã nhận được sự quan tâm của Nhà nước thông qua nhiều chính sách, ưu tiên hỗ trợ khác nhau. Nhiều cơ sở đào tạo nghề cho NKT cũng được thành lập, hiện cả nước có trên 1.000 cơ sở đào tạo nghề có tổ chức dạy nghề cho NKT. Theo thống kê, trong 5 năm từ 2010 đến 2015, có khoảng 120.000 NKT được hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm thông qua các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề, cho vay vốn. Tuy nhiên, tỷ lệ NKT tìm được việc làm sau đào tạo nghề còn thấp, chủ yếu là tự tạo việc làm.
Để người khuyết tật tìm được niềm vui từ công việc, rất cần có chính sách ưu đãi cho việc dạy nghề và tạo việc làm cho đối tượng chịu nhiều thiệt thòi này. Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012-2020 (Đề án 1019) đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt và triển khai rộng rãi trong cả nước. Mục tiêu của đề án trợ giúp NKT là đến năm 2015 có 250.000 NKT trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động được học nghề và tạo việc làm phù hợp; giai đoạn tiếp theo đến 2020, có 300.000 NKT trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động được học nghề và tạo việc làm phù hợp. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này (trong giai đoạn 2016-2020) cần có sự chung tay của toàn xã hội.
Số liệu thống kê của Thư viện Khoa học tổng hợp TP Hồ Chí Minh cũng cho thấy, tỷ lệ NKT có nhu cầu lao động, song chưa có việc làm trên cả nước chiếm khoảng 30%. Do sức khỏe yếu, lại không được học hành đầy đủ (chỉ khoảng 6% NKT học hết bậc Trung học phổ thông, trên 20% có trình độ Trung học cơ sở), nên cơ hội kiếm việc làm của họ là gần như không có. Mặt khác, các doanh nghiệp còn chưa mặn mà với việc tuyển dụng NKT, còn phân biệt đối xử giữa NKT với người bình thường. Đơn cử ở TP. Hồ Chí Minh hiện có khoảng 15.000 NKT đang trong độ tuổi lao động (1% dân số), nhưng số NKT có việc làm chưa quá 40%. Trong đó, số NKT tìm được việc làm chỉ có khoảng 25% duy trì được công việc ổn định.
Đó là chưa kể đến mức thu nhập bình quân của người lao động khuyết tật chỉ khoảng 2,5-3 triệu đồng, còn thấp so với yêu cầu trang trải cuộc sống hiện nay. Muốn kiếm thêm thu nhập, họ phải cố gắng làm thêm, tăng ca, nhưng sức khỏe lại không đảm bảo. Do đó, nhiều NKT phải bỏ dở công việc mặc dù rất mong muốn ổn định chỗ làm. Thực tế cho thấy, việc từ chối các cơ hội việc làm công bằng cho NKT chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự nghèo đói và tình trạng bị phân biệt đối xử đối với nhiều NKT. Họ dễ vấp phải những bất lợi, bị đứng ngoài lề và bị phân biệt, đối xử trên thị trường lao động. Ngay cả khi họ có việc làm thì đó cũng thường là những việc không thuộc thị trường lao động chính thức với đồng lương rẻ mạt và những vị trí đòi hỏi kỹ năng thấp.
Vì vậy, các doanh nghiệp cần thay đổi quan niệm trong tuyển dụng với NKT. Họ không chỉ là đối tượng cần ưu tiên, mà còn là những lao động đầy tiềm năng. Tuyển dụng NKT không phải là làm từ thiện, mà vì năng lực của họ đáp ứng được yêu cầu công việc, đồng thời cũng là tạo điều kiện cho họ hòa nhập tốt hơn. Vì thế, cần phải có những cách đối xử bình đẳng. Tất cả đòi hỏi sự nỗ lực, phối hợp của tất cả các cấp, ngành, đơn vị liên quan và bản thân NKT để vấn đề việc làm ngày càng có những chuyển biến tích cực hơn, giúp NKT ổn định cuộc sống.
Ngoài việc người khuyết tật xóa bỏ rào cản từ chính bản thân mình bằng những suy nghĩ và hành động tích cực thì xã hội cũng phải có những nhìn nhận công bằng và nhân văn hơn từ góc độ tiếp cận quyền con người đối với NKT. Ngoài ra, để NKT tự tin hơn trong cuộc sống, chủ động để nuôi sống bản thân và có cơ hội cống hiến cho xã hội, rất cần những chính sách hỗ trợ thiết thực từ phía nhà nước, cộng đồng. Trong đó, có chính sách đối với việc dạy nghề và tạo việc làm đối với NKT. Chỉ khi NKT tìm được một công việc ổn định, bảo đảm thu nhập thì khi ấy họ mới thực sự tìm thấy niềm vui trong cuộc sống.
Bài và ảnh: Dương Sơn