Nhân kỷ niệm 57 năm Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19-5-1959 - 19-5-2016): Ấn tượng từ hai cuộc thi
Lục bát Trường Sơn
Với cuộc thi thơ "Lục bát Trường Sơn", Ban Tổ chức đã nhận được 4.955 tác phẩm dự thi của hơn 3.000 tác giả trong cả nước. Chúng ta dường như thấy tái hiện ở cuộc thi này đội hình tác chiến binh chủng hợp thành của chiến trường Trường Sơn ngày nào. Chiến sĩ lái xe, công binh, giao liên, quân y, cao xạ, bộ binh, coi kho, thanh niên xung phong; từ tướng lĩnh đến chiến sĩ... đều có thơ dự thi. Tác giả cao tuổi nhất dự thi là ông Nguyễn Sĩ Nhiếp, sinh năm 1930, ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Nhiều cháu sinh viên dù chỉ biết Trường Sơn qua sách báo, qua chuyện kể của của người thân cũng có những bài thơ thể hiện sự cảm phục, tự hào trước sự hy sinh to lớn và chiến công huyền thoại của Bộ đội Trường Sơn.
Trong số 4.955 tác phẩm, Ban Giám khảo đã chọ đưa 174 bài vào chung khảo và ở đây chúng ta thấy khá hoàn chỉnh "bức tranh" sinh động, đặc sắc về cuộc thi. Phạm Đăng Kiểm và Phạm Thị Nhung là cặp vợ chồng CCB Trường Sơn đều có tác phẩm lọt vào chung khảo, đoạt giải Nhất và giải Ba. Thật bất ngờ và xúc động là CCB Trường Sơn khiếm thị Đặng Thanh Nghị (Vũ Lăng, Tiền Hải, Thái Bình) có 7 tác phẩm lọt vào chung khảo và có tác phẩm được giải. CCB Nguyễn Tất Đình Vân (Ngũ Thái, Thuận Thành, Bắc Ninh) gửi gần 100 bài thơ dự thi có chất lượng, đã có 3 bài lọt vào chung khảo, trong đó có bài "Tắm suối" đoạt giải ba. Thiếu tướng Anh hùng LLVTND Hoàng Kiền-Phó chủ tịch Hội Trường Sơn Việt Nam có 3 bài lọt vào chung khảo. Đặc biệt, CCB Tạ Bá Hận (Hà Mãn, Thuận Thành, Bắc Ninh) là bệnh binh bị ung thư giai đoạn cuối, nhưng bệnh tật không ngăn được cảm xúc tuôn trào của anh về Trường Sơn; trong 3 bài thơ của anh lọt và chung khảo có bài "Nỗi đau da cam" đoạt giải Ba...
Chuyện trò với vợ chồng bác Đặng Thanh Nghị đưa nhau từ Tiền Hải, Thái Bình lên dự lễ nhận giải; khi tôi hỏi "nguyên cớ" nào để có nhiều thơ hay dự thi, người CCB khiếm thị này bộc bạch: Trường Sơn là máu thịt của tôi. Dĩ vãng một thời trai trẻ hào hùng ở Trường Sơn vẫn còn nguyên trong ký ức. Dù cho mắt giờ đây không còn sáng, nhưng trái tim tôi vẫn luôn rung cảm về Trường Sơn, về những đồng chí đồng đội của mình, rồi nhờ vợ ghi lại những rung cảm, những câu lục bát để dự thi...
Nghe người CCB khiếm thị bộc bạch rất tự nhiên, dung dị điều đó, tôi hết sức cảm phục những con người đánh giặc rất đỗi ngoan cường và làm thơ cũng chẳng kém ai...!
Bài thơ "Duật ơi!" đoạt giải Nhất của Phạm Đăng Kiểm, tuy không dài nhưng nói được những điều cần nói về Trường Sơn và "nhà thơ Trường Sơn" Phạm Tiến Duật: "Anh theo "Vòng trắng" về trời/ "Vòng đen" gửi lại nhắc người mai sau/ "Vầng trăng quầng lửa" trên đầu/ Cho "Xe không kính" qua cầu-Thời gian/ Sách đâu mở trắng non ngàn?/ Tiếng cười con gái giòn tan... rừng chiều/ Lính Trường Sơn tuổi chớm yêu/ Nghêu ngao giăng mảnh trăng treo ngang trời/ "Bom rơi mặt lấm "... là cười/ "Đông mưa, Tây nắng" thành lời trao nhau/ "Rừng không dân" ở nơi đâu?/ Anh về nhen giữa cõi sâu ... "Lửa đèn"...
Hoàn toàn không mang tính chuyên nghiệp, nhưng cuộc thi thơ "Lục bát Trường Sơn" đã thu được kết quả rất đáng khích lệ và để lại ấn tượng sâu sắc. Bởi, trong nhiều tác phẩm dự thi đã đạt được hai yếu tố cơ bản của thơ là cảm xúc và chất đời sống. Ngoài hai yếu tố trên, một số bài thơ còn có chất lượng nghệ thuật cao. Đó là các bài: "Duật ơi!" của Phạm Đăng Kiểm, "Nghinh ơi!" của Nguyễn Thanh Liêm, "Sông thở" của Lê Thúy Bắc, "Cha tôi" của Trần Công Sàn...
Đại tá, nhà thơ quân đội Vương Trọng-thành viên Ban Giám khảo nhận xét: "Với số lượng và chất lượng cuôc thi "Lục bát Trường Sơn", tôi có thể khẳng định cuộc thi của chúng ta có thể sánh ngang với bất cứ cuộc thi tầm cỡ quốc gia nào. Đặc biệt tôi đánh giá cao chất lượng thơ từ cuộc thi này...". Còn Đại tá nhà thơ Nguyễn Hữu Quý-thành viên Ban Giám khảo lại rất tâm đắc: "Theo tôi, phần lắng đọng nhất, sâu sắc nhất của cuộc thi này là những bài thơ viết về thân phận người lính Trường Sơn và người thân của họ sau chiến tranh. Những mất mát, thiệt thòi mà họ phải chịu đựng...".
Với cuộc thi thơ "Lục bát Trường Sơn", Ban Giám khảo trao 1 giải Nhất, 3 giải Nhì, 6 giải Ba, 10 giải Khuyến khích và 5 giải Tập thể.
**
Gương sángTrường Sơn**
Cũng như CCB nói chung, những người lính Trường Sơn sau chiến tranh, trở về với cuộc sống đời thường đã phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ trên trân tuyến mới; khắc phục khó khăn, làm kinh tế, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, hoạt động xã hội từ thiện. Đã có hơn 100 tác phẩm của trên 70 tác giả dự thi viết "Gương sáng Trường Sơn". Các bài viết đã khắc họa nhiều nam nữ CCB, thương binh, bệnh binh đã vượt lên hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, để xây dựng cuộc sống mới và giàu lòng yêu thương đồng đội, đồng loại; sẵn sàng sẻ chia vật chất, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh cho đồng đội; nhiệt tình trong hoạt động Hội... Ban Giám khảo đã chọn 26 tác phẩm vào vòng chung khảo và trao 2 giải Nhì, 5 giải Ba, 7 giải Khuyến khích.
Thành công của hai cuộc thi cũng khép lại nhiệm kỳ đầu tiên của Hội Trường Sơn Việt Nam-một nhiệm kỳ mới mẻ, nhiều khó khăn, thách thức như đường Trường Sơn thuở khai sơn phá thạch, nhưng hoạt động vô cùng hiệu quả.
Ngày 15-5-2016, Ban Chấp hành Hội Trường Sơn Việt Nam nhiệm kỳ thứ nhất họp phiên cuối, chuẩn bị cho Đại hội lần thứ hai của Hội tiến hành vào tháng 9 tới. Chúng ta chờ đợi Hội Trường Sơn Việt Nam bước vào giai đoạn mới với nhiều thành công mới.
Bài và ảnh: Việt Hưng