“Nhân duyên” với bộ đội Trường Sa
Nhà báo Cù Thị Thuận (giữa) và tác giả (bên trái).
Trước khi ra thăm, động viên các chiến sĩ đang công tác tại một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa, cùng Đoàn công tác số 15, tôi được gặp nhà báo Cù Thị Thuận - phóng viên báo Đồng Nai, thành viên của Đoàn Đồng Nai.
Sau buổi họp toàn thể của Đoàn Công tác số 15 phổ biến các nội quy công tác, Tổ báo chí nhóm họp phân công nhiệm vụ. Ấn tượng đầu tiên của tôi về Cù Thị Thuận là thạo việc, năng động.
Rồi cũng đến ngày Đoàn rời quân cảng Cam Ranh. Tại Lễ giao nhiệm vụ trước khi tàu KN 491 rời bến, tôi nhìn thấy nhà báo Cù Thị Thuận cổ đeo máy ảnh, trên tay máy vi tính, di chuyển thoăn thoắt... Trong những ngày, tàu KN 491 hải trình qua Đá Thị, Cô Lin, Sinh Tồn, Đá Đông A, Trường Sa Lớn, Nhà giàn DK1, tôi mới thấy sức làm việc của Cù Thị Thuận là kinh ngạc. Phỏng vấn chiến sĩ, ghi chép, chụp ảnh và tối đến đều có bản tin phát trên hệ thống loa của tàu KN 491. Sau các bản tin đều có thời lượng văn nghệ. Đó có thể là các bài hát nổi tiếng về biển, đảo; hoặc các tản văn của một số thành viên trong Đoàn công tác số 15... Nói thế để thấy, 6 chương trình trong 6 ngày hải trình đều có kịch bản, được Cù Thị Thuận và Tổ báo chí chuẩn bị kỹ lưỡng. Xin nhớ, tác nghiệp trong hoàn cảnh giữa biển khơi, sóng cấp 4-5, không có sóng wifi...
“Sao đam mê và thạo việc thế?”, tôi cứ nghĩ mãi về nhà báo Cù Thị Thuận. Mới hay, đây không phải là lần đầu Cù Thị Thuận đi Trường Sa. Cả “đời” lăn xả cùng báo chí của chị gắn với lực lượng vũ trang. Cù Thị Thuận là dâu Bộ đội Cụ Hồ, hiện sinh sống trong khu chung cư “xóm đảo” Trường Sa - tên gọi thân thương khu vực KP 3, phường Long Bình Tân, không ít gia đình ở đây có người thân đã và đang công tác tại Trường Sa.
Cù Thị Thuận là con gái Đất Tổ. “Bố mẹ em vẫn ở Hà Nội mà” - Thuận xởi lởi. Chị cho biết: Năm 1997, khi mới ngoài 20 tuổi, đang là phóng viên phụ trách mảng quân sự của báo Vĩnh Phúc, chị đến Trường sĩ quan Tăng - Thiết giáp lấy tư liệu viết phóng sự. Không hẹn mà thành duyên. Hà Minh Tuấn - chồng chị, khi đó là sĩ quan phân xưởng sửa chữa thiết giáp lốp thuộc X201 đóng quân tại Biên Hòa (Đồng Nai) đang theo học nâng cao, hoàn thiện kỹ thuật.
Sau khóa học, Hà Minh Tuấn quay về Đồng Nai làm nhiệm vụ, dù xa xôi nhưng tình yêu của họ ngày càng nhân lên. Cuối năm 1999, họ kết hôn. Dù là vợ chồng nhưng họ vẫn mỗi người một ngả. Vợ tiếp tục công việc phóng viên phía Bắc, chồng phục vụ quân đội ở phía Nam. Dù việc làm báo ở Vĩnh Phúc rất thuận lợi nhưng năm 2001 chị “Nam tiến”, xin cơ quan khăn gói lên đường vào Nam.
Cho đến nay, nhà báo Cù Thị Thuận đã “gặt hái” được nhiều thành tích. Quân khu 7, UBND tỉnh Đồng Nai, Quân đoàn 4, Vùng 2 Hải quân, Vùng 3 Cảnh sát biển và các ngành khác đã tặng Bằng khen cho chị. Về giải thưởng, Cù Thị Thuận được nhận Giải ba “Ngòi viết vàng Đồng Nai”; Giải ba và Giải khuyến khích “Giải thưởng Sản phẩm truyền thông Khoa học và công nghệ Đồng Nai”; Giải nhất “Viết về Lực lượng vũ trang Đồng Nai” nhân kỷ niệm 75 năm thành lập QĐND Việt Nam và 30 năm Ngày Hội Quốc phòng toàn dân. Giải nhì Búa liềm vàng Đồng Nai lần thứ nhất, nhân kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng (năm 2020)...
Nhà báo Cù Thị Thuận cho biết: “Đi công tác biển đảo nhiều lần và Trường Sa lần đầu nhưng hải trình đáng nhớ nhất chính là 15 ngày thăm Nhà giàn DK1 từ dịp Tết Quý Mão vừa rồi. Kỷ niệm nhớ nhất chính là đón Xuân 2023 trên tàu Trường Sa 21 trên Nhà giàn. Đoàn do Đại tá Phạm Quyết Tiến - Phó tư lệnh Vùng 2 làm Trưởng đoàn”.
Là người cá tính mạnh mẽ, ưa mạo hiểm, nên Cù Thị Thuận từng leo Nhà giàn DK1/10 đúng thời điểm bão gió trên cấp 6. “Một kỷ niệm vô cùng ý nghĩa và rất khó quên” - Cù Thị Thuận chia sẻ. Chị cho biết: Trong hải trình Trường Sa cuối tháng 5 vừa rồi thì DK1/15 chính là “lỗi nhịp” lần 2. Lúc đó, tôi nhìn thấy Cù Thị Thuận nước mắt rơm rớm. Trên người chị còn nguyên chiếc áo phao, với hy vọng được xuống ca nô đến Nhà giàn DK1/15.
Gần 30 năm lăn lộn với nghề báo, Cù Thị Thuận được nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp báo chí”. Chị luôn dẻo dai, xông xáo. Cù Thị Thuận là nhà báo chung thủy với đề tài LLVT như “nhân duyên” thứ hai của cuộc đời.
Ngô Đức Hành