Nhân đọc truyện ngắn “Diệu Ly” của Hữu Phương: Không thể gọi là một sản phẩm văn học!
Nhân vật chính của câu chuyện là Diệu Ly - cô gái chừng 16 tuổi, có cha là cảnh sát ngụy đang ở trại cải tạo, mẹ bị chết đạn khi chạy di tản. Ngoài ra, còn mấy nhân vật phụ, trong đó có hai anh bộ đội giải phóng là Huy và Trương Hòa..., để nói về “những mảnh đời buồn đau và oan khuất của di chứng chiến tranh”.
Tôi không rõ Hữu Phương có nếm trải những chặng đường lịch sử của dân tộc ta như thế nào, nhưng qua câu chuyện tôi có cảm tưởng (xin lỗi) như thể kiến thức của tác giả là thứ vay mượn, cóp nhặt...
Xin đơn cử, ở trang 6 cột 3, dòng 23 dưới lên, tác giả viết: “Huy chỉ mới mang quân phục Quân giải phóng chưa được sáu tháng, thì miền Nam được giải phóng. Và trong khi dẫn một cánh quân đánh chiếm phi trường, Huy bị thương...”.
Thật hết sức vô lý trong thực tế làm gì có một chiến sĩ mới nhập ngũ chưa đầy 6 tháng mà dẫn một cánh quân đánh chiếm phi trường? Chối hơn nữa là tác giả còn “cao hứng” biên chế cho cấp trung đội bộ binh mà có hẳn một trạm phẫu…
Rồi nữa, Trương Hòa bác sĩ, bạn của Huy có cha là trung tá, cảnh sát ngụy khét tiếng mà vẫn được lấy vào Quân giải phóng, lại còn được giao nhiệm vụ làm cứu thương trong một “trung đội bộ binh”… Xin thưa với tác giả Hữu Phương rằng, trong chiến tranh cấp đại đội bộ binh của Quân đội nhân dân Việt Nam, kể cả trong chiến đấu cũng chỉ được biên chế một y tá. Còn cỡ bác sĩ như Trương Hòa, thường phải biên chế về các trạm phẫu trở lên. Và nữa, bố Huy cũng có một lý lịch nhân thân không bình thường: Ông “bỏ kháng chiến về thành phố sống cuộc sống an nhiên” (đào ngũ) thì trong hoàn cảnh “nước sôi, lửa bỏng” lúc bấy giờ đơn vị quân đội nào dám nhận những trường hợp như Huy vào đơn vị chiến đấu, làm đến cán bộ trung đội?
Còn nhiều, nhiều những câu ngu ngơ khác trong bài viết lộn xộn này.
Tác giả còn vẽ nên câu chuyện thương tâm là Huy bị thương khá nặng mà phải tự túc hoàn toàn vì “cả nước đang đối mặt với nạn đói nặng nề” (cuối cột 1, đầu cột 2, tr. 7).
Nếu nói đói sau khi đất nước được thống nhất thì phải là miền Bắc, vì trước đó còn phải “Hạt muối cắn đôi, bát cơm xẻ nửa” để chi viện cho chiến trường miền Nam, nhưng trong năm 1975có đói cũng không đến mức như tác gả hư cấu.
Còn “bo bo” ư? Không hiểu tác giả đã từng được tự tay sờ vào thứ mỳ hạt này chưa, mà dám tả “hạt bo bo” to và cứng như “như sỏi cuội. Trưa, cơn đói giày vò, anh sục tay vào mớ bo bo lạo xạo, đưa lên mắt nhìn, cảm giác như chó nhìn thóc”
Thật là lộng ngôn hết chỗ nói! Lúc đó một số đơn vị trong Quân đội, chủ yếu huấn luyện ngoài miền Bắc được cấp hạt mì do Liên Xô viện trợ. Hạt mì chỉ to hơn hạt gạo một chút, có màu nâu như gạo lứt bây giờ, ăn rất ngon và bổ dưỡng hơn gạo. Bộ đội ta chưa quen, lại không có điều kiện chế biến nên khó ăn hơn gạo. Bộ đội ta từ trước tới giờ làm gì có chuyện cấp tem phiếu để mua lương thực, thế mà Hữu Phương “bịa” ra bộ đội được cấp tem phiếu mua “hạt bo bo”.
Mới chỉ lướt qua mấy thứ “râu ria” mà đã chừng ấy cái vô lý. Đi sâu vào nhân vật chính là Diệu Ly, độc giả đặt câu hỏi: Ngoài bố, mẹ ra còn có cô, dì, chú, bác, rồi bà con lối phố, xa hơn nữa là Nhà nước ở đâu? mà lại để cô lâm vào tình cảnh tuyệt vọng như vậy! Con gái 16 tuổi, vốn xinh đẹp, hiền dịu, nết na mà bị bỏ rơi, trở thành “ma đói” đến mức đi tranh cướp đồ cúng ngoài nghĩa địa, rồi trở thành “con điếm”! Mà phá đời Diệu Ly lại chính là cậu bé bán bánh mì, đổi nhân phẩm của Diệu Ly bằng những chiếc bánh!
Để chống lại với “lưỡi hái của tử thần đói khát, Diệu Ly phải bán thân đổi lấy miếng ăn, cuối cùng cô phải mượn sợi dây thừng để tự kết liễu đời mình, vì: “Diệu Ly đã mang thai khoảng vài ba tháng” (câu kết).
Câu chuyện kết thúc một cách cực đoan theo chủ quan của tác giả, đã vẽ nên bức tranh ảm đạm, tha lương, cùng quẫn không có lối thoát...
Phải khẳng định rằng, cả về nội dung tư tưởng lẫn hình thức nghệ thuật đều không thể coi “Diệu Ly” của Hữu Phương là một sản phẩm văn học. Đáng tiếc, người biên tập “gác” truyện ngắn này đã để lọt lên mặt báo, xúc phạm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, xúc phạm bạn đọc.
Đúng như tác giả Nguyễn Duy Tường sau khi đọc truyện ngắn “Diệu Ly” đã đặt câu hỏi trong bài viết “Chân - Thiện - Mỹ ở đâu?” - bài đăng trên Báo CCB Việt Nam số 1205 + 1206, ra ngày 7-12-2017.
Nguyễn Văn Cự